Đổi mới căn bản toàn diện là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện ở Nghị quyết 14/NQ-CP năm 2005 của Chính phủ về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 và Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Sau nhiều năm các cơ sở giáo dục triển khai hai Nghị quyết trên, tuy có đạt được một số thành quả nhất định, nhưng một số vấn đề cơ bản về dạy, học và đánh giá vẫn chưa được quan tâm nên chất chất lượng giáo dục vẫn chưa được nâng cao.
Đổi mới dạy và học theo 3 tiêu chí
Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục đại học Việt Nam, GS,TSKH Lâm Quang Thiệp cho biết, Nghị quyết 14/NQ-CP năm 2005 của Chính phủ về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã đề xuất: Triển khai đổi mới phương pháp đào tạo theo 3 tiêu chí: trang bị cách học, phát huy tính chủ động của người học; sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động dạy và học. Khai thác các nguồn tư liệu giáo dục mở và nguồn tư liệu trên mạng internet. Lựa chọn, sử dụng các chương trình, giáo trình tiên tiến của các nước (tiêu chí 3C); Cải tiến tuyển sinh theo hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại.
Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã chỉ đạo: đổi mới giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan.
Vì vậy, đối với dạy và học, phải đổi mới theo tiêu chí 3C vì trong thời đại mới, khối lượng thông tin tăng theo hàm mũ, cần phải biết cách chọn, nhập và xử lý thông tin để biến thành tri thức. Phải tận dụng thành tựu về công nghệ thông tin và truyền thông để tăng hiệu quả việc dạy và học. Đồng thời, đổi mới giáo dục-đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học chứ không phải truyền thụ kiến thức.
Đối với đánh giá, các Nghị quyết nhấn mạnh phải đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại, theo mô hình của các nước có nền giáo dục phát triển. Hiện nay, các cơ sở giáo dục đã chú ý đến mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Để triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW, ngành giáo dục đã chọn đổi mới đánh giá làm khâu đột phá. Tuy nhiên, trong việc thực hiện các hoạt động nói trên còn nhiều vấn đề. Thí dụ, một số trường đại học đã triển khai các kỳ thi trên máy tính để đánh giá năng lực. Tuy nhiên, quy trình chọn đề thi của các thí sinh không tạo ra các đề tương đương nên thực chất kết quả không thể so sánh với nhau. Muốn có các kỳ thi đánh giá năng lực phải tạo được đề thi tương đương để các thí sinh có cùng một năng lực đạt được cùng một điểm số.
Nguyên nhân có tình trạng trên là do các cơ sở giáo dục chưa đầu tư nghiên cứu và áp dụng đúng công nghệ đo lường hiện đại trong giáo dục theo một quy trình chặt chẽ từ xây dựng ngân hàng câu hỏi, ra đề và chấm thi cho các kỳ thi. Ngoài ra, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi làm cơ sở để thiết kế đề thi theo đúng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại là rất tốn kém, cho nên một cơ sở giáo dục bình thường không đủ khả năng thực hiện. Do đó, việc cộng tác phối hợp xây dựng ngân hàng câu hỏi giữa các trường là một nhu cầu cấp thiết, GS,TSKH Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh.
Chia sẻ việc ứng dụng công nghệ vào đánh giá việc dạy và học ở các cơ sở giáo dục, các hệ thống phần mềm của Viện nghiên cứu Giáo dục đại học Việt Nam đã đóng góp một phần tích cực vào các cuộc thi kiểm tra đánh giá trong các nhà trường. ThS Bùi Thành Ninh, chuyên viên Trung tâm Khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục, Trường đại học Y Hà Nội cho biết, thành lập từ năm 2010, trung tâm đã áp dụng hình thức thi trắc nghiệm trên giấy. Đến năm 2013, trung tâm triển khai thi trắc nghiệm trên máy và sử dụng phần mềm đánh giá Testpro của Viện nghiên cứu Giáo dục đại học Việt Nam. Đến năm 2017, trung tâm đã tích hợp thêm việc ra vào phòng thi bằng vân tay, giúp giảm tải lượng công việc cho cán bộ coi thi, thí sinh khi đi thi không cần mang theo giấy tờ tuỳ thân. Đến thời điểm này, 89,2% các môn thi của trường đã sử dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan. Hiện nay, trung tâm có 359 ngân hàng câu hỏi với 70 nghìn câu trắc nghiệm; 121 ngân hàng câu hỏi thi tuyển sinh sau đại học với 89 nghìn câu trắc nghiệm.
Chú trọng nâng cao trình độ giảng viên
Đề cập về cách dạy, cách học ở bậc đại học, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, Trần Ngọc Giao cho biết, một số cơ sở giáo dục đại học đã nỗ lực hội nhập, cải tiến phương pháp dạy học đại học để bắt kịp xu thế phát triển. Tuy nhiên, theo báo cáo về hiện trạng đại học Việt Nam của Quỹ Giáo dục Việt Nam và Dự án Giáo dục nông nghiệp, phương pháp dạy học chưa hiệu quả, diễn thuyết, thuyết trình, ghi nhớ, ít bài tập, ít tương tác. Về chương trình đào tạo và các môn học ở bậc đại học có quá nhiều môn học; thiếu giảng viên có đủ trình độ; thiếu các kỹ năng trong nghiên cứu và thực hành giảng dạy hiện đại; thiếu các kiến thức cập nhật về chuyên ngành. Vì vậy, để phát triển chất lượng đào tạo, cần phải nâng cao trình độ giảng viên, giảng viên phải đứng ở trung tâm của công cuộc chuyển đổi số và khai thác nguồn lực mở.
Để đáp ứng các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về dạy, học và đánh giá, theo Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục đại học Việt Nam, GS,TSKH Lâm Quang Thiệp, các cơ sở giáo dục cần xây dựng cơ sở vật chất và trang bị cho giáo viên phương pháp dạy và học tích cực theo tiêu chí 3C; Giúp nhà giáo có hiểu biết cơ bản về khoa học đo lường và đánh giá giáo dục. Đồng thời, phối hợp xây dựng các công cụ đánh giá như phần mềm đánh giá, ngân hàng câu hỏi.
Đáng chú ý, Viện nghiên cứu Giáo dục đại học có thể giúp các trường phổ biến hiểu biết về khoa học đo lường trong giáo dục cho cán bộ, nhà giáo; Cung cấp các phần mềm ứng dụng khoa học đo lường trong giáo dục hiện đại như chấm thi, phân tích câu hỏi và đề thi, quản lý ngân hàng câu hỏi.