Chống tiêu cực trong quản lý, bảo vệ rừng

Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, thời gian gần đây, các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp hiệu quả xử lý các đối tượng vi phạm.

Xử lý nghiêm minh

Liên quan vụ gần 61ha rừng ở xã An Hưng (huyện An Lão, tỉnh Bình Ðịnh) bị phá hoại, Công an tỉnh Bình Ðịnh mới đây đã điều tra khởi tố thêm năm bị can về tội "hủy hoại rừng". Theo đó, công an đã bắt tạm giam đối tượng Lê Hồng Ðức (40 tuổi, ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Ðịnh), người đứng ra thuê một số nhân công và tổ chức phá rừng ở tiểu khu 1, rừng xã An Hưng. Cơ quan điều tra cũng khởi tố về hành vi "hủy hoại rừng" đối với bốn đối tượng: Lê Xuân Hậu, Võ Dần, Văn Ngọc Triển, Nguyễn Cứ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Lê Văn Thiệt (Chủ tịch HÐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo). Các cấp ủy đảng ở huyện An Lão đã đề nghị kỷ luật khiển trách về Ðảng đối với một Phó Chủ tịch UBND huyện. Ðồng thời, quyết định kỷ luật khiển trách với Ban thường vụ Ðảng ủy xã An Hưng, cảnh cáo cấp ủy Hạt Kiểm lâm huyện An Lão; kỷ luật khiển trách, cảnh cáo về Ðảng đối với bảy cá nhân ở xã An Hưng, Hạt Kiểm lâm An Lão. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Ðịnh đã kỷ luật bảy kiểm lâm viên. UBND tỉnh Bình Ðịnh đã lập hội đồng kỷ luật để xem xét, quyết định hình thức xử lý các cá nhân, tập thể thuộc diện UBND tỉnh quản lý.

Tại tỉnh Nghệ An, liên quan vụ phá rừng tại xã Nam Sơn và Bắc Sơn (huyện Quỳ Hợp) để lấy gỗ và trồng keo, vừa qua, Huyện ủy Quỳ Hợp đã đề nghị cách chức Trưởng ban Tuyên giáo và chín cán bộ có hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp phá rừng. Liên quan vụ việc trên, Công an huyện Quỳ Hợp đã khởi tố vụ án hình sự với hành vi hủy hoại rừng theo Ðiều 189 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, tại các tỉnh địa bàn Tây Nguyên, nơi liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng, cơ quan bảo vệ pháp luật các địa phương đã xử lý nghiêm minh những đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó nhiều đối tượng nguyên là cán bộ địa phương, cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật, chủ rừng, chủ doanh nghiệp đã tiếp tay cho hoạt động phi pháp. Tỉnh ủy Ðác Nông đã thành lập một ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đứng đầu để tập trung xử lý. Từ đầu năm đến nay, cơ quan điều tra các cấp của tỉnh Ðác Nông đã khởi tố 11 vụ, gồm 42 bị can về hành vi hủy hoại rừng, bốn vụ với sáu bị can về tội vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng, trong đó có một số cán bộ nguyên là lãnh đạo các công ty lâm nghiệp. Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam đối tượng Phạm Xuân Sáng, nguyên cán bộ công an tỉnh về hành vi "bảo kê" hủy hoại rừng. Cũng tại tỉnh Ðác Nông, chín tháng đầu năm nay, lực lượng kiểm lâm đã xử lý kỷ luật 20 cán bộ, công chức của Chi cục Kiểm lâm do thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, trong đó, buộc thôi việc một trường hợp, cách chức bốn trường hợp, cảnh cáo sáu đối tượng, hạ bậc lương một trường hợp và khiển trách tám đối tượng liên quan đến các vụ phá rừng trái phép…

Nâng cao trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng kiểm lâm, trong năm 2016 và chín tháng đầu năm 2017, Cục Kiểm lâm đã xử lý nghiêm nhiều trường hợp công chức, viên chức vi phạm kỷ luật. Riêng năm 2016, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh đã tổ chức 1.329 cuộc kiểm tra, phát hiện, xử lý 494 trường hợp vi phạm các quy định trong khi thực hiện nhiệm vụ; trong đó, nhắc nhở 255 trường hợp; khiển trách 130 trường hợp; cảnh cáo 57 trường hợp; hạ bậc lương chín trường hợp; cách chức bảy trường hợp; buộc thôi việc 13 trường hợp; chuyển cơ quan điều tra khởi tố 23 trường hợp. Tính từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh đã tổ chức 1.301 cuộc kiểm tra, phát hiện, xử lý 510 trường hợp vi phạm quy định trong thực hiện nhiệm vụ.

Ðể công tác bảo vệ, quản lý rừng chặt chẽ, hiệu quả, theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Ðoàn Hoài Nam, Cục đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm các địa phương tiếp tục quán triệt, phổ biến, duy trì thực hiện các nội dung chấn chỉnh, nâng cao năng lực, phẩm chất cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức kiểm lâm; trong đó đặc biệt lưu ý chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, đạo đức nghề nghiệp. Thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra, kiểm soát lâm sản theo quy định, nghiêm cấm việc tự tiện dừng phương tiện vận tải trên đường giao thông không đúng quy định. Nghiêm cấm mọi hành vi sách nhiễu, gây phiền hà, vòi vĩnh, nhận hối lộ và các hành vi tiêu cực khác; gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ngành kiểm lâm cũng rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức để có kế hoạch điều chuyển vị trí công tác phù hợp với yêu cầu. Thời gian qua, ngành đã tăng cường kiểm lâm về cơ sở, trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã thực hiện toàn diện chức năng về quản lý bảo vệ rừng; hạn chế việc kiểm tra, kiểm soát trên khâu lưu thông, quản lý lâm sản tận gốc. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ động phối hợp với các tổ chức, công dân, các ngành, các cấp trong đấu tranh chống tiêu cực.

Trưởng phòng quản lý, bảo vệ rừng (Cục Kiểm lâm) Lê Ðình Thơm cho biết: Ngành kiểm lâm đã xem xét hình thức khen thưởng cho các tổ chức, công dân dũng cảm tố giác những hành vi vi phạm tác phong, ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và các tiêu cực khác của công chức, viên chức kiểm lâm. Ðồng thời, có chế độ khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác, dũng cảm đấu tranh ngăn chặn các hành vi phá rừng, chấp hành nghiêm túc các quy định của ngành, của pháp luật trong quá trình thực thi công vụ...