Chờ đánh giá khoa học toàn diện để hoàn thiện khung pháp lý cho thuốc lá mới

Mới đây, Công điện 47/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Bộ Y tế cần nghiên cứu đề xuất ban hành theo thẩm quyền giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng .
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời trước Quốc hội ngày 5/6.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời trước Quốc hội ngày 5/6.

Theo đó, ngày 4 và 5/6, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, nhóm các vấn đề thuộc lĩnh vực công thương vừa qua, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Bộ Công thương đã đề xuất Chính phủ tạm dừng thông qua Nghị định về quản lý thuốc lá mới cho đến khi Bộ Y tế đánh giá chính thức về tác hại của sản phẩm này”. "Theo chỉ đạo Thủ tướng, BYT sẽ tiếp tục tổng kết vấn đề này và đưa ra đề xuất về việc sửa đổi luật trong thời gian tới”, ông Diên nói thêm.

Điều này đồng nghĩa, tiến độ kiểm soát thuốc lá mới sẽ phụ thuộc vào báo cáo nghiên cứu khoa học toàn diện của Bộ Y tế để đưa ra chính sách, trong bối cảnh thị trường buôn lậu sản phẩm này ngày càng leo thang với nhiều diễn biến và hệ lụy phức tạp.

Cần có cơ sở khoa học để cấm hoặc quản lý như thuốc lá thông thường

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc triển khai sửa đổi Nghị định 67/2013/ NĐ-CP để làm khung pháp lý kiểm soát thuốc lá mới là thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và căn cứ vào Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hiện hành. “Đây là trách nhiệm của Bộ Công thương phải làm,” ông Diên khẳng định.

Trước đó, Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng cũng cho biết, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Công thương tại Nghị định số 106/2017/NĐ-CP về việc xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ Công thương đã nghiên cứu hoàn thiện đề tài "Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý thuốc lá điện tử tại thị trường Việt Nam" vào năm 2020.

Mặt khác, Bộ Công thương cũng tổ chức hội thảo giữa các cơ quan quản lý nhà nước với sự tham gia của các bộ, ngành: Tư pháp, Y tế, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan để trao đổi về định hướng chính sách, tham khảo kinh nghiệm quản lý quốc tế của các nước, trong đó có nghiên cứu và công bố của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), để đề xuất chính sách quản lý sản phẩm thuốc lá mới phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Có thể thấy, trong những năm qua kể từ chỉ đạo của Chính phủ năm 2017, Bộ Công thương đã thực hiện các nghiên cứu đánh giá khoa học, cũng như lấy ý kiến của bộ ngành liên quan về các yếu tố tác động của sản phẩm lên đời sống, xã hội, sức khỏe,...

Tuy nhiên, đến nay, vì còn quan điểm khác biệt nên trên tinh thần hướng đến mục tiêu chung là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Công thương đề nghị Bộ Y tế đánh giá toàn diện thuốc lá mới dưới góc độ khoa học, để có thể hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 để làm cơ sở quản lý các sản phẩm này.

Đại diện Bộ Công thương khẳng định: “Nếu Bộ Y tế khẳng định sản phẩm thuốc lá mới có hại cho sức khỏe tới mức phải cấm, thì Bộ Công thương ủng hộ là cần sớm sửa đổi quy định pháp luật liên quan”.

Như vậy để cấm thuốc lá mới phải xem xét, đánh giá đầy đủ tác hại của sản phẩm và tác động của lệnh cấm lên xã hội, doanh nghiệp, quản lý và người dùng.

Trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội ngày 5/6, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Cần thiết có sự nghiên cứu, công nhận, công bố chính thức của các cơ quan chức năng về quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực thuốc lá này”.

Theo ông Hạ, cần có đầy đủ thông tin khoa học, dựa trên những công bố chính thức, những nghiên cứu cụ thể, thậm chí là pháp lý và thực tiễn kinh nghiệm của quốc tế để có cách ứng xử đúng với thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.

Khẩn trương hoàn thiện đánh giá khoa học để sớm lấp khoảng trống pháp lý

Theo ông Tạ Văn Hạ, tại phiên thảo luận hội trường của Kỳ họp Quốc hội thứ 7 ngày 29/5, bên cạnh tiền ảo thì thuốc lá mới vẫn là một trong các ngành thiếu khung pháp lý: “Hiện nay Việt Nam vẫn còn khoảng trống pháp lý đối với loại hình sản phẩm này. Cho nên đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu cả về khoa học và thực tiễn để có những ứng xử phù hợp về mặt pháp lý đối với loại hình sản phẩm này”.

Cũng trong ngày 29/5, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng xem xét ban hành khung pháp lý để quản lý thuốc lá mới.

Về chuyển động thế giới, mới đây ngày 6/6, FDA Hoa Kỳ vừa dỡ bỏ lệnh cấm thêm một loại thuốc lá điện tử vốn đã bị cơ quan này cấm từ năm 2022. Như vậy, đến nay FDA đã xem xét, thông qua một số sản phẩm thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử vì đáp ứng yêu cầu.

Ngoài FDA, các nghiên cứu về thuốc lá nung nóng của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức (BfR), Viện Sức khỏe Cộng đồng và Môi trường Quốc gia Hà Lan, Bộ Y tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, New Zealand… cũng là nguồn tham khảo cho Bộ Y tế trong quá trình đánh giá thuốc lá nung nóng dưới góc nhìn khoa học.

Còn theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2020 cũng như thông tin mới nhất tại COP10 (tháng 2/2024) về thuốc lá nung nóng, nhìn chung hàm lượng các độc chất gây bệnh của thuốc lá nung nóng là thấp hơn so với thuốc lá điếu. Từ COP8 năm 2018 đến nay, tổ chức này cũng khuyến nghị các nước quản lý thuốc lá nung nóng theo luật quốc gia, đồng thống kê cho thấy có ít nhất 175 nước đã có quy định quản lý thuốc lá nung nóng.

Chờ đánh giá khoa học toàn diện để hoàn thiện khung pháp lý cho thuốc lá mới ảnh 1

TS Vũ Đình Ánh. (Nguồn: Tạp chí Công thương)

TS Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) cho biết: “Hiện nay trên thế giới có nhiều quốc gia hợp pháp hóa thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, nhưng cũng có một số nước cấm triệt để. Do đó, cần có tiếng nói từ nhiều phía, để có cái nhìn toàn diện, phù hợp kể cả trước mắt cũng như về lâu dài.”

Ông Ánh cũng cho rằng đề nghị của Bộ Công thương là “phù hợp với thực tiễn hiện nay, có tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới”.