Năm nào cũng có những tiếng kêu ca, phàn nàn từ phía cha mẹ học sinh do phải đóng góp quá nhiều khoản tiền. Năm nay, thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương tăng học phí. Vì thế, để hạn chế tình trạng lạm thu, Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố đã xây dựng hướng dẫn liên sở giữa Sở Giáo dục và Ðào tạo và Sở Tài chính về "thu, sử dụng học phí và thu khác năm học 2013-2014 và năm học 2014-2015". Sở cũng đã có văn bản nhắc nhở các phòng giáo dục và hiệu trưởng các trường về việc thông báo và niêm yết công khai các khoản thu hộ, chi hộ cho học sinh như sách, vở, tài liệu, dụng cụ học tập (không bắt buộc, phụ huynh có thể tự mua), tiền ăn, tiền bán trú, bảo hiểm... Sở cũng yêu cầu các trường không được tùy tiện thay đổi mẫu đồng phục gây thêm tốn kém cho cha mẹ học sinh. Nếu thật sự cần thay đổi thì phải thông báo trước và có sự đồng thuận của phụ huynh, giá cả phù hợp điều kiện của phần lớn các gia đình. Các loại sách bài tập, sách tham khảo phải thống nhất và thông báo sớm, tránh để phụ huynh phải mua lại tài liệu khác, gây lãng phí và phiền hà... Tuy nhiên, quy định thì năm nào cũng có, nhưng lạm thu vẫn không ngừng phát triển và biến tướng dưới nhiều hình thức khá tinh vi.
Vì thế, cần có những biện pháp chống lạm thu hiệu quả. Trước hết, phải thấy một thực tế là phụ huynh luôn cảm thấy yên tâm khi được gửi gắm con em mình ở những ngôi trường khang trang, trong khi nguồn ngân sách nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường, lớp luôn hạn chế. Vì thế, để tạo dựng được môi trường học tập khang trang với cơ sở vật chất tương đối tốt và trang thiết bị hiện đại..., nhiều trường học chủ trương đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn lực tài chính. Ðây chính là các khoản thu thêm từ sự đóng góp tự nguyện của phụ huynh và các nhà hảo tâm. Nếu không có nguồn lực từ việc xã hội hóa thì nhiều ngôi trường không thể có được diện mạo khang trang, hiện đại như hiện tại. Như vậy, cần phải phân biệt một cách chính xác, rõ ràng đâu là lạm thu và đâu là huy động nguồn lực xã hội một cách hợp lý thiết thực. Chìa khóa cho sự phân biệt rạch ròi này chính là sự công khai, minh bạch trong thu chi tài chính. Tuyệt đối không được ép buộc dưới mọi hình thức, kiểu như buộc viết đơn tự nguyện đóng góp để lách luật. Ði cùng với đó là phát huy đúng vai trò của Hội phụ huynh học sinh. Ngay từ hội nghị phụ huynh đầu năm, Hội phụ huynh phải thống nhất các khoản đóng góp phải được xây dựng trên nguyên tắc dân chủ, công khai, có sự thảo luận, bàn bạc kỹ càng. Nếu qua thảo luận, có khoản đóng góp nào cao quá so với thu nhập bình quân của địa bàn dân cư đó sinh sống hoặc có khoản quỹ nào đó mà phụ huynh thấy không cần thiết thì phụ huynh cần phải có ý kiến. Ðể chống lạm thu có hiệu quả thì phải xử lý những người sai phạm để làm gương cho xã hội. Cụ thể là cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho hiệu trưởng ở những trường làm sai và có biện pháp xử lý phù hợp. Ðây là một cách làm đúng đắn và rất nên làm bởi nó có tác dụng răn đe rất lớn. Ði cùng với đó là cần điều chỉnh mức thu học phí hợp lý hơn. Ðừng để khoản đóng góp chính thức của người học là học phí thì ở mức quá thấp, trong khi các khoản thu thêm lại cao gấp nhiều lần học phí, dẫn đến phụ huynh phản ứng và dư luận bức xúc. Phải làm được như vậy thì mới có thể hạn chế được tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục.