Chống buôn lậu qua đường hàng không ở TP Hồ Chí Minh

NDO - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ở TP Hồ Chí Minh là cửa khẩu cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước. Ðây là nơi có lưu lượng hành khách, hành lý xuất nhập cảnh (XNC), hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) rất lớn. Bình quân mỗi ngày có khoảng 160 chuyến bay với khoảng 21.530 lượt hành khách. Hàng hóa XNK đa dạng, phức tạp. Lượng tờ khai XNK hơn 1.200 tờ/ngày, kim ngạch XNK đạt tới 34 triệu USD/ngày. Bởi vậy đây là một điểm nóng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại cũng như công tác giữ gìn an ninh chính trị, an ninh kinh tế và xã hội.

Nhiều vụ buôn lậu ma túy lớn, sừng tê giác, ngoại tệ, ngà voi và vũ khí quân dụng... được Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh phát hiện, bắt giữ. Gần đây nhất, ngày 6-10, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh đã kiểm tra, phát hiện trong bốn gói bưu kiện phi mậu dịch gửi từ Mỹ về Việt Nam có bảy khẩu súng ngắn các loại và nhiều băng đạn. Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, có mặt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, chúng tôi đã chứng kiến sự hối hả của cán bộ, công chức hải quan ở đây phục vụ hành khách làm thủ tục XNC. Nhiệm vụ của họ là làm sao vừa tạo thuận lợi nhất cho hành khách XNC hài lòng khi đến và rời Việt Nam, vừa phải góp phần bảo đảm an ninh quốc gia. Trong khi đó, đối tượng phục vụ rất đa dạng, nhiều thành phần, nhiều quốc gia với các ngôn ngữ, tín ngưỡng, văn hóa khác nhau. Hàng hóa XNK lại rất đa dạng về chủng loại, phức tạp về tính chất mặt hàng với nhiều nguồn gốc xuất xứ. Bởi vậy, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK, XNC, nhưng vẫn luôn xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn văn hóa phẩm đồi trụy, phản động chống phá chính quyền, gây mất trật tự an ninh - xã hội và vận chuyển các chất ma túy thẩm lậu vào nước ta. Khi trao đổi ý kiến với chúng tôi về tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh chống buôn lậu qua đường hàng không, một đồng chí cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, đối tượng phản động chống đối chính quyền ngày càng tinh vi, táo bạo nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát. Chúng sử dụng va-li hai đáy, giấu hàng lậu ở chỗ kín trên cơ thể, để lẫn lộn và ngụy trang bằng hàng hóa khác. Khi bị phát hiện, các đối tượng buôn lậu đã nghĩ ra nhiều biện pháp đối phó, thậm chí còn vu khống, gửi đơn thư khắp nơi, kể cả đến lãnh đạo các cơ quan ở T.Ư để tố cáo sai sự thật hòng lung lạc ý chí của những người làm nhiệm vụ, gây khó khăn cho cơ quan hải quan. Thí dụ, có vụ đối tượng vận chuyển trái phép vũ khí bị phát hiện, bắt giữ đã gọi điện khắp nơi nhờ can thiệp hoặc vụ việc của đối tượng Ðại Ngọc Liên xuất cảnh không khai báo 13.700 USD đã làm đơn thư khiếu nại, tố cáo sai sự thật gửi các cơ quan báo chí và các cấp lãnh đạo từ T.Ư đến địa phương mặc dù hành vi vi phạm pháp luật đã rõ và được xử lý đúng quy định của pháp luật. Với tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh vững vàng, cán bộ, công chức của đơn vị đã vượt qua nhiều thử thách để đưa những đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, dù ngoan cố, xảo quyệt mấy, cũng phải nhận tội trước pháp luật Việt Nam.

Xác định được những khó khăn, phức tạp của địa bàn quản lý, trong những năm gần đây, lực lượng hải quan TP Hồ Chí Minh luôn quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức của đơn vị tinh thần cảnh giác cao độ, kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, không để hình thành các đường dây buôn lậu có tổ chức tại địa bàn. Lựa chọn những cán bộ, công chức có năng lực, có tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh vững vàng, đồng thời trang bị một số thiết bị hiện đại để đấu tranh có hiệu quả. Cùng với đó, đã xây dựng được mối quan hệ phối hợp tốt với các cơ quan chức năng hoạt động trên địa bàn như: Công an, quản lý thị trường và các đơn vị chức năng khác; xác định rõ những mặt hàng, đối tượng, tuyến bay trọng điểm, có nguy cơ cao để xây dựng kế hoạch tập trung đấu tranh và từng bước áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro trong công tác. Kết quả, trong thời gian qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện, bắt giữ 6.165 vụ vi phạm, trị giá hàng vi phạm lên tới hơn 600 tỷ đồng. Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh bình quân mỗi tháng phát hiện khoảng từ 180 đến 200 vụ vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, để công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại qua đường hàng không ở đây đạt hiệu quả ngày càng cao hơn, cần trang bị cho lực lượng hải quan những phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại để vô hiệu hóa thủ đoạn cất giấu tinh vi của các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại; đồng thời cần có quy định riêng về hình thức xử phạt giản đơn đối với loại hình chuyển phát nhanh, bưu điện để giảm bớt thủ tục hành chính trong xử lý vi phạm.