Chống chủ nghĩa cá nhân trong hoạt động báo chí hiện nay

NDO -

Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu tham luận của nhà báo, nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng Ban Văn hóa-Văn nghệ Báo Nhân Dân và Tiến sĩ văn học, nhà báo Nguyễn Sĩ Đại tại Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương chủ trì, phối hợp Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân Dân đồng tổ chức diễn ra tại Hà Nội, ngày 12/5.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thành Đạt)
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thành Đạt)

Bác Hồ từng kể với một nhà báo nước ngoài: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Pháp “Tự do-Bình đẳng-Bác ái” thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”.

Tự do, bình đẳng, bác ái cũng là những từ mà Bác từng biết qua nho phái tiến bộ trong giấc mơ về một thế giới đại đồng, trong một xã hội Nghiêu Thuấn huyền sử, trong thuyết Kiêm ái của Mặc tử: “Thuận theo ý trời, yêu thương lẫn nhau, làm lợi cho nhau, thì sẽ được trời ban thưởng; trái ý với trời, phân biệt và thù ghét lẫn nhau, sát hại lẫn nhau, thì sẽ bị trời trừng trị” (Thiên Chí Thượng). Nhưng khổ nỗi, dưới chế độ phong kiến, vua là con trời, vua là một nhà độc tài, vua muốn ai chết thì người đó phải chết nên giấc mơ của nhà nho vẫn chỉ là giấc mơ.

Cũng vậy, sang Pháp, người đã thất vọng vì Tự do-Bình đẳng-Bác ái vẫn còn là một hư ngữ. Nhân dân thuộc địa và vô sản bản địa bị bóc lột thậm tệ, bị đối xử như con vật chứ không phải con người.

Nung nấu ý chí giải phóng dân tộc bằng bạo động cách mạng, chứ không phải bằng những hoạt động cải lương, cải cách đã chín muồi ở Người vào những năm 1920.

Sang Pháp, Bác tiếp xúc với nền báo chí, tìm thấy sức mạnh to lớn của báo chí trong việc tố cáo chế độ thực dân và vận động cách mạng.

Đến khi đọc các tác phẩm của Lê-nin và sang Nga, Người càng thấm thía tư tưởng của Lê-nin về báo chí: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”.

Bác kể: “Lúc ở Paris, tuy biết nhiều tội ác của thực dân Pháp, nhưng không biết làm thế nào để nêu lên được. Một đồng chí công nhân ở tòa báo Đời sống thợ thuyền cho Bác biết ở báo ấy có mục “tin tức vắn”, mỗi tin chỉ có năm, ba dòng thôi và bảo Bác có tin tức gì thì cứ viết, đồng chí ấy sẽ sửa lại cho. Từ đó, ngoài những giờ lao động, Bác bắt đầu viết những tin rất ngắn, mỗi lần viết làm hai bản, một bản đưa cho báo, một bản thì giữ lại. Lần đầu tiên thấy tin được đăng thì rất sung sướng”. Bác bước vào làng báo từ năm 1917, dưới sự giúp đỡ của những nhà báo lớn như Marcel Cachin, chủ bút báo L' Humanité (Nhân đạo); Jean Laurent Frederick Longuet - cháu ngoại của Karl Marx, Chủ nhiệm báo Populaire (Dân chúng), Gaston Monmousseau, Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Pháp, chủ bút báo La Vie d'Ouvriers (Đời sống thợ thuyền)...

Nhờ thông minh và khổ luyện, trong một thời gian ngắn, Bác đã trở thành một người viết báo già dặn. Những bài viết của Người làm chấn động chính phủ Pháp, khiến đồng nghiệp nể phục. Luật sư Max Clainville Bloncourt bày tỏ: “Tôi có cảm tưởng: Ở anh ý nghĩ đấu tranh giải phóng dân tộc luôn luôn khắc sâu trong tâm trí và quán triệt suốt cuộc đời của anh... Anh là một con người đầy tình nhân đạo và tinh thần quốc tế. Không bao giờ thấy ở anh một nét nhỏ nào của sự ích kỷ. Và càng hoạt động chúng tôi càng yêu thương nhau, càng thấy các dân tộc thuộc địa phải đoàn kết với nhau chống kẻ thù chung”. (Theo Hồng Hà, Bác Hồ ở Pháp, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1970).

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí thấm nhuần trong toàn bộ hoạt động báo chí của Người, đáng chú ý nhất là ở những phát biểu trực tiếp mà những người làm báo, người quản lý báo chí cần thường xuyên ôn lại:

Cách đây đúng 100 năm, năm 1922, Bác sáng lập tờ Le Paria. Trong Appel (Lời kêu gọi) của số 1, (thứ bảy, ngày 1/4/1922) Bác viết: “Le Paria là tiếng nói chiến đấu. Sứ mệnh của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”!

Trong Đường Kách mệnh, 1927, Bác viết: “Giữ chủ nghĩa cho vững, có lòng bày vẽ cho người, hay nghiên cứu, xem xét, không hiếu danh, không kiêu ngạo, ít lòng ham muốn về vật chất”.

Trên báo Việt Nam độc lập số 1, (ngày 1/8/1941), Bác nói báo chí có nhiệm vụ “Mở mắt, mở tai”, “cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng tự do”.

Trong thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ ngày 25/5/1947, Bác viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”.

Trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng ngày 9/6/1949, Bác xác định: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”.

Nói chuyện với đại biểu dự Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959, Bác khẳng định: Nói đến báo chí, trước hết là nói đến cán bộ báo chí, họ là người cán bộ cách mạng, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Người làm báo phải là những chiến sĩ trên mặt trận báo chí.

Báo chí là sự thật. Người làm báo phải bảo vệ chân lý. Nhưng chân lý là gì? Bác chỉ rõ: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý” [1].

Thiết tưởng không có gì sáng rõ hơn thế. Với báo chí cách mạng, người làm báo chính là người cán bộ cách mạng, lấy phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân làm mục tiêu. Mà người cán bộ cách mạng phải lấy đạo đức cần, kiệm, liêm, chính làm gốc, cán bộ là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân. Năm 1968, trước lúc gần đi xa, Bác căn dặn những lời thống thiết: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[2].

Chủ nghĩa cá nhân trong báo chí

Chủ nghĩa cá nhân là một khuynh hướng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, các điều kiện thuận lợi trong công việc đặc thù để mưu lợi cho cá nhân mình; là một sự ăn cắp, ăn cướp của tập thể.

Chủ nghĩa cá nhân có mặt ở mọi lúc, mọi nơi; nhưng nguy hại nhất khi nó nảy nở trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm nổi tiếng “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên Báo Nhân Dân số 3/2/1969, Bác Hồ định nghĩa chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết, không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.

Và Người phân tích một cách sâu sắc tác hại của chủ nghĩa cá nhân: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.

Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”. Chủ nghĩa cá nhân ngày nay còn đẻ ra các nhóm lợi ích, đẻ ra chủ nghĩa tư bản thân hữu, biến một bộ phận đảng viên lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cấp cao thành những kẻ phản bội lý tưởng, phản bội Tổ quốc.

Tự diễn biến, tha hóa đạo đức diễn ra trong mọi ngành và trong báo chí cũng ngày càng nhiều.

Ngày 13/4/2022, gõ từ khóa “nhà báo bị bắt” Google cho 527.000.000 kết quả trong vòng 0,38 giây. Chúng tôi không muốn nêu những trường hợp cụ thể mà các cơ quan pháp luật đã khởi tố vì thông tin đại chúng đã đưa tin rất rõ ràng. Và điều rất đáng suy nghĩ là, không chỉ báo nhỏ, tạp chí nhỏ - mà dân gian gọi là “báo lá cải”, sự vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật còn xảy ra ở những tờ báo lớn, báo chính thống. Những con sâu trong làng báo bị điểm tên đã khá nhiều, có lẽ đến Ban Kiểm tra của Hội Nhà báo cũng không nhớ hết, nhưng chắc chắn, những con sâu ẩn mình trong tòa soạn còn nhiều hơn.

Nhiều người gọi báo chí là một quyền lực. Mà hễ có quyền lực là có sự lộng quyền. Có thế lực là có kẻ nắm lấy để thao túng.

Cách đây gần 10 năm, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã chỉ ra một số biểu hiện tiêu cực trong báo chí do chủ nghĩa cá nhân sinh ra:

1. Thông tin sai sự thật: Ngoài cẩu thả thì việc đưa tin giật gân hay sai sự thật là để báo mình nổi tiếng, tăng lượng truy cập, bán báo chạy, dễ mời quảng cáo; chung quy là vụ lợi cho cá nhân và tờ báo của mình.

2. Báo chí trở thành công cụ lăng xê mình, hạ đối thủ trong chính trị, kinh tế và nghệ thuật.

3. Dùng báo chí để trả thù cá nhân, che giấu tội ác, tiêu cực.

4. Dùng báo chí để chạy chức, chạy dự án, chạy tội.

5. Nhà báo viết thuê, tờ báo làm thuê.

6. Tống tiền, đe dọa để lấy quảng cáo.

(Bài Báo chí và văn hóa trong tập Quét cầu thang, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2021).

Ở thời báo chí còn được bao cấp, chủ nghĩa cá nhân mang những biểu hiện thô sơ như: Đăng bài của người thân, đăng bài của mình bỏ bài tốt của cộng tác viên để ban ơn riêng, lấy nhuận bút hoặc giao kèo “anh đăng bài tôi, tôi đăng bài anh” giữa phóng viên/biên tập viên/thư ký tòa soạn các báo; biến trang báo, tờ báo của mình phụ trách thành mảnh đất 5% của mình.

Còn thời nay, khi báo chí phải tự chủ về tài chính và nằm trong dòng chảy kinh tế thị trường, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân ngày càng tinh vi hơn, trong đó phải kể đến việc “báo hóa tạp chí (điện tử)”. Những tờ tạp chí chuyên ngành hẹp này xông vào tất cả các lĩnh vực đời sống, trái tôn chỉ mục đích, nhắm vào các doanh nghiệp có sai phạm để đánh đấm, thu lợi bất chính. Nhiều vụ nhà báo tống tiền doanh nghiệp đã bị bắt giữ mà chúng ta đã biết.

Ở khía cạnh khác, nhiều nhà báo theo dõi các ngành “béo bở” như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... trở thành những “chuyên gia” trong lĩnh vực này nhờ mối quan hệ thân thiết với các chủ doanh nghiệp, trở thành người “bảo kê” hoặc “PR” cho những doanh nghiệp đó. Có những tòa soạn bảo trợ thông tin cho doanh nghiệp thông qua hình thức quảng cáo dài hạn hoặc hợp đồng hợp tác truyền thông, nhưng thực chất là để nương nhẹ hoặc bỏ qua không thông tin hoặc “định hướng thông tin” có lợi cho những doanh nghiệp đó nếu ở doanh nghiệp xảy ra vụ việc tiêu cực.

Hiện thời, những tiêu cực ấy không những không giảm mà còn có xu hướng tăng lên, hiện tượng “sáng đưa, trưa gặp, chiều gỡ” trên báo mạng vẫn phổ biến; không chỉ phóng viên, mà cả tổng biên tập, người làm quản lý cũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thu lợi bất chính. Có tờ báo sinh ra để kiếm ăn, chứ không phải để phụng sự, để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng “phò chính trừ tà” của một nhà báo cách mạng, nhà báo chiến sĩ.

Chủ nghĩa cá nhân đã làm tổn hại đến phẩm chất cao đẹp của báo chí cách mạng, ảnh hưởng đến niềm tin của bạn đọc và nhân dân, phụ sự kỳ vọng của nhà nước.

Một câu hỏi phải được đặt ra là: “Chúng ta có chấp nhận, có tặc lưỡi “Đời nay thế, thế thời phải thế”?

Giải pháp ngăn chặn

Chúng tôi xin đề xuất hai giải pháp, theo chúng tôi là cần được thi hành ngay để từng bước ngăn chặn hiệu quả những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong hoạt động báo chí:

Một là, trong nhà trường, trong cơ quan báo chí phải đẩy mạnh hơn nữa việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, về rèn luyện con người. Bác Hồ từng nói: Làm cách mạng thì phải học Lênin, làm người thì phải học Khổng Tử. Rèn người theo Tăng tử - một học trò xuất sắc của Khổng tử, là hằng ngày mình phải tự hỏi mình, “ngô nhật tam tỉnh ngô thân” - mỗi ngày ít nhất phải tự xét mình 3 việc. Học làm cán bộ là học suốt đời. Bác nói: Đạo đức là cái gốc của cán bộ. Cán bộ là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được. Đã học thì có kiểm tra. Kiểm tra, giúp đỡ lẫn nhau trong cơ quan. Hễ người nào có dấu hiệu”học không vào” thì sớm cho chuyển trường, chuyển lớp.

Hai là, khi thuộc cấp vi phạm bị pháp luật xử lý thì người tuyển dụng, sử dụng anh ta và tổng biên tập phải bị xem xét trách nhiệm. Lãnh đạo báo vi phạm thì cơ quan chủ quản phải bị xem xét trách nhiệm. Tờ báo vi phạm nhiều lần, có hệ thống thì tổng biên tập phải miễn nhiệm, ở mức độ nghiêm trọng thì đình bản.

Đó chính kỷ cương, là đạo đức.

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.378.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672.