Chiến dịch Tây Nguyên - nghệ thuật nghi binh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Chiến dịch Tây Nguyên - nghệ thuật nghi binh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, từ số báo này, Báo Nhân Dân mở chuyên mục "40 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước", nhằm ôn lại giai đoạn lịch sử đấu tranh gian khổ, hào hùng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở hai miền nam, bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, tiếp tục khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng 30-4-1975, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Đặc công Tiểu đoàn 4 đánh chiếm sân bay Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Chiến dịch Tây Nguyên, bài học độc đáo về nghệ thuật mở đầu cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân 1975

Tây Nguyên có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, nên Mỹ-ngụy đã biến nơi đây thành một căn cứ quân sự chiến lược lớn, hòng đè bẹp cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương, ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền bắc vào và từ rừng núi xuống đồng bằng Khu V. Lực lượng địch ở Tây Nguyên có Sư đoàn bộ binh 23, bảy tiểu đoàn biệt động quân, 36 tiểu đoàn bảo an, bốn thiết đoàn, 230 khẩu pháo, 150 máy bay thuộc Quân đoàn 2- Quân khu 2. Nhìn chung, địch bố trí lực lượng mạnh ở khu vực phía bắc Tây Nguyên, còn khu vực phía nam được coi như hậu phương, nên chúng bố trí lực lượng mỏng hơn.