Chống gian lận hóa đơn điện tử

Trong những năm qua, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các văn bản quy phạm pháp luật quy định người nộp thuế tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật… Tuy nhiên, một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách để mua bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để trục lợi, gian lận thuế, chiếm đoạt thuế Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00

Ngành Thuế đã triển khai hóa đơn điện tử trên cả nước với kỳ vọng minh bạch công tác quản lý thuế, hạn chế tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhờ ứng dụng các giải pháp công nghệ giúp nhanh chóng phát hiện những sai phạm. Nhưng tình trạng gian lận hóa đơn điện tử vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Thủ đoạn thường thấy là doanh nghiệp thành lập một hoặc nhiều doanh nghiệp mới, nhưng thực tế chỉ là vỏ bọc để thực hiện mua bán hóa đơn. Công ty “ma” hay công ty “bình phong” được hiểu là các doanh nghiệp chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có hoạt động kinh doanh.

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố năm đối tượng trong đường dây mua bán hóa đơn với quy mô lớn, doanh số hóa đơn xuất khống lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, qua nắm bắt thông tin, lực lượng chức năng khám xét chín địa điểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, tạm giữ 70 con dấu của doanh nghiệp và số lượng lớn hóa đơn, chứng từ ghi khống nội dung, trị giá.

Các đối tượng khai nhận, từ năm 2018 đến nay đã sử dụng thông tin chứng minh nhân dân của người thân và mua ở các tiệm cầm đồ để thành lập 49 công ty “ma” tại Thành phố Hồ Chí Minh, 10 công ty “ma” tại Đồng Nai. Sau đó, nhóm này lên mạng tìm khách hàng chào bán hóa đơn giá trị gia tăng ghi khống nội dung với mức giá thỏa thuận là 1,5% đến 2% trên trị giá hóa đơn chưa thuế. Riêng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các đối tượng xuất khống hơn 20.000 tờ hóa đơn giá trị gia tăng cho gần 4.000 công ty khác nhau ở 35 tỉnh, thành phố với giá trị ghi trên hóa đơn khoảng 4.000 tỷ đồng…

Năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật về dấu hiệu mua bán hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty TNHH Một thành viên Cao-su Bảo Long và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước cùng có trụ sở tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, ngoài một số hợp đồng mua bán cao-su có thật, thì phần lớn hoạt động mua bán cao-su số lượng hàng chục nghìn tấn có khả năng là không có thật, tức có dấu hiệu của hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Các doanh nghiệp này có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng đều báo lỗ hoặc lợi nhuận không đáng kể.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có Công điện số 01/CĐ-BTC gửi Tổng cục Thuế và Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử. Triển khai chỉ đạo này, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng cường tuyên truyền về các hành vi nghiêm cấm trong quản lý thuế và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, đồng thời hướng dẫn người nộp thuế thực hiện các quy định pháp luật về thuế. Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng đã có Công văn số 1448/TCT-TTHT gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị phối hợp ngăn chặn, xử lý các thông tin rao bán hóa đơn điện tử trên không gian mạng.