Chủ động "cắt" lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra

Từ bao đời nay, người dân các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ… (Hà Tĩnh) luôn phải đối mặt với những khó khăn, mất mát do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là đầu tư, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi nên địa phương đã chủ động ứng phó với thiên tai, giữ ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Với dung tích chứa 775 triệu m3, hồ Ngàn Trươi đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lũ các huyện vùng hạ du.
Với dung tích chứa 775 triệu m3, hồ Ngàn Trươi đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lũ các huyện vùng hạ du.

Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm trên địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện 3 đến 4 đợt lũ, các đợt lũ lớn có đỉnh lũ thường lớn hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm tần suất xuất hiện ngày càng nhiều hơn, với đặc điểm lũ thường lên nhanh và xuống rất chậm gây ngập lụt nghiêm trọng và kéo dài đến hạ du lưu vực các sông. Đặc biệt, các đợt lũ lớn xảy ra liên tục trong những năm 2010, 2013, 2016; các đợt lũ chồng lũ gây ngập lụt nghiêm trọng trên các lưu vực sông khu vực Hà Tĩnh.

Đồng chí Nguyễn Đăng Kỷ, nguyên Phó Bí thư Thường trực huyện Vũ Quang cho biết, những năm trước đây, mỗi khi bước vào mùa mưa lũ, việc lưu thông trên các tuyến đường ở Vũ Quang rất khó khăn và nguy hiểm. Vào mùa mưa, nhiều đoạn tỉnh lộ 5 (đoạn từ thị trấn Vũ Quang xuống cầu Chợ Bộng) bị ngập, nước chảy xiết, thậm chí đã có người thiệt mạng khi cố tình vượt qua khu vực nước xiết đó.

Ông Nguyễn Hồng Thái, ở xã Đức Bồng (Vũ Quang) nhớ lại: Khi chưa có hồ Ngàn Trươi, trên địa bàn các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh) xảy ra nhiều đợt mưa lũ, lụt lịch sử. Ghê gớm nhất là các đợt năm 2010, 2016, lượng mưa 400 - 500mm kéo dài nhiều giờ trên diện rộng, khiến nhiều địa phương của hai huyện miền núi này càng bị nhấn chìm trong biển nước, đặc biệt khi Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ. Lúc này, ở các xã hạ du vùng Vũ Quang nằm dọc theo tỉnh lộ 5, người dân muốn đi lại đều phải di chuyển bằng thuyền thay cho đường bộ. Lũ về, toàn bộ nhà cửa, tài sản, ruộng vườn đều bị ngập sâu trong dòng nước. Vì vậy, đời sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn.

Mọi thay đổi bắt đầu nhìn thấy rõ từ năm 2017 khi công trình thủy lợi đa mục tiêu Ngàn Trươi-Cẩm Trang hoàn thành việc xây dựng và tiến hành chặn dòng, tích nước. Với dung tích chứa 775 triệu m3, hồ Ngàn Trươi-Cẩm Trang thật sự cho thấy hiệu quả tích nước và điều tiết lũ cho vùng hạ du.

Theo đánh giá, với tần suất mưa rất lớn vào mùa mưa lũ ở miền tây Hà Tĩnh (trung bình tổng lượng mưa cả đợt vào khoảng 1.000 mm) nếu không có công trình hồ Ngàn Trươi-Cẩm Trang "cắt" hàng trăm triệu mét khối nước lũ thì các xã vùng hạ du huyện Vũ Quang và thượng du Đức Thọ sẽ bị ngập sâu trong biển nước. Chưa hết, nhiều đoạn trên các tuyến giao thông huyết mạch, đường Hồ Chí Minh, tỉnh lộ 5 (lên huyện Vũ Quang) có thể bị nhấn chìm trong nước; trung tâm huyện lỵ sẽ bị nước lũ cô lập.

Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Bùi Khắc Bằng cho biết, từ năm 2019 đến nay, dù lượng mưa trên địa bàn không thay đổi so với trước, song hiện tượng ngập lụt ở các vùng hạ du của huyện không còn kéo dài và tái diễn nghiêm trọng như trước đây. Bên cạnh việc chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phi công trình trong mùa mưa lũ, tác dụng "cắt" lũ mà hồ Ngàn Trươi mang lại đã hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, giúp người dân yên tâm sản xuất, sinh sống. Những thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra cũng được giảm thiểu, góp phần phát triển kinh tế cho người dân địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Bá Đức, hồ Ngàn Trươi không chỉ giảm lũ, cắt lũ cho vùng Đức Thọ, Vũ Quang mà còn góp phần giảm thiệt hại do lũ gây ra cho "rốn lũ" Hương Khê. Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác 351 hồ chứa nước, với tổng dung tích trên 1,57 tỷ m3 nước và 4 công trình thủy điện (Hố Hô, Hương Sơn, Kẻ Gỗ, Ngàn Trươi).

Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai và góp phần giảm lũ cho vùng hạ du, địa phương đã xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai cụ thể cho từng năm, trong đó quán triệt, yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức vận hành, điều tiết hồ chứa một cách hợp lý, đúng quy trình được duyệt nhằm hạn chế ngập lụt vùng hạ du; đồng thời vận hành hệ thống các trục tiêu thoát lũ một cách có hiệu quả.

Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh Nguyễn Văn Thắng cho biết: Đơn vị hiện đang quản lý, vận hành 26 hồ đập thủy lợi có dung tích hơn 100 triệu m3 nước và 10 cống ngăn mặn giữ ngọt, tiêu thoát lũ tại 8 huyện, thị xã phía bắc của tỉnh. Trước mùa mưa bão hằng năm, công ty đã thành lập ban chỉ huy phòng, chống thiên tai của đơn vị để chủ động các phương án ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ"; đồng thời, tiến hành rà soát, kiểm tra hiện trạng các thiết bị, hạng mục tại các công trình thực hiện nhiệm vụ tiêu úng, thoát lũ; thực hiện khơi thông hệ thống cống rãnh.

Trong quá trình vận hành, ngoài việc bảo đảm đúng quy trình vận hành hồ chứa đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị còn chủ động hạ bớt mực nước của hệ thống trục tiêu sông Nghèn nhằm giảm lũ nội đồng và hỗ trợ tiêu thoát lũ nhanh cho khu vực hạ du các hồ đập thủy lợi.

Kinh nghiệm ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai trong những năm qua cho thấy, khi xảy ra mưa lớn, lượng nước đổ về tăng nhanh, để bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du, nhiều hồ chứa lớn ở Hà Tĩnh đã xả tràn điều tiết lũ. Cùng với đó, các đơn vị quản lý, vận hành hồ đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương vùng hạ du tính toán thời gian xả, lưu lượng phù hợp để vừa bảo đảm an toàn cho công trình vừa không gây ngập lụt vùng hạ du. Đặc biệt, các địa phương đã triển khai di dời dân ở vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và ngập lụt sâu.