“Chiếc thìa ma thuật" của sinh viên Việt Nam đoạt giải nhất Hackathon 2019

NDO -

NDĐT- Với sản phẩm công nghệ “Chiếc thìa ma thuật (Magic Spoon) dùng cho người già bị run tay và người bị bệnh Parkinson”, nhóm hai sinh viên Việt Nam đến từ Trường đại học Công nghệ đã giành được giải Nhất, tại cuộc thi khoa học công nghệ thường niên IEEE SEACAS Hackathon tổ chức ở Malaysia vừa qua.

Hai sinh viên Nguyễn Đức Kiên và Đặng Hải Ninh đoạt giải nhất cuộc thi Hackathon 2019 (Ảnh: UET - ĐHQGHN)
Hai sinh viên Nguyễn Đức Kiên và Đặng Hải Ninh đoạt giải nhất cuộc thi Hackathon 2019 (Ảnh: UET - ĐHQGHN)

IEEE SEACAS Hackathon là cuộc thi khoa học công nghệ thường niên do Hiệp hội Kỹ sư Điện – Điện tử – CNTT (IEEE CAS) tổ chức dành cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đến từ các nước Đông Nam Á. Năm 2019, IEEE SEACAS Hackathon được IEEE CAS phối hợp Viện nghiên cứu lão khoa Malaysia tổ chức tại Trường đại học Putra Malaysia với các nhóm sinh viên đến từ: Malaysia, Philippine, Thailand, Singapore, Indonesia, Vietnam….

ĐHQGHN thông tin cho biết, Phòng thí nghiệm trọng điểm Hệ thống tích hợp thông minh, Trường đại học Công nghệ đã cử nhóm sinh viên với tên gọi SISLAB Vietnam, gồm hai sinh viên Nguyễn Đức Kiên (Khoa Điện tử viễn thông); Đặng Hải Ninh (Khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa) tham dự cuộc thi. Sản phẩm công nghệ “Chiếc thìa ma thuật (Magic Spoon) dùng cho người già bị run tay và người bị bệnh Parkinson” của nhóm do TS Đặng Nam Khánh và PGS,TS Trần Xuân Tú hướng dẫn đã giành giải nhất. Sản phẩm được xây dựng dựa trên ứng dụng kỹ thuật điều khiển, IoT, phân tích dữ liệu và học máy (Machine learning). Magic Spoon nhận dạng độ rung của người lớn tuổi dựa vào các cảm biến đa chiều. Thay vì các kỹ thuật điều khiển thông thường, nhóm sử dụng mạng trí tuệ nhân tạo để đáp ứng. Độ rung tay cũng được lưu lại, đẩy lên hệ thống database và hiển thị trên điện thoại. Qua đó, bác sĩ và người nhà có thể theo dõi và đưa ra biện pháp phù hợp.

Chủ đề của cuộc thi năm nay là hướng tới xã hội 5.0 và mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, trong đó lão khoa và người già là một trong những mối quan tâm của giới nghiên cứu hiện nay. Do đó, cuộc thi năm nay hướng đến việc nghiên cứu, thiết kế và phát triển sản phẩm công nghệ thử nghiệm về một hệ thống tự quản trị phục vụ người cao tuổi trong các hoạt động thường nhật như: vệ sinh cá nhân; mặc quần áo; ăn uống; di chuyển… Sinh viên tham dự có ba ngày để xây dựng ý tưởng, phát triển và hoàn thiện sản phẩm. Sau đó trình bày toàn bộ ý tưởng, chạy demo sản phẩm trước hội đồng giám khảo quốc tế.

Trải qua các vòng thi gồm xây dựng ý tưởng, thuyết minh và chạy demo ý tưởng cho cả ban giám khảo bao gồm các chuyên gia từ IEEE CAS và hơn 50 người lớn tuổi từ Viện lão khoa Malaysia, nhóm SISLAB Vietnam được đánh giá sản phẩm mang tính thực tế và có ứng dụng hữu ích đối với người già bị run tay và bệnh Parkinson. Đặc biệt, các chuyên gia IEEE CAS đánh giá cao tính sáng tạo và công nghệ phân tích dữ liệu và học máy của nhóm sinh viên. Vượt qua chín sản phẩm dự thi, nhóm sinh viên đã vinh dự giành được giải nhất. Nhóm cũng nhận được lời mời từ IEEE CAS tham gia cuộc thi dành cho sinh viên trên toàn thế giới (IEEE CAS student design competition) được tổ chức tại Seville, Tây Ban Nha vào tháng 5 -2020.