Chủ động sản xuất để cung ứng hàng Tết

Để bảo đảm tốc độ tăng trưởng nông nghiệp cũng như chủ động nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo sản xuất, tính toán khung thời vụ và hướng dẫn người dân thực hiện tái đàn vật nuôi phù hợp, cũng như các biện pháp chăm sóc cây trồng, phòng trừ dịch bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình sản xuất nho Hạ đen theo hướng hữu cơ tại thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) thu hút nhiều du khách tham quan.
Mô hình sản xuất nho Hạ đen theo hướng hữu cơ tại thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) thu hút nhiều du khách tham quan.

Thời điểm này người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang tái đàn, vào đàn mạnh, nhất là đối với lợn và gà để cung cấp cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Các địa phương đang vào đàn mạnh các loại vật nuôi này như: Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên, Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Nam...

Chuẩn bị vào vụ, tăng đàn

Dự kiến từ nay đến cuối năm giá vật tư đầu vào, nhất là giá thức ăn chăn nuôi ổn định, đồng thời nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng, cộng thêm sự thiếu hụt của nguồn cung thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi trong nước đã đẩy giá thịt lợn tăng cao, kéo theo giá bán các sản phẩm chăn nuôi khác tăng. Qua đó sẽ kích thích người chăn nuôi tăng tái đàn, góp phần tăng sản lượng trong những tháng cuối năm.

Ông Lê Văn Dương, Chi Cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang) thông tin, để bảo đảm mức độ tăng trưởng nông nghiệp, riêng lĩnh vực chăn nuôi từ nay đến cuối năm phải phấn đấu đạt mục tiêu 134.300 tấn, trong đó tập trung chủ yếu phát triển hai đối tượng vật nuôi chính là lợn và gia cầm. Về thịt lợn, phấn đấu đạt 91.300 tấn, trong đó một số địa phương có khả năng đạt chỉ tiêu cao... Đối với thịt gia cầm, phấn đấu đạt 39.100 tấn, trong đó huyện Yên Thế 7.800 tấn; Tân Yên 5.600 tấn; Hiệp Hòa 5.000 tấn; Lục Ngạn 4.600 tấn; Lục Nam 4.400 tấn; Lạng Giang 4.200 tấn...

Theo đại diện lãnh đạo huyện Yên Thế, địa phương có sản phẩm gà đồi là vật nuôi chủ lực và tập trung phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa có chất lượng, quy mô lớn. Từ nay đến Tết Nguyên đán 2025, huyện sẽ phấn đấu duy trì tổng đàn gà khoảng bốn triệu con và dự kiến giữa tháng 10 sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi và các sản phẩm nông, lâm nghiệp.

Gia đình ông Nguyễn Văn Vương ở bản Xuân Môi, xã Xuân Lương vừa vào đàn 4.000 con gà thương phẩm thả đồi với hy vọng sẽ bán được giá cao vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ông Vương cho biết: “Để bảo vệ đàn vật nuôi ông tuân thủ các quy trình, kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đàn gà, gà được chăn thả đồi cho nên chất lượng thịt thơm ngon”.

Tại huyện Tân Yên, xác định vụ đông là vụ sản xuất chính, đem lại hiệu quả kinh tế cao, Ủy ban nhân dân huyện đã sớm ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ đến các đơn vị, làm cơ sở giao chỉ tiêu cụ thể đến các thôn, tổ dân phố triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời vụ. Ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để cung ứng đủ nguồn nông sản cho dịp cuối năm, vụ đông năm nay huyện đề ra mục tiêu gieo trồng cây hơn 3.700 ha với các cây trồng như: lạc dự kiến sản lượng gần 1.200 tấn; ngô lai dự kiến sản lượng 578 tấn; khoai tây dự kiến hơn 4.300 tấn; khoai lang dự kiến hơn 2.500 tấn; rau quả thực phẩm các loại dự kiến 40.000 tấn”.

Tại huyện Lục Nam, cơ quan chuyên môn đang tích cực chỉ đạo nông dân tăng cường các biện pháp chăm sóc, thực hiện kỹ thuật đối với vụ na, dứa trái vụ và cây rau màu vụ đông, nhất là rau ăn lá, mở rộng diện tích khoai dọc tím... Đáng chú ý, một số xã như Cẩm Lý, Đan Hội đang phát triển mạnh đàn gà lai chọi để cung cấp cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán với thị trường tiêu thụ chủ yếu là Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng.

Khai thác dư địa cây trồng, vật nuôi

Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, một trong những biện pháp từ nay đến cuối năm ngành nông nghiệp đề ra là tập trung khai thác dư địa các loại cây trồng, vật nuôi còn khả năng phát triển. Hiện nay, Sở đang tập trung chỉ đạo sản xuất vụ mùa, mở rộng diện tích đối với hai loại cây trồng chủ lực là lúa chất lượng và rau các loại. Hướng dẫn người dân đẩy mạnh trồng xen canh, gối vụ đối với nhóm cây rau màu, cây ngắn ngày nhằm nâng cao diện tích, sản lượng nông sản.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp xác định lĩnh vực chăn nuôi là động lực chính bảo đảm cho tăng trưởng nên đẩy mạnh hỗ trợ phát triển đối tượng vật nuôi chủ lực là lợn, gà và những loại vật nuôi khác còn dư địa phát triển như: các loài thủy cầm, ngựa, dê. Đồng thời khai thác diện tích mặt nước sẵn có để phát triển nuôi trồng thủy sản, tận dụng các loại hình thủy vực như ruộng trũng, mặt nước lớn để nuôi cá.

Để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, góp phần đáp ứng nguồn cung nông sản vào cuối năm và dịp Tết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh, phát triển các đối tượng sâu bệnh hại trên các loại cây trồng, nhất là các vùng sản xuất tập trung cây ăn quả và rau màu.

Cùng với đó, hướng dẫn người chăn nuôi phát triển mở rộng chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, công nghiệp; tăng đàn lợn, đàn gà gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đồng thời chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, yếu tố thời tiết, dịch bệnh ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng các mặt hàng nông sản, thực phẩm của tỉnh để kịp thời chỉ đạo sản xuất, chăn nuôi, bảo đảm đủ sản lượng nông sản cung ứng cho thị trường.

Với những giải pháp đồng bộ, tình hình sản xuất nông nghiệp tại Bắc Giang đang hứa hẹn một vụ mùa hiệu quả không chỉ cung ứng tốt cho thị trường Tết Nguyên đán, góp phần tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo tiền đề, kinh nghiệm chủ động nắm bắt thị trường cho sản xuất nông nghiệp.