Chủ động phòng ngừa tai nạn lao động

Những vụ tai nạn lao động thương tâm xảy ra gần đây tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức bảo đảm an toàn của doanh nghiệp đối với công nhân trực tiếp sản xuất, vận hành. Chủ động phòng chống, ngăn ngừa là giải pháp chưa bao giờ thừa và cần có sự tham gia, giám sát của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
An toàn lao động được chú trọng tại Công ty cổ phần cơ khí, xây dựng, thương mại Đại Dũng.
An toàn lao động được chú trọng tại Công ty cổ phần cơ khí, xây dựng, thương mại Đại Dũng.

Tại Công ty cổ phần cơ khí, xây dựng, thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh), ngay khi công nhân vừa bước vào nhà máy đã thấy băng-rôn nhắc nhở bảo đảm an toàn lao động trong quá trình làm việc. Từng khu vực sản xuất cũng căng biểu ngữ, biển báo về “bảo đảm an toàn lao động”.

Công ty Đại Dũng là doanh nghiệp sản xuất kết cấu thép, ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh, có sản phẩm xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia, nên việc bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp có lực lượng an toàn, vệ sinh viên thường xuyên nhắc nhở, giám sát công nhân trong quá trình làm việc; định kỳ tổ chức các buổi sinh hoạt, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp hoạt động, đề xuất các chế độ, chính sách về bảo hộ lao động, nhận diện các nguy cơ, sự cố, phòng ngừa tai nạn lao động.

Nhằm ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất những nguy cơ liên quan tai nạn lao động có thể xảy ra, Công ty may V.N.F (quận Bình Tân) mời các chuyên gia đến tập huấn trực tiếp cho công nhân, xử lý các tình huống có thể xảy ra, sơ cấp cứu tạm thời với người gặp nạn… Đại diện công ty, bà Nguyễn Thị Mỹ cho biết: Một trong những trọng tâm doanh nghiệp luôn quan tâm là tập trung vào các khu vực có nguy cơ mất an toàn cao; nâng cao công tác đào tạo, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động.

Bộ phận y tế chủ động tập huấn thường xuyên, phân loại khu vực, nâng cao vai trò của an toàn, vệ sinh từng bộ phận; thường xuyên rà soát, chấn chỉnh biển báo, hình ảnh hướng dẫn và tổ chức an toàn, vệ sinh lao động cho phù hợp. “Nhờ vậy, nhiều năm qua, doanh nghiệp luôn bảo đảm vệ sinh an toàn lao động, sức khỏe người lao động”, bà Mỹ nói. Hoạt động trong lĩnh vực hóa chất nên từ khi thành lập, việc bảo đảm an toàn lao động luôn được Công ty cổ phần Tico (quận Tân Phú) đặt lên hàng đầu. Người lao động được trang bị các kiến thức an toàn lao động.

Hằng năm, doanh nghiệp này tổ chức các đợt tập huấn định kỳ hoặc đột xuất nhằm cập nhật quy trình vận hành máy móc. Hay Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) còn thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh lao động tại các tổ sản xuất. Đội ngũ này có trách nhiệm bảo đảm công tác an toàn lao động, lắng nghe và giải quyết kiến nghị của người lao động về điều kiện làm việc và các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi sản xuất…

Mặc dù vậy, vẫn còn một số doanh nghiệp lơ là, thậm chí người trực tiếp sản xuất cũng chưa ý thức tuân thủ quy trình an toàn trong quá trình làm việc. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty kiểm định và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động Thành phố Hồ Chí Minh Đặng Xuân Trọng cho rằng: Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ Luật An toàn vệ sinh lao động, các nghị định, thông tư, Quy chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Việt Nam đều cơ bản đầy đủ, đồng bộ.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm; chưa chú trọng huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động. Việc huấn luyện cũng còn hình thức, chưa sát thực tiễn, chưa tập trung vào người lao động, công việc họ làm, kỹ năng xử lý, thao tác đúng, quy trình, biện pháp làm việc an toàn cụ thể. Nhằm giảm sự cố thương tâm về tai nạn lao động, ông Đặng Xuân Trọng lưu ý, cần thực hiện nghiêm công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

Người lao động làm việc trực tiếp cần được trang bị về quy trình, phương án làm việc an toàn cụ thể; dụng cụ bảo hộ cá nhân, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp. Quy trình làm việc, bảo trì, bảo dưỡng máy phải nêu rõ từng bước thực hiện, việc cách ly, cô lập khu vực thực hiện; bố trí người kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Ngoài ra, các hệ thống biển báo, thông tin, chỉ dẫn, cảnh báo… cần được bố trí đặt ngay tại máy để người lao động dễ thấy và tuân thủ…

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tính từ ngày 1/12/2023 đến 29/3/2024, địa bàn thành phố đã xảy ra 10 vụ tai nạn lao động, làm 12 người chết. Nguyên nhân chủ yếu là do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không có quy trình an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Lượng Thị Tới thông tin: Sở sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện một số giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, bảo đảm sức khỏe cho người lao động trong quá trình làm việc.

Ngoài tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, Sở cũng tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Ngày 8/5 vừa qua, tại lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức khẳng định: Phương châm của thành phố là lấy phòng ngừa làm nguyên tắc ưu tiên trong quản lý an toàn, vệ sinh lao động. Do đó, các đơn vị cần tăng cường tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động. Cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm để bảo đảm môi trường làm việc an toàn, vệ sinh. “Cần đầu tư mạnh hơn cho công tác an toàn, vệ sinh lao động gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cả khu vực không có quan hệ lao động”, ông Đức nhấn mạnh…