Đó là một số những kết quả lớn Dự án “Cứu trợ Nhân đạo và Phục hồi sau lũ miền trung Việt Nam” (Dự án) đã thực hiện sau sáu tháng triển khai. Ngày 29-4, tại Đà Nẵng, Oxfam và các đối tác địa phương đã tổ chức Hội thảo Tổng kết Dự án “Cứu trợ Nhân đạo và Phục hồi sau lũ miền trung Việt Nam” do Chính phủ Canada, Liên minh Cứu trợ Hà Lan (thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan) và Oxfam tài trợ và triển khai.
Phần lớn đối tượng yếu thế được hưởng lợi
Theo báo cáo của Oxfam, tháng 10-2020, đáp ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã phối hợp cùng các đối tác địa phương gồm: Trung tâm Phát triển Cộng đồng Hà Tĩnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam tiến hành đánh giá nhu cầu hỗ trợ ưu tiên của người dân. Oxfam đã huy động được gần một triệu USD từ nguồn lực tự có và từ các nhà tài trợ quốc tế gồm Chính phủ Canada và Liên minh Cứu trợ Hà Lan (thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan).
Đến tháng 4-2021, Oxfam và các đối tác đã triển khai 10 nhóm hoạt động tại các vùng chịu ảnh hưởng nặng do thiên tai, bao gồm hỗ trợ tiền mặt không điều kiện, tiền mặt có điều kiện phục hồi sinh kế, cấp phát bộ dụng cụ vệ sinh ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái, cải thiện điều kiện tiếp cận nước sạch, vệ sinh, xử lý nước và trữ nước an toàn, khuyến khích thực hành vệ sinh cá nhân để phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, song song với việc bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên liên quan.
Ngoài các gói cứu trợ khẩn cấp, các đối tác dự án cũng hỗ trợ tiền mặt cho người dân địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động cải tạo các công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hại sau bão, lũ như: đường giao thông liên thôn, giao thông nội đồng, nạo vét kênh mương thủy lợi, cải tạo đồng ruộng và sửa chữa sân trường. Hoạt động này không những làm tăng sự kết nối cộng đồng theo tinh thần “tự chủ, tại chỗ”, giúp khôi phục hệ thống hạ tầng cơ bản cho sinh hoạt, sản xuất, mà còn giúp tăng cường giao thương, vừa giúp bà con có thu nhập phục hồi sinh kế, vừa có thể chăm sóc mùa màng, thu hoạch và kết nối thị trường thuận tiện hơn.
Hơn 183 nghìn người dân, bao gồm 91.250 phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương tại địa bàn 18 xã thuộc năm huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Tuyên Hóa, Hải Lăng và Bắc Trà My tại bốn tỉnh miền trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam), đã được hưởng lợi từ gói cứu trợ này để phục hồi sinh kế và dần ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Được hưởng lợi trực tiếp từ Dự án chị Nguyễn Thị Phú, nữ chủ hộ khuyết tật tham gia Lao động đổi công tại xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Nhờ có dự án mà gia đình mình được hỗ trợ tiền công lao động, thôn mình có đường đi đẹp. Ở trong thôn, Dự án giúp cho nhiều hộ khó khăn nhận tiền mặt không điều kiện, bộ dụng cụ vệ sinh phụ nữ, bồn chứa nước, thau, gáo, xô đựng nước, được đi học rửa tay sát khuẩn, phòng chống Covid-19. Cái gì cũng thiết thực hết”.
Ông Lê Văn Định, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng Hà Tĩnh (HCCD) cho biết: “Chúng tôi đã học được phương pháp triển khai cứu trợ có sự tham gia của người dân từ Oxfam, và nhất định sẽ áp dụng trong tương lai. Chúng tôi thấy cách làm này được cộng đồng ủng hộ”.
Những kinh nghiệm từ Dự án
Ông Vũ Xuân Việt, Quản lý Chương trình Cứu trợ khẩn cấp của Oxfam chia sẻ: “Oxfam bảo đảm nguyên tắc “nhân đạo, độc lập, công bằng” và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và trách nhiệm giải trình trong cứu trợ nhân đạo. Chúng tôi bảo đảm người dân và lãnh đạo địa phương tham gia thực sự vào toàn bộ quá trình cứu trợ, từ lập kế hoạch, quản lý, điều phối đến triển khai và giám sát và học hỏi”.
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân và địa phương, Oxfam và các đối tác chú trọng việc xây dựng năng lực quản lý, điều phối và sự tự chủ của địa phương để địa phương triển khai hoạt động cứu trợ hiệu quả trong tương lai. Ngoài các tập huấn đào tạo kỹ năng cho trưởng thôn, trưởng cụm và cán bộ xã, việc thiết lập cơ chế phối hợp và giám sát, cơ chế phản hồi và giải quyết khiếu nại được lồng ghép xuyên suốt trong quá trình cấp phát tới người dân.
“Điều rất quan trọng trong cứu trợ nhân đạo là cơ chế phối hợp nhiều bên để huy động nguồn lực hiệu quả, tránh chồng chéo. Chúng tôi không chỉ làm việc với các tổ chức quốc tế khác để phân bổ nguồn lực cứu trợ theo các địa bàn bị ảnh hưởng và xác định các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, địa phương làm việc sâu sát với chúng tôi để phối hợp nguồn lực của dự án với các nguồn lực khác tại địa phương. Điều này củng cố năng lực điều phối viện trợ của địa phương hiệu quả hơn về lâu dài”, ông Việt chia sẻ.
Kết quả lớn nhất mà Dự án nhận thấy đó là việc người dân tích cực tham gia vào hoạt động của dự án, các điều kiện về nước sạch và vệ sinh đã được cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, những hỗ trợ tiền mặt của Dự án giúp cho người dân không chỉ khắc phục được những khó khăn trước mắt mà còn giúp người dân chuyển dần sang giai đoạn phục hồi một cách bền vững hơn, kết nối vào giai đoạn phát triển.
“Một điều mà chúng tôi nhận thấy đó là rất đông phụ nữ, trẻ em gái và học sinh tại các địa phương mà Dự án hỗ trợ đã nâng cao được nhận thức, tầm quan trọng của vệ sinh cá nhân đúng cách cũng như kinh nghiệm, kỹ năng phòng chống Covid-19. Ngoài ra, những hỗ trợ về phục hồi kinh tế, xử lý và trữ nước an toàn cũng là những hỗ trợ hết sức thiết thực mà dự án mang lại cho người dân tại địa bàn bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh”, ông Việt nói thêm.
Theo ông Việt, để những hỗ trợ nhân đạo được triển khai trên quy mô rộng hơn, hiệu quả hơn thì rất cần một hành lang pháp lý thuận lợi để khuyến khích tất cả các cá nhân, các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức quốc tế khi triển khai các gói cứu trợ phục hồi. “Giai đoạn cứu trợ khẩn cấp chúng ta đã làm tốt rồi, nhưng đối với giai đoạn phục hồi, nếu như có sự vào cuộc, tạo điều kiện về mặt chính sách ở chính quyền cấp tỉnh thì các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế sẽ được triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn”, ông Việt nói.