Tốc độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhanh nhất thế giới
Israel kích hoạt chiến dịch tiêm chủng vào ngày 20-12-2020, với ưu tiên là nhân viên y tế, người sống trong điều kiện có nguy cơ lây nhiễm cao và người từ 60 tuổi trở lên. Ngày 10-1 vừa qua, các nhóm đối tượng ưu tiên nêu trên đã được tiêm mũi thứ hai.
Để đưa chương trình tiêm chủng đến gần hơn với giới trẻ, chính quyền TP Tel Aviv đã triển khai sáng kiến mở trạm tiêm vaccine tại quầy bar và người chủ động tiêm phòng sẽ được nhận một đồ uống miễn phí.
Nhằm khảo sát tính hiệu quả của chương trình tiêm chủng đối với người cao tuổi, các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Weizmann, Đại học Tel-Aviv và Viện Công nghệ Israel Technion đã phân tích dữ liệu của Bộ Y tế nước này về số ca nhập viện và xét nghiệm PCR từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2, số ca lây nhiễm giảm trong tất cả các nhóm tuổi. Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine thể hiện rõ nhất trong các nhóm được tiêm chủng trên diện rộng, đó là người từ 60 tuổi trở lên. Tỷ lệ nhập viện trong nhóm đối tượng từ 60 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine giảm 57%.
“Chúng ta có thể thấy tương đối rõ tác động đối với các nhóm được tiêm vaccine”, ông Shalit, trợ lý giáo sư của Viện Công nghệ Israel Technion nói. Trong lúc các nhóm đối tượng trẻ hơn đang được tiêm vaccine và dữ liệu tiếp tục được thu thập, nhóm nghiên cứu của ông Shalit nhận thấy, số ca nhập viện trong độ tuổi từ 50 đến 55 giảm mạnh. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 1-2021, số ca nhập viện trong độ tuổi từ 50 đến 55 giảm 40%.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào thứ Tư tuần trước, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ cho biết, thông tin trên báo chí cho thấy Israel đã làm giảm đáng kể số ca bệnh nhờ tác dụng của vaccine. Ông Fauci dẫn số liệu, tại Israel, tỷ lệ tiêm vaccine hiện là 78 liều/100 người, trong khi con số này tại Mỹ là 16,7 liều/100 người.
Đến nay, khoảng ba triệu người, chiếm gần 1/3 dân số Israel, đã được tiêm hai mũi vaccine của BioNTech-Pfizer. Với con số này, Israel hiện là quốc gia có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới. Cuối tháng 12-2020, Bộ trưởng Y tế Israel Chezy Levy cho biết, mục tiêu của Israel là tiêm vaccine cho khoảng 60% dân số của nước này trong quý 1-2021.
Cơ hội cho nền kinh tế
Mới đây, Bộ Y tế Israel công bố, vaccine của BioNTech-Pfizer đạt hiệu quả tới 98,9% trong việc ngăn chặn các ca nhập viện và tử vong do Covid-19. Ngoài ra, tỷ lệ mắc Covid-19 cũng giảm 95,8% trong nhóm người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine.
Tính đến 12 giờ ngày 22-2 (theo giờ Việt Nam), Israel ghi nhận 750.043 ca mắc Covid-19, trong đó 704.018 người đã bình phục và 5.577 người đã tử vong. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Israel vào tháng 2-2020, nước này đã trải qua ba làn sóng dịch bệnh.
Theo Worldometers
Sau khi Bộ Y tế Israel công bố dữ liệu cho thấy vaccine của BioNTech-Pfizer đạt hiệu quả cao trong ngăn chặn Covid-19, nước này đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa để mở cửa trở lại nền kinh tế.
Từ ngày 21-2, người dân Israel bắt đầu chứng kiến cuộc sống dần quay trở lại bình thường. Chính phủ đã quyết định dỡ bỏ biện pháp hạn chế đối với nhiều doanh nghiệp và dịch vụ. Nhiều biện pháp hạn chế được nới lỏng, các cửa hàng, thư viện, giáo đường Do thái và bảo tàng có thể mở cửa trở lại. Tuy nhiên, nhà chức trách yêu cầu người dân vẫn phải giãn cách xã hội và đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Các trung tâm thương mại được phép hoạt động trở lại nhưng phải bảo đảm quy định về số người được phép vào mua sắm. Phần lớn trường học tại nước này đã mở cửa trở lại sau gần hai tháng đóng cửa. Dự kiến, toàn bộ hệ thống giáo dục của Israel sẽ hoạt động bình thường vào đầu tháng 3 tới.
Tuy nhiên, để tới phòng tập gym, khách sạn hay nhà hát, người dân cần có “Thẻ Xanh”, tức là được chứng nhận đã tiêm đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19 từ hơn một tuần trước hoặc đã khỏi bệnh và được cho là có khả năng miễn dịch với Covid-19. Người có “Thẻ Xanh” có thể chứng minh tình trạng của mình bằng cách đưa ra giấy chứng nhận tiêm vaccine hoặc tải ứng dụng của Bộ Y tế có liên kết với hồ sơ sức khỏe của họ.
Dù khẳng định vai trò quan trọng của vaccine ngừa Covid-19 trong cuộc chiến chống Covid-19 song Tổ chức Y tế thế giới (WHO) luôn lưu ý tiêm phòng vaccine cần phải kết hợp với các biện pháp như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người khác, tránh tụ tập động người... mới đem lại nhiều hy vọng sớm đẩy lùi dịch bệnh. Israel, điểm sáng về tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, đồng thời nới lỏng các biện pháp hạn chế để đạt được hai mục tiêu, đó là đẩy lùi Covid-19 và phục hồi nền kinh tế sau thời gian ngưng trệ vì dịch bệnh.