Thị trường chứng khoán tuần mới (8 – 11/4/2025)

Không nằm ngoài xu thế chung thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng vừa trải qua một tuần (31/3 – 4/4) đầy sóng gió vì “bão thuế quan” toàn cầu. Chỉ trong vài phiên giao dịch, áp lực bán cực mạnh đã lấy đi đà tăng của VN-Index thành quả xây đắp từ đầu năm tới nay, giảm hơn 8% trong 1 tuần. Thị trường còn quá nhiều trắc trở trong tuần mới (8 – 11/4) khi thuế quan đang tạo cú shock lớn về tâm lý. Điều kỳ vọng còn lại là nội lực sẽ cân bằng được nhờ tiền nội bình tĩnh, giảm bán rồi bắt đáy mua vào.
Chứng khoán toàn cầu đỏ lửa, Việt Nam không ngoại lệ

Thị trường chứng khoán toàn cầu có một tuần (31/3 – 4/4) siêu biến động theo chiều hướng tiêu cực. Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Mỹ, châu Âu và châu Á đều rực lửa khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng rất cao và dự kiến sẽ áp lên phần lớn các quốc gia trên thế giới kể từ 9/4. Nhiều quốc gia sau đó cũng có phản ứng, đặc biệt là chính sách đáp trả thuế của Trung Quốc càng làm cho tâm lý của giới đầu tư toàn cầu càng thêm bị tác động tiêu cực.
Tại Mỹ, trong làn sóng bán tháo ồ ạt chưa có dấu hiệu dừng lại, chỉ số Dow Jones đã rơi hơn 2.200 điểm, tương đương 5,5%, xuống còn 38.314 điểm - mức giảm trong một ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020, khi đại dịch Covid-19 còn đang làm rung chuyển các thị trường toàn cầu. Cú sụt giảm này nối tiếp đà lao dốc 1.679 điểm hôm thứ Năm, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử chỉ số này mất hơn 1.500 điểm trong hai phiên liên tiếp.
Chỉ số S&P 500 cũng không ngoại lệ khi lao dốc gần 6%, về mốc 5.074 điểm - mức giảm sâu nhất kể từ tháng 3/2020. Trong khi đó, Nasdaq Composite nơi tập trung các ông lớn công nghệ có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc cũng bị cuốn vào vòng xoáy bán tháo, giảm gần 6% phiên thứ hai liên tiếp và chính thức rơi vào "thị trường gấu" sau khi mất tới 22% so với đỉnh hồi tháng 12.
Thị trường chứng khoán châu Á kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trong sắc đỏ bao trùm.
Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 lao dốc 2,8%, chốt phiên ở mức 33.780,58 điểm.
Không chỉ Nhật Bản, sắc đỏ cũng hiện diện tại hầu hết các sàn khu vực, từ Sydney, Singapore đến Bangkok, Seoul, Wellington, Mumbai và Manila.
Trên thực tế, trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam nghỉ lễ trong phiên đầu tuần (7/4), thì hàng loạt thị trường châu Á tiếp tục chịu áp lực bán tháo ồ ạt.
Mở đầu phiên ngày 7/4, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã chứng kiến chỉ số Nikkei giảm mạnh tới 8,8%, xuống còn 30.792,74 điểm, đánh dấu mức giảm sâu nhất kể từ tháng 10 năm 2023.
Nhà điều hành sàn giao dịch Nhật Bản đã phải tạm dừng giao dịch hợp đồng tương lai Nikkei. Hệ thống "circuit breaker" tự động được kích hoạt khi chỉ số hợp đồng tương lai Nikkei 225 giảm hoặc tăng hơn 8%.
Cùng với diễn biến của thị trường Nhật Bản, trong sáng ngày 7/4, các chỉ số chứng khoán khác trong khu vực cũng không khả quan hơn. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm sâu 4,4%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong khu vực, lao dốc tới 9,56%, với cổ phiếu của hai "gã khổng lồ" công nghệ Alibaba và Tencent đều giảm hơn 8%. Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số CSI300 cũng giảm 4,82%.

Xu thế giảm mạnh cũng không chừa thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau các phiên khá thận trọng đầu tuần, chỉ hai phiên cuối tuần, áp lực bán tháo đã xảy ra, nhất là phiên “múa bên trăng” (trắng bên mua) trong phiên 3/4. Đóng cửa tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.210,79 điểm -106.79 điểm (-8,11%), xóa tan thành quả tích lũy suốt 3 tháng đầu năm.
Đóng cửa tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.210,79 điểm -106.79 điểm (-8,11%), xóa tan thành quả tích lũy suốt 3 tháng đầu năm.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có xu hướng giảm mạnh. Trong đó, chỉ số HNX-Index có tuần giảm -21,23 điểm, đóng cửa tại 216,97 điểm, tương ứng giảm -8,91% so với tuần trước. Trong khi đó, chỉ số UPCoM-Index giảm -7,59% và đóng cửa cuối tuần tại 91,13 điểm.
Thanh khoản thị trường tuần qua cũng là một kỷ lục khá lâu rồi mới thấy. Nếu tính giá trị giao dịch bình quân phiên toàn thị trường đã tăng khoảng 46,8% trong tuần qua, đạt tới 29.864 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, áp lực bán dâng rất cao trong hai phiên cuối tuần đã khiến tổng thanh khoản toàn thị trường đạt tới 44.000-45.000 tỷ đồng/phiên. Đây con số rất cao, ngang ngửa với nhiều phiên tạo đỉnh thanh khoản thời Covid-19.
Áp lực bán dâng rất cao trong hai phiên cuối tuần đã khiến tổng thanh khoản toàn thị trường đạt tới 44.000-45.000 tỷ đồng/phiên. Đây con số rất cao, ngang ngửa với nhiều phiên tạo đỉnh thanh khoản thời Covid-19.
Khối ngoại cũng có một tuần xả rất mạnh. Tính chung cả tuần, khối ngoại bán ròng tới hơn 9.110 tỷ đồng trên toàn thị trường, nâng tổng giá trị bán ròng của khối này tính từ đầu năm lên tới hơn 35.300 tỷ đồng.
Tính riêng trên HOSE, khối ngoại bán ròng 8.942 tỷ đồng trong tuần qua.
Tính riêng trên HOSE, khối ngoại bán ròng 8.942 tỷ đồng trong tuần qua, tăng rất mạnh so với con số hơn 2.100 tỷ đồng của tuần trước. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại tuần qua tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: FPT (-1.167 tỷ đồng), MBB (-1.147 tỷ đồng), SSI (-831 tỷ đồng)... Ở chiều mua ròng, khối ngoại mua ròng không lớn ở một số mã như: GEX (+471 tỷ đồng), VRE (+257 tỷ đồng), VIX (+163 tỷ đồng)...
Còn sóng gió, trông chờ vào bản lĩnh khối nội

Thị trường chứng khoán thế giới được dự báo còn nhiều sóng gió khi “cơn bão thuế quan” còn chưa kết thúc và thay đổi hướng bất kỳ lúc nào. Không chỉ vấn đề thuế quan và sự phản ứng các bên sẽ còn leo thang, tạo ra một sự lo lắng rất lớn về một cuộc chiến thương mại lan rộng toàn toàn cầu, mà sự bất định trên thị trường tài chính hậu thuế quan sẽ như thế nào thì khó ai dự báo được mức độ tới đâu.
Bảng điện tử hiển thị chỉ số chứng khoán KOSPI tại ngân hàng Hana ở Seoul, Hàn Quốc ngày 7/4/2025. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Bảng điện tử hiển thị chỉ số chứng khoán KOSPI tại ngân hàng Hana ở Seoul, Hàn Quốc ngày 7/4/2025. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Suy thoái kinh tế toàn cầu chưa định hình rõ ràng nhưng đang manh nha đã hình thành khi cuộc chiến thuế quan chắc chắn sẽ tạo khó khăn rất lớn cho tình hình thương mại toàn cầu, suy giảm sản xuất, xuất khẩu nhiều quốc gia. Đó là nỗi bất an khó tránh khỏi của giới đầu tư toàn cầu và ở thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Thị trường Việt Nam nghỉ lễ phiên 7/4 có thể cũng là may mắn khi giá được bảo toàn.
Từ ngày 8/4, thị trường trong nước có thể sẽ bám theo những biến động của toàn cầu. Mức độ tác động thể nào thì chưa ai có thể dự báo được, nhưng điều chắc chắn là “bão thuế quan” sẽ còn đeo bám.
Bối cảnh toàn cầu hiện nay có lẽ không nên bàn quá nhiều về mặt kỹ thuật, dù rằng VN-Index đang cho thấy một nhịp chững lại kể từ khi lực cầu thấp nhập cuộc. Vùng hỗ trợ 1.180-1.200 điểm đang phát huy vai trò nâng đỡ ngắn hạn. Tuy nhiên, như đã nói, điểm số mang tính kỹ thuật chưa mang lại sự chắc chắn và các nhịp rung lắc sẽ củng cố thêm tín hiệu để định hình được xu hướng sắp tới. Thị trường có lẽ cần hơn hết là một sự cân bằng ngắn hạn, rồi mới tính tới chuyên hồi phục hay không.
Cần nhấn mạnh lại, các yếu tố ngoại biên sẽ còn tác động khó lường, thị trường chứng khoán trong nước có lẽ mong chờ hơn vào sự vững chãi của khối nội. Chẳng hạn một dấu hiệu từ dòng tiền, khối ngoại bán ròng liên tục và rất lớn, nhưng tiền khối nội vẫn nhập cuộc, cân lại và đưa thị trường đi lên từ vài năm nay.
Mặt khác, các yếu tố nội tại tích cực của nền kinh tế Việt Nam có thể hỗ trợ thị trường chứng khoán trong nước. Chính phủ đang rất nỗ lực, quyết tâm giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay và trong ngắn hạn, những giải pháp linh hoạt, nhanh nhậy của Việt Nam biết đâu lại giúp tình hình thuế quan Việt Nam-Hoa Kỳ hạ nhiệt. Ngoài ra, thị trường chứng khoán vẫn còn đó các kỳ vọng tích cực như nâng hạng, hệ thống KRX vận hành, kết quả kinh doanh quý I khả quan…
Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, việc duy trì tâm lý bình tĩnh, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố tác động và xây dựng chiến lược đầu tư hợp lý sẽ giúp nhà đầu tư đạt được kết quả tốt trong tuần giao dịch mới.
Trong bối cảnh hiện tại, việc duy trì tâm lý bình tĩnh, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố tác động và xây dựng chiến lược đầu tư hợp lý sẽ giúp nhà đầu tư đạt được kết quả tốt trong tuần giao dịch mới.

Ngày xuất bản: 8/4/2025
Tổ chức thực hiện: Kim Phương Bình
Nội dung và trình bày: Long Ân - Khánh Bách - Mai Anh Thu