Chủ động mở cửa, kích hoạt mạng bay nội địa

NDO -

Mỗi ngày, ngành hàng không đang thiệt hại 500 tỷ đồng, do vậy, Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp chặt chẽ Bộ Y tế và các địa phương, khôi phục lại các phương thức vận tải; đặc biệt là hàng không nhằm mở cửa bay nội địa. Đây là bước thử quan trọng, đánh giá lại năng lực phòng, chống dịch cũng như năng lực chỉ đạo điều hành của các địa phương đối với dịch bệnh và sẵn sàng phục hồi kinh tế.

Các hãng bay trong nước đã sẵn sàng cất cánh trở lại mạng bay nội địa. (Ảnh: Cục Hàng không Việt Nam)
Các hãng bay trong nước đã sẵn sàng cất cánh trở lại mạng bay nội địa. (Ảnh: Cục Hàng không Việt Nam)

“Đông cứng” vận tải gây thiệt hại lớn

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Điều kiện mở lại các chuyến bay an toàn", do báo Giao thông tổ chức ngày 8/10, đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các hãng hàng không đều mong muốn các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để từng bước mở lại các đường bay, chủ động đề ra các biện pháp mở cửa trở lại, tạo hành lang an toàn để người dân, doanh nghiệp đi lại và hoạt động.

Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho hay, đến chiều 7/10, đã có 19/21 địa phương trả lời ý kiến về việc mở lại các đường bay nội địa từ ngày 10/10, chỉ có 3 địa phương chưa đồng thuận (Hà Nội, Hải Phòng, Gia Lai), còn lại 16 địa phương đồng ý, 2 tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ngãi không ý kiến.

Với việc khôi phục đường bay nội địa giữa các tỉnh, thành phố, các chuyên gia đánh giá điều này thể hiện bản lĩnh của lãnh đạo địa phương, khẳng định tâm thế sẵn sàng mở cửa đi lại, phục hồi kinh tế, phòng, chống dịch hiệu quả, là tín hiệu rất đáng mừng đối với ngành giao thông vận tải nói chung và hàng không nói riêng.

Kết nối lại các phương thức vận tải và hàng không nói riêng cần phải làm ngay, bước đầu có thể làm ở quy mô nhỏ để thí điểm rồi mở rộng ra. Đóng cửa rất dễ, nhưng việc này sẽ gây nhiều khó khăn cho cả địa phương, sân bay và kinh tế chung của đất nước.

Các chuyên gia vận tải đều nhận định, suốt một thời gian dài, hoạt động vận tải khách liên tỉnh và hàng không bị “đóng băng, đông cứng”, đã để lại những hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế và cả đời sống, sinh hoạt của người dân. Việc đình trệ hoạt động hàng không do yêu cầu phòng, chống Covid-19 thời gian qua khiến các hãng hàng không nội địa kiệt quệ.

Thời điểm này, có thể nói là đã đến “tới hạn” và chúng ta sẽ phải trả giá đắt nếu không tái khởi động lại hoạt động vận tải. Không thể có phục hồi kinh tế nếu không phục hồi về vận tải, trong đó có hàng không, một loại hình vận tải vẫn được cho là an toàn, luôn đáp ứng những yêu cầu rất nghiêm ngặt trong phòng, chống dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chuyển đổi từ trạng thái mục tiêu không có Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đối với dịch bệnh, để vừa phát triển kinh tế và phòng, chống dịch. Không chỉ có vùng du lịch, địa phương nào cũng cần mở lại đường bay để đón nhà đầu tư, chuyên gia và người lao động. Họ chính là hạt nhân các hoạt động đầu tư thương mại, không chỉ tại các địa phương mà là trên cả nước. Chắc chắn, khôi phục vận tải khách phải là yếu tố tiên quyết để chúng ta trở lại cuộc sống bình thường mới.

Theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không, mỗi ngày, ngành hàng không đang chịu thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng. Do đó, các bộ, ngành và địa phương tiên quan cần sớm ra quyết định khôi phục lại vận tải hàng không, mở lại các đường bay nội địa. Việc kích hoạt này là bước thử quan trọng để đánh giá lại năng lực phòng, chống dịch cũng như năng lực chỉ đạo điều hành của các địa phương đối với dịch bệnh và sẵn sàng phục hồi kinh tế.

Chủ động mở cửa, kích hoạt mạng bay nội địa -0

Cần mở cửa đồng bộ

PGS,TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho hay, khi mở cửa đường bay nội địa, gánh nặng sẽ dồn về các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Lãnh đạo địa phương lo sợ bùng phát dịch, không có khu cách ly, sợ vỡ trận y tế trên địa bàn.

“Thực tế hiện nay, vẫn đang tồn tại việc nhiều địa phương tạo hàng rào quá chặt, không có sự linh hoạt. Nếu cứ mở chỗ này, nghẽn chỗ kia, thiếu sự đồng bộ, thống nhất thì chắc chắn không có hiệu quả”, ông Phu nhấn mạnh và cho rằng, để kiểm soát dịch tốt, phải tính đến nguy cơ và tỷ lệ tiêm vaccine, từ đó cần có quy định vừa khởi động lại hàng không mà vẫn kiểm soát được dịch bệnh.

Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang quả quyết, nếu được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép bay, chỉ sau 2 tiếng đồng, Vietnam Airlines có thể bay được ngay.

“Ngành hàng không đã chuẩn bị rất chu đáo cho việc mở cửa này. Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã họp với các hãng hàng không, đưa ra 4 tiêu chí, gồm: hành khách xanh, quy trình phục vụ xanh, nhà ga - cơ sở hạ tầng xanh, máy bay - phương tiện vận chuyển xanh. Các hãng bay sẽ thực hiện nghiêm quan điểm chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam là mở từng bước, có lộ trình, có kiểm soát”, ông Quang nói.

Để hàng không trở lại bình thường mới, Giám đốc thương mại Vietjet Nguyễn Bác Toán cho rằng, việc đầu tiên, Chính phủ cần thống nhất quan điểm với lãnh đạo các địa phương, không nên để tùy nghi, mỗi địa phương áp dụng theo một cách khác nhau thì sẽ rất khó khăn.

Còn Chủ tịch Vietravel Airlines Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định, với 16/21 địa phương đồng thuận mở cửa hàng không là tín hiệu tích cực cho việc kích hoạt mạng bay nội địa. Nếu không mở cửa, giao thông sẽ gây tắc nghẽn, trở ngại rất lớn cho việc giao thương kinh tế và giao lưu các vùng miền. Nếu vẫn tiếp tục “đóng băng” vận tải thì chiến lược vaccine, tiêm chủng làm gì?

Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cho biết, hiện đang có ràng buộc nhất định, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp về phòng, chống dịch bệnh cũng như kết quả phòng, chống dịch bệnh. Điều này dẫn đến việc nhiều địa phương không dám mạnh dạn quyết việc mở cửa vận tải trở lại.

“Tuy nhiên, chúng ta có nên đề xuất bỏ quy định đó? Mở lại các chuyến bay thời điểm này chắc chắn sẽ không đạt được doanh thu, nhưng quan trọng nhất là tìm ra các giải pháp thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch nhưng mở cửa từng bước để tập dượt các đường bay nội địa và sẽ tiến ra quốc tế trong tương lai gần”, ông Nguyễn Mạnh Quân nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Định Lê Anh Tuấn, về cơ bản, tỉnh thống nhất quan điểm với Bộ Giao thông vận tải và sẵn sàng mở lại đường bay sớm nhất có thể. Tới đây, khi kích hoạt lại các đường bay nội địa, sở sẽ phối hợp các cơ quan chức năng có thẩm quyền, bảo đảm phòng dịch hiệu quả.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Phú Quốc Trần Văn Thọ đề nghị, Cục Hàng không Việt Nam xem xét kỹ tần suất các chuyến bay, cũng như phương án lựa chọn địa phương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh để thực hiện bay trước. Hiện, Phú Quốc đã tiêm vaccine cho khoảng 90% dân số trên 18 tuổi, và chính quyền thành phố cũng đã xây dựng phương án tổng thể để đón khách.

Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường kiến nghị, Cục không thể làm thay các địa phương mà chỉ có thể hỗ trợ về phòng, chống dịch bằng cách vận chuyển người có nhu cầu đi lại; đáp ứng yêu cầu của địa phương về tiêu chuẩn kiểm soát dịch; sẵn sàng cung cấp thông tin về lịch trình đi lại của hành khách và dự báo số lượng hành khách trong từng ngày để các địa phương biết có sự tính toán chủ động. Từ đó, địa phương có thể cùng Cục Hàng không Việt Nam điều chỉnh tăng hay giảm tần suất các chuyến bay phù hợp thực tiễn dịch bệnh.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép