Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp các Đại sứ trình Quốc thư

Sáng 26/9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp các Đại sứ các nước Bulgaria, Phái đoàn Liên minh châu Âu, Pháp và Kazakhstan đến trình quốc thư. Chủ tịch nước chúc mừng các Đại sứ nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, mong muốn các Đại sứ bằng kinh nghiệm dày dặn của mình, đóng góp thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước. Các bộ, ngành của Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các Đại sứ hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình.
0:00 / 0:00
0:00

Tại buổi tiếp, các Đại sứ trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dành thời gian tiếp; đồng thời, khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để đóng góp thúc đẩy quan hệ song phương.

* Tiếp Đại sứ Bungari Pavlin Todorov, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng Đại sứ nhận nhiệm vụ vào thời điểm hai nước có mối quan hệ rất tốt đẹp và hiện Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đang có chuyến thăm Bulgaria để thúc đẩy quan hệ hai nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp các Đại sứ trình Quốc thư ảnh 1
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đại sứ Bulgaria Pavlin Todorov tại lễ trình Quốc thư. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đại sứ cho biết, chuyến thăm Bulgaria lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp phần thúc đẩy hợp tác hai nước về kinh tế, du lịch, văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục. Bulgaria rất coi trọng và mong muốn thực hiện hiệu quả các văn kiện đã ký kết với Việt Nam, nhất là triển khai hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Bulgaria. Bulgaria sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam các dự án về giáo dục, năng lượng.

Đại sứ nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác quan trọng của Bulgaria tại ASEAN và luôn ủng hộ mối quan hệ của Việt Nam và EU; mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế, đồng thời thúc đẩy giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa hai nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, Việt Nam và Bulgaria là đối tác quan trọng và đề nghị hai nước thường xuyên trao đổi cấp cao và các cấp, giao lưu địa phương và giao lưu nhân dân, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác hai nước. Tiềm năng hợp tác của hai nước còn rất lớn, nhất trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao, văn hóa, giáo dục, đào tạo. Vì vậy, hai nước cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và đa phương.

*Đại sứ Liên minh châu Âu Julien Guerrier trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dành thời gian tiếp và cho biết, ông là một trong những người tham gia quá trình đàm phán Việt Nam gia nhập WTO. Trong 26 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, ấn tượng. Việt Nam có vị trí rất đặc biệt cả về địa chính trị và kinh tế trong khu vực, do đó EU mong muốn tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong tương lai. Việt Nam đã đặt mục tiêu 2045 là quốc gia phát triển và trong nhiệm kỳ này, Đại sứ mong muốn được đóng góp một phần vào quá trình thực hiện mục tiêu đó.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp các Đại sứ trình Quốc thư ảnh 2
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đánh giá cao Việt Nam tận dụng tốt cơ hội do Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU mang lại, Đại sứ cho rằng, Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai các cam kết trong quá trình thực thi Hiệp định, giúp hàng hóa thâm nhập hiệu quả vào EU. EU có kinh nghiệm và mong muốn hợp tác với Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là thông qua sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu của Liên minh châu Âu. Trước các vấn đề quốc tế, EU cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong gìn giữ hòa bình, an ninh, an toàn trên thế giới; giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình thông qua đối thoại.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao Đại sứ EU đã đề cập nhiều nội dung hợp tác và cho rằng, đây đều là những lĩnh vực Việt Nam quan tâm và sẽ nỗ lực hợp tác tốt nhất với EU. Trong 26 năm tham gia WTO, Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác với các nước để tận dụng các cơ hội phát triển, song vẫn chưa đạt được kỳ vọng mong muốn. Với điều kiện của Việt Nam hiện nay, để thực hiện các sáng kiến và cam kết, thì còn nhiều thách thức, song Việt Nam sẽ nỗ lực cao nhất để thực hiện các nội dung hợp tác này. Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050 và mong muốn EU hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết này.

Cho biết, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh để giành độc lập, tự do và thấu hiểu sâu sắc những mất mát, hy sinh cũng như những giá trị của hòa bình, Chủ tịch nước cho biết, cùng lòng hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, Việt Nam mong muốn cùng các nước giải quyết các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

* Tại buổi tiếp Đại sứ Cộng hòa Pháp Olivier Brochet, Đại sứ bày tỏ với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lòng tự hào được nhận nhiệm vụ tại Việt Nam trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị hai nước phát triển tốt đẹp. Thời gian tới, Pháp sẽ đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam về khoa học, giáo dục, nhất là giáo dục đại học. Nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn theo học tại Pháp và Pháp sẽ dành nhiều suất học bổng cho sinh viên Việt Nam. Pháp cũng muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp các Đại sứ trình Quốc thư ảnh 3
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Đại sứ Pháp Olivier Brochet. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhắc lại việc Việt Nam và Pháp là hai thành viên sáng lập Cộng đồng Pháp ngữ và năm 2024 là Pháp đăng cai hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 tại Pháp, Đại sứ mong muốn đón Chủ tịch nước tham dự hội nghị lần này.

Về các vấn đề tại Biển Đông, Đại sứ gửi tới Chủ tịch nước thông điệp của Tổng thống Pháp, đó là: Cộng hòa Pháp với cương vị là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, sẽ góp tiếng nói để bảo đảm an ninh, an toàn tại Biển Đông. Pháp mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong mọi lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực quốc phòng.

Chủ tịch nước đánh giá, mối quan hệ hai nước Việt Nam và Pháp thời gian qua phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều dấu ấn là các công trình văn hóa Pháp đang được bảo tồn và phát huy. Người dân Pháp và người dân Việt Nam dành cho nhau những tình cảm chân thành, qua đó thúc đẩy giao lưu nhân dân.

Trên cơ sở đối tác chiến lược, hai nước thúc đẩy hợp tác cả lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Chủ tịch nước hoan nghênh thông điệp của Tổng thống Pháp, đánh giá cao và đề Pháp tiếp tục duy trì ủng hộ ASEAN về quan điểm bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

* Tại buổi tiếp Đại sứ Kazakhstan Kanat Tumysh, Chủ tịch nước cho biết, việc cử Thứ trưởng Ngoại giao làm Đại sứ tại Việt Nam cho thấy Kazakhstan coi trọng mối quan hệ với Việt Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp các Đại sứ trình Quốc thư ảnh 4
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Đại sứ Kazakhstan Kanat Tumysh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đại sứ Kazakhstan trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước dành thời gian tiếp và khẳng định, Kazakhstan rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, thể hiện qua chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Kazakhstan để thúc đẩy quan hệ hai nước. Đại sứ đã gửi thư của Tổng thống Kazakhstan lời mời Chủ tịch nước thăm Kazakhstan trong thời gian sớm nhất.

Đại sứ cho biết, nhân dân Kazakhstan rất ngưỡng mộ Lãnh tụ Hồ Chí Minh, người có nhiều nỗ lực gây dựng mối quan hệ hai nước. Năm 2024, Kazakhstan sẽ tổ chức sự kiện kỷ niệm 65 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Kazakhstan và sẽ đặt tên một đại lộ lớn tại Kazakhstan mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cảm ơn Tổng thống Kazakhstan gửi thư mời thăm Kazakhstan, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã vui vẻ nhận lời và cho biết, chuyến thăm của Tổng thống Kazakhstan mới đây để lại ấn tượng rất tốt đẹp đối với Việt Nam và là dấu mốc quan trọng thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam đánh giá cao vai trò của Kazakhstan trong các diễn đàn khu vực và quốc tế và tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ các sáng kiến của Kazakhstan để thúc đẩy mối liên kết Á-Âu cũng như thúc đẩy hợp tác giữa Kazakhstan với ASEAN. Trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư hai nước có bước tiến quan trọng và hai nước hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 1,5 tỷ USD thời gian tới. Bên cạnh đó, hai nước cần thúc đẩy giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, làm cơ sở vững chắc thúc đẩy quan hệ hai nước trong tương lai…