Nỗi lo thiếu nước
Nắng hạn kéo dài gần năm tháng nay trên địa bàn xã Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập) khiến nhiều giếng nước khô cạn. Khoảng 300 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt, nhất là các hộ sinh sống ở khu vực trung tâm xã. Do nắng hạn kéo dài cho nên giếng đào của hộ gia đình anh Nguyễn Đức Nam cạn khô, anh phải mua nước để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Anh Nam cũng đối diện với thua lỗ khi thiếu nước thay hằng ngày cho 10.000 con lươn và cá trê mà gia đình đang nuôi ở các bể.
Anh Nguyễn Đức Nam cho biết: “Đây là lứa lươn đầu tiên nuôi bằng nước giếng. Thông thường mỗi ngày tôi thay nước cho lươn hai lần. Nay gặp thời tiết khô hạn, thiếu nước đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự sinh trưởng của lươn. Để tiết kiệm, nước thải từ hồ nuôi lươn tôi tận dụng để nuôi cá trê. Tuy nhiên, mỗi tháng chi phí mua nước sinh hoạt và nuôi lươn, cá cũng đội lên gần hai triệu đồng. Giờ tôi chỉ mong trời mưa để tránh thiệt hại về kinh tế”.
Hiện tại cây cà-phê, sầu riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang trong thời kỳ ra hoa, đậu trái, nhưng vì không có đủ nước tưới cho nên khó tránh khỏi nguy cơ mất mùa. Với những hộ ở gần suối, hồ, đập thì có thể tưới cho vườn cây, còn nếu ở xa thì khoan giếng công nghiệp để tưới, nếu không có điều kiện đành phó mặc cây trồng cho thời tiết. Trong tháng 2, vườn cà-phê của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn 10, xã Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập) đã ra hoa đồng loạt. Do nắng hạn kéo dài, toàn bộ hoa cà-phê đã khô đen, không còn khả năng đậu trái. Để cứu vườn cây, chị Thủy đã chi 35 triệu đồng để khoan một giếng sâu 120m, nhưng vẫn không đủ nước tưới, chỉ đủ cầm cự cho cây sống qua mùa khô.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do nắng hạn trên địa bàn tỉnh đã lên tới gần 9.000 ha. Trong đó, diện tích cây ăn trái và cây lâu năm là 6.594,4 ha, cà-phê 1.601 ha, lúa 37,6 ha, tiêu 33,9 ha, cây hằng năm khác 16,8 ha. Tình hình nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích cây trồng của 7/11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Đơn vị có diện tích cây trồng bị ảnh hưởng nhiều nhất là huyện Bù Gia Mập với tổng 5.523,5 ha, chủ yếu là cây ăn trái; kế đến là huyện Bù Đăng với 2.177 ha, Đồng Phú 300 ha. Không chỉ cây trồng thiếu nước tưới, toàn tỉnh còn có 1.444 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Không để người thiếu nước, cây chết khô
Toàn tỉnh Bình Phước hiện có 76 công trình thủy lợi hồ, đập với dung tích thiết kế tưới cho hơn 9.286 ha cây trồng và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và công nghiệp 133.642m3/ngày đêm. Đến nay, mực nước ở hầu hết các công trình hồ, đập đều giảm, dung tích hồ chứa chỉ còn lại dao động từ 32-45%. Trước thực tế này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã khuyến cáo người dân thực hiện chủ trương tiết kiệm nước tưới và nước sinh hoạt.
Tại huyện Đồng Phú, nơi nóng nhất của tỉnh Bình Phước, nhiều con sông, suối đã cạn kiệt, người dân đã chủ động tìm giải pháp cho cây trồng. Ông Tống Công Đông, ấp 4B, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú đưa ra giải pháp tưới sử dụng bằng năng lượng mặt trời cho vườn sầu riêng của gia đình. Ông Đông chia sẻ: Cây ăn trái, nhất là cây sầu riêng thời kỳ đậu trái non rất cần nước. Nếu thiếu nước, trái non sẽ bị rụng. Gia đình tôi có 6 ha sầu riêng sáu năm tuổi, năm nay bắt đầu thu hoạch, trái non đã to bằng nắm tay.
Để có nước tưới, giải pháp khoan giếng là điều chắc chắn. Tuy nhiên, ở đây cách xa khu dân cư, không có điện lưới, nếu gia đình tự kéo điện phải đầu tư kinh phí lắp đặt khoảng 400 triệu đồng, vượt khả năng tài chính. Sau khi đi tham khảo một số nơi, thấy hệ thống điện năng lượng mặt trời có thể thay thế điện lưới, đầu tư rẻ, tiện lợi hơn, tôi quyết định chọn phương án này.
Còn tại ấp Sắc Xi, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, nơi được coi là chảo lửa khiến đất nứt, cây khô, trong khi nhiều hộ chua xót vì hệ quả của nắng hạn thì 6 ha sầu riêng và chôm chôm Thái của gia đình ông Ngô Hoàng Tâm vẫn xanh mượt do đủ nước tưới. Ông Tâm cho biết, trước khi trồng cây, gia đình đã có sự chuẩn bị rất kỹ nguồn nước. Ngoài khoan sẵn hai giếng, đào ba ao nổi để chứa nước thì hằng ngày, ông chủ động bơm từ giếng khoan lên ao để nguồn nước không bị nghẽn”.
Mùa khô năm nay, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập là nơi hạn hán nặng nhất tỉnh. Đầu tháng 3, Ủy ban nhân dân xã đã lập danh sách các hộ thiếu nước và phối hợp với các đơn vị cấp nước cho nhân dân. Hiện nay, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 778 (Bộ Quốc phòng) đang bơm nước từ giếng khoan công nghiệp tại thôn Bù Lư và thôn Bù Dốt để chia sẻ nước cho bà con. Khi giếng cạn, đơn vị điều 4 xe bồn xuống suối Đắk Mai lấy nước về khử trùng, lọc sạch để cấp cho nhân dân.
Thượng tá Hoàng Văn Hùng, Chính ủy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 778 cho biết: “Với tinh thần “Ở đâu nhân dân thiếu nước, ở đó có bộ đội Kinh tế-Quốc phòng 778” đáp ứng, đến nay, chúng tôi phối hợp cấp ủy, chính quyền xã, Đồn Biên phòng Bù Gia Mập và Vườn quốc gia Bù Gia Mập tiến hành cấp nước sạch cho người dân trên địa
bàn xã. Việc cấp nước được thực hiện cả thứ bảy, chủ nhật, đã đáp ứng nước cho hơn 300 hộ. Đây là việc làm hằng năm của đơn vị, không riêng xã Bù Gia Mập mà nhân dân các xã còn lại trong vùng dự án nếu thiếu nước sạch sinh hoạt cũng sẽ được đơn vị phối hợp với địa phương kịp thời cấp nước đầy đủ”.