Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Đại sứ quán, các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, các tổ chức phi chính phủ, và các chuyên gia xây dựng chiến lược.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn tích cực, chủ động thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) hằng năm 2015, hoàn thành cập nhật NDC hằng năm 2020, cũng như đưa trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành để toàn dân thực hiện.
Đồng thời, Việt Nam đã tập trung xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, gồm các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với mục tiêu, cam kết tại Hội nghị COP26 và thực hiện các yêu cầu của Thỏa thuận Paris.
Việc xây dựng Dự thảo Chiến lược được thực hiện dựa trên sự hỗ trợ của các đối tác, sự nỗ lực của các chuyên gia và sự tham khảo các chiến lược dài hạn về biến đổi khí hậu của nhiều quốc gia trên thế giới. “Dự thảo phản ánh sự chuyển đổi về chất trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam, đồng thời thể hiện lộ trình hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26”.
Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược, thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), cũng như các nhiệm vụ, giải pháp hiện thực hóa cam kết COP26 của Việt Nam.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã trình bày khái quát nội dung của Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
Dự thảo Chiến lược nêu rõ, biến đổi khí hậu là xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đồng thời khẳng định thích ứng với biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.
Dự thảo đưa ra mục tiêu tổng quát, đó là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời, tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp tích cực, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất.
Dự thảo cũng đề cập các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu trên, đồng thời giới thiệu 5 chương trình, dự án ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2022-2030, gồm khắc phục tình trạng suy giảm, suy thoái, phục hồi các nguồn tài nguyên, thích ứng hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu; khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu; giảm nhẹ phát thải và chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi giao thông công cộng; chuyển đổi số và truyền thông, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”; khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Phát biểu đóng góp ý kiến cho Dự thảo, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 là một trong những công cụ chính sách vô cùng quan trọng để bảo đảm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 cũng như xây dựng khả năng chống chịu cho cộng đồng tại Việt Nam.
Bà Wiesen khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng một khuôn khổ chính sách và luật pháp mạnh mẽ để hướng dẫn và triển khai các hành động khí hậu hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”; loại bỏ các rào cản không cần thiết đối với các khoản đầu tư mạnh mẽ về khí hậu; thực thi các biện pháp khuyến khích quá trình chuyển dịch xanh và công bằng; đồng thời đẩy mạnh các biện pháp thích ứng nhằm nâng cao khả năng chống chịu cho cộng đồng, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.
“Ngoài ra, Việt Nam cũng cần có những khuôn khổ chính sách minh bạch liên quan đến tài chính xanh để có thể hỗ trợ triển khai các dự án và các khoản đầu tư xanh mới”, Trưởng đại diện thường trú UNDP nhấn mạnh.
Ông Weert Börner, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội chia sẻ: “Với việc hoàn thành Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” chỉ 5 tháng sau COP26, Chính phủ Việt Nam tiếp tục gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tham vọng khí hậu của mình”.
Dự thảo Chiến lược mới cho thấy mục tiêu trung hòa khí hậu của Việt Nam tuy rất tham vọng và đầy thách thức nhưng khả thi. Ông Weert Börner khẳng định Chính phủ Đức sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi cần thiết để đạt mức phát thải ròng bằng “0” theo hướng công bằng và bền vững.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe ý kiến góp ý, khuyến nghị cho Dự thảo Chiến lược từ đại diện các Đại sứ quán, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Bộ Công thương…