Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và thời cơ của Cách mạng Việt Nam

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công, như Bác Hồ nói, "đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người". Dưới sự lãnh đạo của những người Bôn-sê-vích Nga, đứng đầu là V.I.Lê-nin vĩ đại, cuộc cách mạng chứng tỏ, những người bị áp bức, bóc lột có khả năng lật đổ ách thống trị, tự mình xây dựng được một xã hội mới, mà trước kia chỉ có trong mơ.

Chiến sĩ Hồng quân Liên Xô giương cao ngọn cờ chiến thắng.
Chiến sĩ Hồng quân Liên Xô giương cao ngọn cờ chiến thắng.

Một ngày sau khi thiết lập chính quyền cách mạng, những chủ nhân của nước Nga mới đã thông qua Sắc lệnh Hòa bình, chống lại mọi mưu đồ chiến tranh. Nhưng, khát vọng hòa bình và hữu nghị của nhân dân không dễ dàng được thực hiện. Nhìn thấy một lực cản xuất hiện, các thế lực áp bức, xâm lược và bành trướng trong và ngoài nước đã mở cuộc phản kích tổng lực đối với Nhà nước non trẻ này.

Từ năm 1918 đến 1921, với sự ủng hộ tích cực của lực lượng vô sản quốc tế, chính quyền Xô-viết đã đánh tan các thế lực phản động và sự can thiệp của 14 nước đế quốc. Sau thắng lợi chống thù trong, giặc ngoài, Đảng cộng sản Liên Xô đã lãnh đạo các dân tộc trong Liên bang xây dựng lại đất nước. Nước Nga lạc hậu xưa kia trở thành Liên bang Xô-viết hùng cường có kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật phát triển vào bậc nhất thế giới. Trên đất nước Liên Xô, rất nhiều bệnh viện mới mọc lên, trẻ em đi học không mất tiền, toàn dân có cuộc sống thật sự hạnh phúc với những quan hệ xã hội và con người tốt đẹp.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), để loại bỏ trở lực to lớn nhất của chủ nghĩa phát-xít, nước Đức Quốc xã đã mở cuộc tiến công tổng lực vào Liên bang Xô-viết. Đây là cuộc phản kích lần thứ hai của các lực lượng đế quốc vào đất nước Liên Xô.

Giữa năm 1941, xé bỏ thỏa thuận không xâm lược, phát-xít Đức tập trung một lực lượng gần bốn triệu quân, với những binh khí kỹ thuật khổng lồ bất ngờ tiến công Liên Xô, nhanh chóng áp sát Thủ đô Mát-xcơ-va. Trước họa mất nước và sự tồn vong của chế độ, Đảng cộng sản Liên Xô, đứng đầu là G.Xta-lin, đã phát động cuộc chiến tranh, kêu gọi nhân dân Liên Xô đứng lên bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hồng quân Liên Xô và các dân tộc trong Liên bang Xô-viết đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vô bờ bến, với gần 27 triệu người ngã xuống vì cuộc sống bình yên của đất nước và hòa bình trên thế giới. Những địa danh Xê-va-xtô-pôn, Lê-nin-grát, Mát-xcơ-va, Cuốc-xơ, Xta-lin-grát và Béc-lin nhuộm thắm máu đào của Hồng quân và nước mắt của biết bao bà mẹ Xô-viết hiền từ. Bằng lòng quả cảm và sự hy sinh cao cả, Hồng quân và nhân dân Liên Xô không chỉ bảo vệ được mình, mà còn góp phần giải phóng nhiều nước ở Trung và Đông Âu thoát khỏi thảm họa diệt vong của chủ nghĩa phát-xít, dẫn đến sự ra đời hệ thống các nước XHCN.

Sau khi đánh bại nước Đức phát-xít được ba tháng, ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát-xít Nhật. Hồng quân mở màn chiến dịch tổng công kích đội quân Quan Đông ở chiến trường Mông Cổ và đông-bắc Trung Quốc, tiêu diệt một triệu tên phát-xít Nhật, giáng đòn quyết định, giành thắng lợi cho phe đồng minh. Cũng thời gian này, Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hi-rô-xi-ma và Naga-xa-ki, tạo nên cú đánh bồi trong chiến tranh và để lại nỗi đau thế kỷ cho người dân Nhật Bản. Ngày 15-8-1945, phát-xít Nhật chấp nhận các điều kiện đầu hàng quân đồng minh, kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thắng lợi của nhân dân Liên Xô cùng phe đồng minh chống phát-xít Đức - Ý -Nhật được ghi vào lịch sử như là một chiến công to lớn nhất của loài người trong thế kỷ 20. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Hồng quân và nhân dân Liên Xô chống phát-xít Đức, phátxít Nhật trong cuộc chiến tranh vệ quốc 1941-1945 mang tầm vóc quốc tế lớn lao và ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Đối với cách mạng Việt Nam, chiến thắng của Hồng quân Liên Xô năm 1945 là thời cơ vàng để Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn dân tộc "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".

Đảng ta đã chớp thời cơ phát động toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát-xít Nhật, và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trước khi quân đồng minh vào Đông Dương.

Đã 70 năm trôi qua, ở đất nước ta đã có biết bao công trình nghiên cứu khoa học về Cách mạng Tháng Tám và thời cơ giành chính quyền năm 1945. Nhưng tại sao rất nhiều nước có hoàn cảnh như nước ta, có thời cơ quốc tế, thậm chí không ít nước lớn cận kề, có Đảng ra đời sớm, đội ngũ đảng viên đông gấp chục, gấp trăm lần con số 5.000 đảng viên ở nước ta, lại có cả lực lượng vũ trang hùng hậu, mà không chớp thời cơ giành được chính quyền? Điều này chỉ có thể lý giải đầy đủ bởi một dân tộc anh hùng và Đảng tiên phong của dân tộc. Đảng ta cùng dân tộc phải trải qua 15 năm chuẩn bị chu đáo, tập dượt, thể nghiệm các hình thức đấu tranh giành chính quyền trong các cao trào cách mạng: Xô-viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931), Dân chủ (1936-1939), Cao trào cứu nước (1939-1945). Có biểu tình vũ trang, có đấu tranh nghị trường, có khởi nghĩa giành quyền làm chủ. Đảng liên tiếp chuyển hướng chiến lược, thay đổi khẩu hiệu đấu tranh để tập hợp quần chúng. Các cao trào này thật sự là những cuộc tổng diễn tập để tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, phán đoán trước thời cơ cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài đã trở về Tổ quốc cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Đó là điều quyết định nhưng nói đến cao trào kháng Nhật, cứu nước, không thể không tô đậm vai trò cực kỳ to lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh. Trung thành tuyệt đối với tư tưởng Hồ Chí Minh và những quyết định lớn của Người, trong thời gian Bác vắng mặt, cũng như khi ốm đau, đồng chí Trường Chinh là người trực tiếp san sẻ gánh nặng cho Người.

Ngay sau đêm Nhật đảo chính Pháp (ngày 9-3-1945), tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì cuộc họp Thường vụ, ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Với tầm nhìn chiến lược và tư duy khoa học nhạy bén, Tổng Bí thư đã nhận định và phân tích chính xác tình hình, dự báo đúng diễn biến của thời cuộc, kịp thời chuyển hướng khẩu hiệu và phương pháp đấu tranh nhanh chóng dấy lên cao trào kháng Nhật, cứu nước. Thực hiện lời căn dặn quyết cứu nước, cứu dân, "dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn" của Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh đã lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám bằng một phương pháp cách mạng sáng tạo. Không giống hoàn toàn khởi nghĩa vũ trang trong Cách mạng Tháng Mười, cũng không giống chiến tranh trường kỳ kiểu "nông thôn bao vây thành thị", Cách mạng Tháng Tám là một cuộc vùng dậy của toàn dân, bằng bạo lực chính trị kết hợp với vũ trang thị uy để giành lấy chính quyền về tay nhân dân.

Sau này, khi vận dụng kinh nghiệm Cách mạng Tháng Tám và chiến thắng của Hồng quân Liên Xô vào lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tổng Bí thư Lê Duẩn thường kính trọng nhắc đến người tiền nhiệm của mình: Anh Trường Chinh là người rất thận trọng trước các quyết định, nhưng luôn sâu sát, cụ thể và dũng cảm quyết đoán. Chỉ đạo của anh trong Cách mạng Tháng Tám là sự sáng tạo tuyệt vời. Đời người làm lãnh đạo, chỉ vài ba quyết định đúng đắn ở những bước ngoặt lịch sử, đã là những cống hiến to lớn cho Đảng, cho dân.