Chính quyền Taliban muốn thiết lập quan hệ hữu nghị với cộng đồng quốc tế

NDO -

Quyền Ngoại trưởng của chính phủ lâm thời mới thành lập tại Afghanistan, ông Amir Khan Muttaqi khẳng định, quốc gia Tây Nam Á này muốn có quan hệ hữu nghị với cộng đồng quốc tế, trong đó bao gồm cả các nước láng giềng và trong khu vực.

Quyền Ngoại trưởng của Chính phủ lâm thời mới thành lập tại Afghanistan Amir Khan Muttaqi phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kabul, Afghanistan, ngày 14/9/2021. (Ảnh: Reuters)
Quyền Ngoại trưởng của Chính phủ lâm thời mới thành lập tại Afghanistan Amir Khan Muttaqi phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kabul, Afghanistan, ngày 14/9/2021. (Ảnh: Reuters)

Trong phát biểu ngày 23/9, ông Amir Khan Muttaqi nêu rõ: "Vương quốc Hồi giáo muốn có quan hệ hữu nghị với cộng đồng quốc tế và cùng tồn tại với tất cả các quốc gia, bao gồm các quốc gia láng giềng. Đây là thông điệp của chúng tôi".

Lực lượng Taliban đã thành lập một chính phủ lâm thời tại Afghanistan vào ngày 7/9 vừa qua, sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul hồi giữa tháng 8.

Ông Muttaqi khẳng định, chính quyền mới ở Afghanistan sẽ không cho phép các thế lực sử dụng lãnh thổ của quốc gia Tây Nam Á này để chống lại bất kỳ quốc gia nào hay bất kỳ cá nhân nào.

Ông nêu rõ: “Một đất nước Afghanistan hòa bình và ổn định sẽ có lợi cho các quốc gia láng giềng, khu vực và thế giới nói chung.”

Quyền Ngoại trưởng Muttaqi cũng lưu ý rằng việc gây áp lực đối với chính quyền Taliban sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Ông đồng thời kêu gọi người dân Afghanistan đoàn kết và tái thiết đất nước, bao gồm cả nền kinh tế, với sự thiện chí, tình hữu nghị và sự đoàn kết.

Trước đó, trong cuộc họp ngày 22/9, các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thống nhất sẽ gây sức ép đối với Taliban để thúc đẩy thành lập một chính phủ mang tính bao trùm tại quốc gia Tây Nam Á này.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp được tổ chức theo đề nghị của Ngoại trưởng Anh Liz Truss trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng LHQ, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, năm nước thành viên thường trực HĐBA đều mong muốn "một Afghanistan hòa bình và ổn định, viện trợ nhân đạo được phân phối thuận lợi và không phân biệt đối xử".

Bên cạnh đó, các cường quốc trong HĐBA cũng muốn thúc đẩy "một nước Afghanistan nơi các quyền của phụ nữ và trẻ em gái được tôn trọng và một nước Afghanistan không phải là nơi ẩn náu của khủng bố".

Trước đó một ngày, Taliban đã đề nghị được phát biểu tại phiên họp chung của Tuần lễ cấp cao Kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 76 đang diễn ra tại New York  (Mỹ), đồng thời bổ nhiệm người phát ngôn của Taliban tại Doha Suhail Shaheen là Đại sứ của Afghanistan tại LHQ.

Liên quan đến tình hình cứu trợ nhân đạo tại Afghanistan, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm nay kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục tài trợ cho chương trình y tế của đất nước này, vốn đã bị đình chỉ kể từ khi Taliban lên nắm quyền điều hành đất nước, khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe rơi vào khủng hoảng.

Ông Luo Dapeng, đại diện của WHO tại Afghanistan cho biết: “Trong những tuần gần đây, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã giảm đáng kể đối với hàng trăm nghìn người Afghanistan dễ bị tổn thương nhất”.

Ông Dapeng cho biết thêm, hệ thống y tế vốn đã mỏng manh của đất nước đang bị quá tải, và WHO đang phối hợp với các nhà tài trợ để tìm cơ chế mới hỗ trợ cho các cơ sở y tế tại Afghanistan.

Một dự án y tế kéo dài ba năm trị giá 600 triệu USD do Ngân hàng Thế giới quản lý tại Afghanistan đã tài trợ cho hoạt động của hàng trăm cơ sở y tế, song WHO ước tính chỉ chưa đầy 1/5 trong số này đang hoạt động.

Điều này càng góp phần khiến số ca mắc bệnh sởi và tiêu chảy tăng lên, với một nửa số trẻ em Afghanistan có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và hàng triệu liều vaccine ngừa Covid-19 vẫn chưa thể được tiêm, theo ông Dapeng.

Tình hình Afghanistan