Chìa khóa nào gỡ khó cho các trường mầm non ngoài công lập?

NDO -

Lên lộ trình chi tiết, cho phép các cơ sở có đủ điều kiện thí điểm đón trẻ tới trường, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong điều kiện bình thường mới kết hợp với việc cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ… được coi là giải pháp căn cơ để mở lối thoát cho hệ thống trường mầm non ngoài công lập đang trên bờ vực phá sản.

Cần mở lối thoát cho hệ thống trường mầm non ngoài công lập đang trên bờ vực phá sản. (ẢNH: TRƯỜNG V.X)
Cần mở lối thoát cho hệ thống trường mầm non ngoài công lập đang trên bờ vực phá sản. (ẢNH: TRƯỜNG V.X)

Cần ấn định lộ trình mở cửa 

Trước thực trạng “ngủ đông” quá lâu của giáo dục mầm non, đại diện nhiều trường mong muốn được thí điểm đón trẻ dựa trên cơ sở tự nguyện của cha mẹ học sinh cũng như việc bảo đảm nghiêm các quy định về phòng, chống dịch hiện hành.

Chị Đinh Thị Phương Lan - Quản lý hệ thống mầm non T.L.A cho biết: Theo khảo sát của nhà trường, có tới 75% phụ huynh tại đây mong mỏi cho con em mình được quay trở lại lớp. Trong khi đó, nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập khác cũng chờ đợi cơ quan chức năng sớm đưa ra lộ trình cụ thể cũng như các chính sách hỗ trợ để gỡ gánh nặng vốn đã đè nặng suốt 2 năm qua trên lưng.

“Việc cho con đi học hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của phụ huynh và người giám hộ hợp pháp của học sinh. Chúng ta có thể đặt ra các quy định nghiêm ngặt như khống chế số học sinh mỗi lớp để giáo viên có thể theo dõi sát sao các biểu hiện sức khỏe, phối hợp với phụ huynh để có phương án xử lý, cách ly ngay khi có sự cố xảy ra. Trong trường thực hiện nghiêm các lớp bảo vệ từ cổng trường khi đón học sinh đến trong lớp học, rèn trẻ những thói quen như rửa tay, xúc miệng nước muối...”, chị Đinh Thị Phương Lan dẫn chứng.

Chìa khóa nào gỡ khó cho các trường mầm non ngoài công lập? -0
"Việc cho con đi học hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của phụ huynh. Chúng ta có thể đặt ra các quy định nghiêm ngặt như khống chế số học sinh mỗi lớp". (Ảnh: NVCC)

Khẳng định trường học là nơi an toàn, đại diện nhiều trường cho rằng: Bản thân một cơ sở mầm non để được thành lập đã phải đạt một loạt điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ bao gồm: Khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ cho giáo viên, nhân viên; vệ sinh khử khuẩn phòng ốc; điều kiện trang bị phòng y tế. Do đó, nếu áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19, các trường sẽ ngay lập tức có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, con người cũng như quy trình để thực thi.

“Bên cạnh đó, khối trường tư thục có tâm thế làm việc khác. Không cơ sở nào muốn mình sẽ trở thành điểm lây nhiễm dịch. Uy tín và doanh thu luôn đi liền với nhau tạo nên áp lực khiến họ buộc phải bảo đảm an toàn đến mức tốt nhất cho trẻ. Tôi nghĩ, điều quan trọng là nên trao quyền tự chủ cho các trường trong bối cảnh Chính phủ đã chủ trương chuyển trạng thái phòng, chống dịch trên toàn quốc sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh”.

Thực tế, thực trạng các trường mầm non nói chung tạm đóng cửa do dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hệ lụy khi các bậc phụ huynh loay hoay tìm chỗ gửi trẻ. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 525.000 trẻ theo học. Trong đó, trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục là hơn 158.000 trẻ, chiếm 30%. Khi các cơ sở mầm non tư thục chao đảo vì dịch thì sẽ có nhiều trẻ nguy cơ thiếu chỗ học.

Anh Đăng Giang (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đã buộc phải gửi con trai 5 tuổi của mình về quê ngoại tại Hạ Hòa, Phú Thọ để cháu được đi học bình thường. Nhiều phụ huynh khác lại tìm đến các lớp trông giữ trẻ theo nhóm tại nhà thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội.

Anh Đào Đức Trương (40 tuổi), phụ huynh của bé trai 5 tuổi đang học tại Trường mầm non Việt Mỹ (trước dịch) thẳng thắn: “Theo tôi, phải cho các cháu đi học trở lại để trẻ phát triển toàn diện. Đã đến lúc chúng ta phải sống chung với dịch bệnh rồi”.

Chìa khóa nào gỡ khó cho các trường mầm non ngoài công lập? -0
“Việc mở cửa trở lại kịp thời sẽ cứu sống rất nhiều trường mầm non tư thục đang trên bờ vực phá sản” (Ảnh: SƠN BÁCH)

Cho rằng: “Việc mở cửa trở lại kịp thời sẽ cứu sống rất nhiều trường mầm non tư thục đang trên bờ vực phá sản”, ngày 8/2 vừa qua, gần 50 cơ sở mầm non ngoài công lập tại Hà Nội đã có thư gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề đạt những giải pháp và mong muốn của mình. Theo đó, các cơ sở đề nghị các cơ quan chức năng công bố thời điểm cho phép trường mầm non tư thục được hoạt động trở lại.

“Việt Nam đã đạt được kết quả vô cùng ấn tượng trong chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất từ trước tới nay. Đồng thời Chính phủ cũng đặc biệt thành công trong việc chuyển trạng thái phòng, chống dịch trên toàn quốc sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới, UNESCO và UNICEF đưa ra 8 khuyến nghị về việc đưa học sinh trở lại trường, trong đó khuyến nghị đầu tiên là: Trường học phải là một trong những cơ sở cuối cùng đóng cửa và là một trong những cơ sở đầu tiên mở cửa sau giãn cách xã hội”, đại diện các trường đưa ra lý do.

Đồng tình với ý kiến trên, chị Huỳnh Minh Thảo - Quản lý trường V.X (Hoàng Mai, Hà Nội) phân tích: “Trên tư cách quản lý, chúng tôi rất ngại việc mở trường rồi lại bất ngờ phải đóng cửa sau đó ít lâu. Không có một lộ trình được ấn định, các cơ sở sẽ phải chịu toàn bộ chi phí rủi ro trong tháng đó, bao gồm tiền thuê nhà, tiền lương cho giáo viên, chi phí thay thế mới cho những trang thiết bị đã xuống cấp do quá lâu chưa sử dụng như chăn, ga, gối, đồ chơi…”.

Đại diện một số trường mầm non tư thục cũng cho biết thêm: Hiện nay, các trường đang tiếp tục soạn kiến nghị gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tìm lối thoát khả thi và an toàn nhất.

Nên xem xét lộ trình đưa trẻ mầm non tới trường

Liên quan đến vấn đề trên, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, không chờ đợi việc tiêm vaccine cho trẻ rồi mới cho trẻ đến trường. Cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non.

Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm, không lây nhiễm... Còn phần lớn trẻ em nhiễm Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ.

“Nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học”, ông Phu nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Phu cho rằng, vừa qua, trẻ em ở nhà dương tính rất nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, khi người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. Nếu đến trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà.

“Hiện nay, chúng ta đã chuyển từ chiến lược Zero Covid sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Chuyển từ cấm đoán (cấm các hoạt động, cấm đi lại…) sang kiểm soát rủi ro, còn kiểm soát rủi ro khi cho trẻ đến trường là trẻ bị nhiễm thì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đối với trẻ đó, lớp học có trẻ bị F0”. 

Chìa khóa nào gỡ khó cho các trường mầm non ngoài công lập? -0
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu: “Nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học”.

Mở cửa đồng bộ nhưng cũng dự phòng đồng bộ. Chúng ta nới lỏng chứ không buông lỏng. Hiện nay, đối với trẻ chưa tiêm vaccine và không tiêm vaccine thì nhiều quốc gia đã hối thúc đi học. Theo đó, khi cho đối tượng này đi học, nhiều quốc gia đã kiểm soát bằng các biện pháp như: Nhật Bản, Singapore tăng cường kiểm tra triệu chứng; Canada, Mỹ yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm...”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Để làm được những điều đó, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, ngoài việc tổ chức và thực hiện tốt quy định phòng chống dịch của Chính phủ, của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn cần sự phối hợp tốt giữa gia đình với nhà trường và cơ quan y tế. 

“Khi đi học, các trường vẫn phải triển khai các biện pháp phòng bệnh. Phụ huynh cũng cần phối hợp tốt với nhà trường để bảo đảm an toàn cho các cháu”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nói.

Chìa khóa nào gỡ khó cho các trường mầm non ngoài công lập? -0
Việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô.

Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng, từ tiêm vaccine Covid-19 cho người lớn trong nhà, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi đến tiêm phòng cho các nhân viên trường học và trẻ nhỏ.

Trước đó, thông tin về lộ trình tiếp tục đưa học sinh quay lại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản báo cáo thành phố. Theo đó, nếu dịch diễn biến giảm, công tác phòng dịch bảo đảm thì từ 21/2, học sinh lớp 1 trở lên ở 12 quận nội thành sẽ đi học trực tiếp. Tiếp đó, sau khi Hà Nội triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, Sở sẽ đề xuất phương án cụ thể cho học sinh mầm non đi học.

Sẽ có chính sách hỗ trợ riêng 

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn của các giáo viên cũng như cơ sở mầm non ngoài công lập trước nỗi lo Covid-19, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ nhằm duy trì công việc, tránh bỏ việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non, tiểu học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đã được cấp phép nhưng phải dừng hoạt động để phòng dịch theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tính toán để đề xuất gói hỗ trợ hơn 800 tỷ đồng cho các cơ sở mầm non tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ngay từ cuối năm 2021. Cụ thể, tại phiên chất vấn liên quan đến lĩnh vực giáo dục tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: trước dịch bệnh, hệ thống các trường tư thục, đặc biệt bậc mầm non, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Trường mầm non đang đảm nhận việc nuôi dạy 22,3% số trẻ trong độ tuổi đến trường, có 90.500 người lao động trong hệ thống này, với hơn 9.000 cơ sở.

Chìa khóa nào gỡ khó cho các trường mầm non ngoài công lập? -0
Việc các trường mầm non đóng cửa kéo dài gây ra nhiều hệ lụy. (Ảnh: SƠN BÁCH) 

Theo Bộ trưởng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cơ sở phải đóng cửa, sang tên, người lao động chuyển việc. 1,2 triệu trẻ mầm non có nguy cơ không có chỗ học. Trong khi đó, phụ huynh phải ở nhà trông con, không đi làm, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho hay, đã tính toán, có cơ sở dữ liệu, số lượng người lao động chịu ảnh hưởng để xây dựng phương án đề xuất gói hỗ trợ hơn 800 tỷ đồng, trình Chính phủ xem xét. Trong đó, đề xuất cơ chế vay vốn, thuế cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập...

"Có ý kiến hỏi trong dịch bệnh, bộ nhìn ra vấn đề gì, thì tôi xin trả lời, một trong những vấn đề bộ nhìn ra là cần quan tâm hỗ trợ hơn nữa đối tượng các cơ sở giáo dục ngoài công lập" - lãnh đạo ngành giáo dục nói tại phiên chất vấn.

Một tín hiệu đáng mừng nữa là tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình nêu rõ: Chính phủ sẽ “cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch” với tổng nguồn vốn tối đa là 1.400 tỷ đồng. Đồng thời, Nghị quyết cũng nêu rõ sẽ “hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi” trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo.

Chìa khóa nào gỡ khó cho các trường mầm non ngoài công lập? -0
Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết nhằm "gỡ khó" cho thực trạng hiện nay của các trường mầm non ngoài công lập. Tuy nhiên, hầu hết các nhà quản lý hệ thống này mong mỏi sớm được ấn định ngày hoạt động trở lại. (Ảnh: SƠN BÁCH) 

Tiếp đó, tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30/2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo “chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất phương án để báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ thực hiện một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”.

Mới đây nhất, công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/2/2022 do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký cũng có nội dung: Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về điều kiện, trình tự, thủ tục, mức lãi suất cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Thủ tướng yêu cầu “tập trung thực hiện, hoàn thành dứt điểm” ngay trong quý I/2022.

Thực tế, trước đó, nhiều địa phương đã chủ động tìm cách “trợ lực” cho giáo viên mầm non. Tại Hà Nội, cuối năm 2021, tại Kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026, Hà Nội đã quyết định chi 25,7 tỷ đồng hỗ trợ cho 9.535 giáo viên ngoài công lập các cấp, trong đó có giáo viên mầm non thuộc đối tượng có ký hợp đồng với các cơ sở giáo dục, nhưng đang phải nghỉ việc không lương vì các trường đóng cửa chống dịch. 

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng ban hành Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND “Quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của TP Hà Nội” với mức hỗ trợ từ 20-40 triệu đồng tùy quy mô từng nhóm lớp.

Chìa khóa nào gỡ khó cho các trường mầm non ngoài công lập? -0
Đón trẻ tới trường trong an toàn là nguyện vọng của rất nhiều trường mầm non tư thục hiện nay. (Ảnh: SƠN BÁCH) 

Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Phúc đã triển khai áp dụng chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp. Theo đó, giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp nhận hỗ trợ 800.000 đồng/tháng.

Trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định được hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng tại TP Hồ Chí Minh và 220.000 đồng/trẻ/tháng tại Vĩnh Phúc. 

Tại Bình Dương, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng có Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND quy định về việc hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, trong đó đưa ra mức hỗ trợ từ 30-40 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập tùy theo quy mô.

Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như hành động cụ thể của nhiều địa phương, đại diện các trường mầm non ngoài công lập rất hy vọng sẽ sớm được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, đồng thời được sớm cho phép hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới để thực sự tìm được “lối ra” cho hành trình bi đát đã kéo dài suốt 2 năm qua của mình.

Đến trường an toàn trong đại dịch