Chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Pháp chính thức bắt đầu

NDO -

Ngày 28/3, chiến dịch vận động của 12 ứng cử viên tổng thống Pháp chính thức bắt đầu tại các địa phương và trên các phương tiên truyền thông gồm đài tiếng nói và truyền hình. Theo kết quả thăm dò mới nhất, Tổng thống sắp mãn nhiệm Emmanuel Macron vẫn là ứng cử viên sáng giá nhất.

Chưa có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa các ứng cử viên. (Ảnh: Le Monde)
Chưa có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa các ứng cử viên. (Ảnh: Le Monde)

Các cuộc vận động bầu cử tại các địa phương cũng như các phương tiện truyền thông sẽ kéo dài đến hết ngày 8/4. Theo luật bầu cử ở Pháp, trong giai đoạn này, tất cả các ứng cử viên sẽ bình đẳng về cơ hội, như thời gian diễn thuyết, thời lượng và khung giờ xuất hiện trên truyền thông, cũng như các địa điểm dán áp phích tuyên truyền hay thực hiện các hoạt động vận động tranh cử. 

Một ngày trước khi diễn ra và trong ngày bầu cử vòng một, ngày 10/4, các ứng cử viên không được phép vận động bầu cử. Còn các đài tiếng nói cũng như truyền hình không được phát sóng các chương trình vận động bầu cử. Từ ngày 11 đến 22/4, hai ứng cử viên lọt vào vòng hai sẽ tiếp tục các chương trình vận động tranh cử.

Trong ngày 27/3, các ứng cử viên trừ ông Emmanuel Macron đã tổ chức các cuộc vận động tranh cử tại nhiều thành phố. 

Tại Paris, ứng cử viên đảng Sinh thái Yannick Jadot vận động cử tri ủng hộ chương trình hành động của ông đối với vấn đề khí hậu, đồng thời nhấn mạnh chủ đề thời sự của châu Âu hiện nay là thoát khỏi sự lệ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. 

Tại thành phố Toulouse ở phía tây nam, ứng của viên Fabien Roussel của Đảng Cộng sản Pháp nhấn mạnh ưu tiên cải thiện điều kiện lao động, tiền lương tối thiểu và các vấn đề về phúc lợi xã hội.

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt do tác động của dịch bệnh cũng như cuộc xung đột tại Ukraine. Do vậy, sức mua sắm và tiêu dùng giảm do giá năng lượng và nguyên liệu tăng mạnh trở thành mối bận tâm chính của cử tri Pháp so với các chủ đề khác như môi trường, y tế, nhập cư, bất bình đẳng xã hội hay hậu quả của đại dịch Covid-19.

Theo kết quả thăm dò mới đây của Viện Ipsos-Sopra Steria, 89% người Pháp khẳng định chỉ quan tâm đến những gì đang xảy ra tại Ukraine. Trong số này có hơn 50% cho biết diễn biến tại Ukraine sẽ ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ứng cử viên trong cuộc bầu cử sắp tới.  

Theo luật bầu cử ở Pháp, các ứng viên đều bình đẳng về tài chính cho chiến dịch tranh cử từ quyên góp và hỗ trợ của Nhà nước. Ứng viên tham gia vòng một bầu cử tổng thống được chi 16 triệu 800 ngàn euro cho công tác truyền thông và các hoạt động vận động tranh cử. Đối với hai ứng viên lọt vào vòng hai, chi phí được giới hạn ở mức 22 triệu 500 ngàn euro. Nếu chi tiêu quá mức sẽ bị phạt.

Đối với khoản hỗ trợ từ Nhà nước, tỷ lệ phần trăm phụ thuộc vào tỷ lệ phiếu bầu ứng viên thu được. Nếu ứng viên chỉ được dưới 5% phiếu bầu thì mức trần chi phí được Nhà nước hoàn trả là 4,75%, tương đương tối đa khoảng 800.000 euro. Nếu số phiếu bầu cho ứng viên vượt quá 5% thì tỉ lệ chi phí được Nhà nước hoàn trả là 47,5%, tương đương số tiền tối đa là 8 triệu euro trên tổng số 22 triệu euro được phép chi tiêu tối đa.  

Kết quả thăm dò mới nhất cho thấy ứng cử viên Emmanuel Macron vẫn duy trì vị trí dẫn đầu, tiếp theo là các ứng cử viên Marine Le Pen, Jean-Luc Mélenchon, Éric Zemmour và Valérie Pécresse.