Thực tế đã khẳng định: Công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội có vị trí, vai trò quan trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc kiểm soát, giám sát quyền lực của Nhà nước. Việc thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội cũng chính là việc làm thiết thực để thực hiện phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
Khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị số 18
Theo thông tin từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, việc thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW đã và đang triển khai tại nhiều nơi với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương.
Tỉnh ủy Bắc Giang vừa ban hành Công văn về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18 đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phát huy dân chủ ở cơ sở, vai trò của công tác giám sát, phản biện xã hội...
Trong đó nhấn mạnh, các cấp ủy Đảng tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội. Hằng năm, Ban Thường vụ cấp ủy địa phương cho ý kiến về chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp; lãnh đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức giải quyết kịp thời, dứt điểm các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội, xác định đây là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết chủ trương của Đảng về công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.
Tỉnh ủy nhấn mạnh trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò giám sát của nhân dân; trách nhiệm trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát; cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra; cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tham gia hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.
Tỉnh ủy nêu rõ: có biện pháp xử lý tổ chức, cá nhân không hợp tác, gây khó khăn, cản trở hoạt động giám sát, phản biện xã hội hoặc lợi dụng quyền giám sát, phản biện xã hội để gây tổn hại cho tổ chức, cá nhân. Bảo đảm kinh phí cho Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội theo quy định. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kịp thời đề xuất việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề mới phát sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn...
Tại tỉnh Hà Nam, Mặt trận Tổ quốc đề ra chỉ tiêu trong năm 2023: cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì tổ chức từ một đến hai cuộc giám sát; cấp xã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp tổ chức từ một đến hai cuộc giám sát; cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì tổ chức ít nhất một cuộc phản biện xã hội; Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cấp xã phối hợp tổ chức ít nhất một cuộc phản biện xã hội (khi có dự thảo văn bản của cơ quan đề nghị phản biện gửi đến).
Đồng thời, tập trung giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư; phát huy hiệu quả giám sát của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Tích cực tham gia góp ý vào các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật, các dự thảo tờ trình, nghị quyết của HĐND, UBND cùng cấp khi được đề nghị...
Giám sát, phản biện cần bám sát cuộc sống
Từ thực tiễn triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội nhiều năm qua cho thấy, các hoạt động này chỉ phát huy hiệu quả thực chất khi bám sát những vấn đề từ thực tế cuộc sống của nhân dân. Vì vậy, việc giám sát, phản biện xã hội cần được cụ thể hóa, không xa rời thực tiễn và triển khai bằng những hoạt động thiết thực, nhất là đeo bám đến cùng những vấn đề đặt ra.
Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp để nghe và cho ý kiến về chương trình giám sát và phản biện xã hội của Đảng đoàn Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh Quảng Ninh năm 2023. Tại đây, lãnh đạo Tỉnh ủy yêu cầu, đối với công tác phản biện, cần nghiên cứu tập trung vào các chính sách của tỉnh liên quan tới đa số người dân, nhất là nhóm đối tượng yếu thế, trong đó có người nghèo.
Về công tác giám sát, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của tỉnh.
Giám sát để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, dịch vụ hành chính công, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ; chất lượng cải cách hành chính và thực thi chính sách, pháp luật liên quan lợi ích trực tiếp của người dân như công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch, bố trí tái định cư, chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng, chống tội phạm, ma túy, chất lượng cung cấp điện nước...
Tỉnh ủy nêu rõ: Để thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, đòi hỏi chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội phải được nâng lên, am hiểu về pháp luật, nắm chắc cơ sở, thực tiễn; tăng cường cơ chế đặt hàng, tạo điều kiện tốt hơn để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội hoạt động; công khai, minh bạch kết quả giám sát, phản biện xã hội theo quy định; Phát huy vai trò chủ trì, tính chủ động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tăng cường phối hợp, hiệp thương thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên trong xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, bảo đảm sự đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, không chồng chéo.
Tại Sơn La, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh vừa chủ trì Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo hồ sơ quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến phản biện tâm huyết, trách nhiệm về các định hướng chiến lược, phương án phát triển của tỉnh, các chỉ tiêu chính về phát triển ngành kinh tế mũi nhọn, không gian phát triển; định hướng chiến lược về môi trường và văn hóa-xã hội của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm các nội dung về lợi thế của tỉnh; mạng lưới phát triển khoa học-công nghệ; hệ thống giáo dục, kết cấu hạ tầng phục vụ an sinh xã hội...
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội có đặc thù riêng, mang tính xã hội, tính nhân dân rất cao và dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, việc triển khai nhiệm vụ này cần có trọng tâm, trọng điểm, mang tính xây dựng cao không gây khó khăn đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước.
Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Chỉ thị 18 với khối lượng nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất lớn, là nhiệm vụ trọng tâm và phải được ưu tiên triển khai bài bản, toàn diện. Chính vì vậy, hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên cần bám sát Kế hoạch triển khai Chỉ thị 18 với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Từ đó, triển khai nội dung, nhiệm vụ, cách thức tổ chức thực hiện, phân công trách nhiệm cụ thể và thời gian, lộ trình thực hiện phù hợp để triển khai toàn diện các nội dung, yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát, phản biện.