Chỉ trong ngày đầu của kỳ chi trả, toàn thành phố đã có hơn 400 người hưởng đăng ký chuyển sang nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua ATM ngay trên ứng dụng VssID - BHXH số, thay cho việc nhận tiền mặt như trước đây.
Không riêng Hà Nội và cũng không phải đến thời gian này mà từ nhiều năm nay việc tuyên truyền, vận động người thụ hưởng thay đổi hình thức nhận chế độ từ trực tiếp sang phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã được BHXH Việt Nam cũng như BHXH 63 tỉnh, thành phố hết sức chú trọng.
Với định hướng đó, ngoài việc giao chỉ tiêu phấn đấu cho BHXH các địa phương, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động người hưởng hiểu rõ hơn về tiện ích của việc giao dịch qua thẻ ATM, từ đó tích cực đăng ký tham gia. Đáng chú ý, để khuyến khích người hưởng nhận lương hưu và trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp qua tài khoản thẻ ATM, cơ quan BHXH hỗ trợ người hưởng chi phí mở tài khoản cá nhân lần đầu và chi phí chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người hưởng (nếu có); đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo hệ thống ngân hàng có cơ chế ưu đãi cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp nhận tiền qua ATM; mở rộng hệ thống cây ATM, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa để người hưởng dễ dàng tiếp cận...
Về phần mình, ngành BHXH cũng đã không ngừng tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho người hưởng chuyển sang nhận qua tài khoản cá nhân. Theo đó, những người có nhu cầu có thể đăng ký thay đổi hình thức nhận lương hưu, trợ cấp ngay trên ứng dụng VssID - BHXH số được cài đặt trong điện thoại thông minh hay thực hiện trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam. Những người chưa có điều kiện ứng dụng công nghệ có thể nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp về cơ quan BHXH trên địa bàn hoặc tại điểm chi trả vào các kỳ chi trả hằng tháng...
Với những nỗ lực đó, ngay từ năm 2019, số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp qua ATM tại khu vực đô thị đã chiếm 33,8% tổng số người hưởng, tăng gần 10% so năm 2018 với số tiền chi trả ước đạt 34%, cao hơn chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao... Từ đó đến nay, số người nhận chế độ qua phương thức này không ngừng gia tăng và đã đạt hơn 700 nghìn người.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều người thụ hưởng tiết kiệm được thời gian, công sức, tránh được rủi ro trong bảo quản tiền mặt, thuận tiện trong chi tiêu; đồng thời giảm nguy cơ tiếp xúc không an toàn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay. Ở góc độ khác, việc mở rộng phương thức thanh toán này cũng góp phần giảm chi phí xã hội, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động kinh tế - xã hội, thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa đất nước...