Theo Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Thành Nhân Nguyễn Đình Độ, việc xuất hiện nạn lừa đảo bằng các cuộc gọi điện báo học sinh nhập viện cấp cứu vừa qua thì nhà trường và phụ huynh phải phối hợp thật tốt thì sẽ hạn chế vấn nạn này. Trong đó, phụ huynh khi tiếp nhận thông tin cần bình tĩnh gọi cho giáo viên chủ nhiệm để xác minh con em mình có thật sự bị như vậy không?
Trong khi đó, Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, nhiều phụ huynh đã không tiếp cận thông tin được cảnh báo dẫn đến tình trạng lừa đảo vẫn diễn ra. Ở các bệnh viện không bao giờ có chuyện thu tiền qua điện thoại, đây là điều cấm kỵ vì không rõ ràng, không minh bạch.
Còn ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena cho biết, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc tấn công. Tội phạm công nghệ không giới hạn về địa lý, cuộc gọi giả mạo có thể xuất phát từ bất cứ nơi đâu, không xuất phát tại Thành phố Hồ Chí Minh mà có thể gọi đến từ nước ngoài. Tội phạm công nghệ kiếm tiền phi pháp lợi dụng sự hiểu biết của họ, sự phát triển của công nghệ để xâm nhập, tấn công cộng đồng.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, để hạn chế vấn nạn này, Luật An ninh mạng, an toàn thông tin cần phải có trong chương trình giáo dục để nâng cao nhận thức của học sinh. Từ đó, các em học sinh cũng có thể trao đổi với phụ huynh của mình để biết cách phòng tránh.
Dự Tọa đàm, ông Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực khu vực miền nam Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục cảnh báo hình thức lừa đảo này để cung cấp thông tin đến người dân giúp người dân ý thức được hậu quả khi bị tội phạm công nghệ tấn công.
Cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố trao đổi với các đại biểu, các em học sinh tại Toạ đàm. (Ảnh: QUANG QUÝ) |
Ông Đặng Mạnh Trung đề xuất, bản thân những người dễ bị tấn công lợi dụng cần phải tăng cường phòng vệ để tăng sức đề kháng của mình, góp phần ngăn chặn tội phạm. Mỗi công dân cũng phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý thông tin vi phạm.
Tại Tọa đàm, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cung cấp mã vạch để người dân truy cập nhằm cập nhất các thông tin, thủ đoạn của các loại tội phạm lừa đảo bằng các thủ đoạn để các em học sinh nắm và phòng ngừa.
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát hình sự cũng nêu một số phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng lừa đảo sử dụng để lừa đảo người dân trong thời gian qua.