Chợ trầu cau giữa lòng thành phố

Từ 5 giờ sáng, chợ trầu cau thuộc khu vực đường Lê Quang Sung, quận 6 đã tấp nập người mua kẻ bán, nhưng không mang không khí của sự ồn ào xô bồ. Người mua, người bán trao đổi với nhau về một mặt hàng duy nhất là “trầu - cau” - một loại quả lá đang dần bị mai một ở thành phố, chỉ còn trong tiềm thức của những người lớn tuổi và trong những mâm quả ngày cưới, giỗ chạp.

Những buồng cau đã được kết, dán chữ song hỷ phục vụ lễ cưới, hỏi do khách đặt hàng.
Những buồng cau đã được kết, dán chữ song hỷ phục vụ lễ cưới, hỏi do khách đặt hàng.

Chủ sạp trầu cau Thu Hà, đon đả: “Lựa cau đi em, cau đẹp, cần trang trí làm mâm quả thì có mẫu ở bên cạnh, chị trang trí giúp luôn”. Kế bên sạp chị Hà, bà Thanh (53 tuổi) - một tiểu thương theo nghề hơn mười năm, cho biết: “Ngày thường ế lắm chú ơi, giờ mấy ai ăn trầu nữa, chủ yếu bán cho những người làm đám cưới, ngày giỗ, cúng, Tết thôi. Âu đó cũng là cái nghề mà, bỏ không được”. Bà Thanh cho biết thêm, dịp này giá trầu, cau có nhích hơn so ngày bình thường, do lượng đặt hàng cho đám cưới nhiều. Giá trầu hiện tại từ 3 đến 5 nghìn đồng/100g; cau khoảng 9 đến 11 nghìn đồng/chục (12 trái) tùy vào loại cau trầu có tươi, đẹp không. Đối với trầu cau được kết để làm mâm lễ cưới (gồm 80 quả cau loại ngon, 100 lá trầu) được trang trí thắt nơ, dán chữ giá khoảng 120 đến 140 nghìn đồng; mâm trầu cau lớn (100 quả cau, 100 lá trầu) khoảng 150 nghìn đồng. Riêng mâm trầu cau để cúng gồm trầu, cau, vôi, thuốc thì làm theo giá khách đặt.

Theo những người kinh doanh trầu cau, khoảng mười năm trước, khu chợ này rất sầm uất, với khoảng hơn 50 sạp kinh doanh, luôn tấp nập, thậm chí trầu cau còn đổ tràn ra lề đường, nhiều người khá, giàu lên trông thấy. Thế nhưng, những năm gần đây, do nhu cầu thị trường không còn như trước, thế hệ ăn trầu ngày càng ít cho nên lượng hàng bán ra ngày càng giảm sút. Hiện, chợ chỉ còn gần 30 hộ theo đuổi kinh doanh cung cấp trầu cau cho địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh,...

Chị Thu Hà tâm sự: Nhiều lúc buôn bán ế ẩm, cũng muốn chuyển nghề, nhưng không biết làm nghề gì. Niềm an ủi, vui nhất của chúng tôi là khi làm mâm cau cho các đôi thanh niên chuẩn bị cưới. Sạp tôi có bán hai loại giống cau, giống tròn gọi là cau sung; giống dài có đầu nhọn gọi là cau vú bò. Thường thì những người gốc miền bắc, trung thì thích buồng cau to, đủ 105 trái với hàm ý trăm năm hạnh phúc. Ngược lại đối với người miền nam lại ưa buồng cau nhỏ khoảng 60 trái với hàm ý chữ Thọ, sống lâu.

Những tháng cận Tết, người đi chợ trầu cau cũng nhiều hơn ngày thường. Đang ngồi bó gối trước những trái cau, có một cặp sắp cưới đến xem chùm cau đã được chị Hà trang trí. Nâng lên đặt xuống, đôi thanh niên cũng chọn được chùm cau với giá 100 nghìn đồng. Chị Hà cho biết: “Ngày thường, trung bình bán được một thiên (1.000 trái cau). Có tháng cao điểm, chị bán được sáu đến bảy thiên/ngày. Nhưng cũng có ngày, chị chẳng bán được thiên nào, còn nếu gặp những mối ở các tỉnh lên đặt nhiều thì làm không ngơi tay, mệt nhưng vui. Bởi nghề này không dễ có việc nhiều, chỉ mong đến cuối năm hoặc những ngày cuối tuần”.