Cho vay liên kết lúa gạo chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 8364/NHNN-TD hướng dẫn một số nội dung để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long tổ chức triển khai thực hiện Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, đối tượng tham gia Chương trình bao gồm: tổ chức tín dụng cho vay và cá nhân, hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long (liên kết lúa gạo).

Các tổ chức tín dụng cho vay theo 02 giai đoạn. Trong giai đoạn thí điểm cho vay (từ khi triển khai đến hết năm 2025 hoặc đến thời điểm điều chỉnh do cấp có thẩm quyền phê duyệt), ngân hàng thí điểm cho vay là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Ngoài Agribank, các tổ chức tín dụng khác khi tham gia Chương trình cho vay thì thực hiện theo các nội dung của Chương trình và có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tham gia Chương trình.

Trong giai đoạn mở rộng cho vay (sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm đến hết năm 2030), các tổ chức tín dụng cho vay theo nội dung của Chương trình.

Đáng chú ý, các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay phục vụ nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu (sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ) trong liên kết lúa gạo bằng nguồn vốn tự huy động của tổ chức tín dụng. Trong đó, mức cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

Các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/ cùng nhóm (theo đối tượng khách hàng hoặc theo xếp hạng tín dụng...), dựa trên cơ sở chính sách khách hàng, hướng dẫn của tổ chức tín dụng và các quy định khác của tổ chức tín dụng trong từng thời kỳ. Trường hợp khách hàng vay không còn tham gia liên kết lúa gạo theo xác định của UBND tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức tín dụng thực hiện chuyển khoản vay về khoản vay thông thường không áp dụng mức lãi suất cho vay của Chương trình.

Tại văn bản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng ban hành hướng dẫn và tổ chức triển khai Chương trình cho vay thống nhất trong toàn hệ thống. Riêng Agribank khẩn trương ban hành hướng dẫn và tổ chức triển khai Chương trình thí điểm trong toàn hệ thống sau khi có hướng dẫn tại văn bản này.

Xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng theo quy định của pháp luật về cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình; thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro khoản cho vay thuộc Chương trình theo quy định hiện hành.

Hướng dẫn khách hàng vay vốn trong liên kết lúa gạo mở tài khoản tại tổ chức tín dụng và thực hiện các giao dịch tiền tệ liên quan đến liên kết lúa gạo thông qua tài khoản này; Kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cho vay theo Chương trình.

Cho vay liên kết lúa gạo chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay.

Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản số 8363/NHNN-TD gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long) đề nghị phối hợp thực hiện một số nội dung:

Xác định, lập danh sách và công bố vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết lúa gạo trên địa bàn theo Quyết định 1490/QĐ-TTg theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và công bố chung để tổ chức tín dụng tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay. Kịp thời thông báo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những trường hợp chủ thể không còn tham gia liên kết lúa gạo.

Xác định và công bố trên trang thông tin điện tử của tỉnh, thành phố về định mức chi phí thực tế thực hiện khâu sản xuất lúa gạo trong liên kết lúa gạo theo tiêu chuẩn tại Quyết định 1490/QĐ-TTg (công bố theo từng vụ hoặc từng năm tùy theo điều kiện của từng địa phương) để các tổ chức tín dụng tham khảo xác định mức cho vay đối với khách hàng.

Theo dõi, đôn đốc, giám sát các chủ thể tham gia liên kết lúa gạo trong việc thực hiện cam kết trong quá trình triển khai Đề án; Xem xét có giải pháp trong trường hợp các bên tham gia liên kết không thực hiện theo cam kết đã thỏa thuận.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có văn bản số 8365/NHNN-TD gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị phối hợp thực hiện một số nội dung: Ban hành định mức kinh tế kỹ thuật để sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg; Tổng hợp, công bố chung các vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo quy định tại Quyết định 1490/QĐ-TTg để các tổ chức tín dụng tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình này.