Bên cạnh đó, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) ghi nhận dòng tiền tăng phiên thứ 4 liên tiếp, mức tăng 2,87% lên hơn 6.000 tỷ đồng, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường giao dịch hai chiều đối với các nhà đầu tư.
Dẫn đầu đà tăng trong phiên giao dịch hôm qua là nhóm nông sản, đặc biệt là mức tăng ấn tượng của ngô, đậu tương và lúa mì trước triển vọng nguồn cung thắt chặt đã giúp chỉ số MXV-Index Nông sản phục hồi 1,43%.
Giá đậu tương hồi phục sau chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp
Triển vọng nguồn cung tại Mỹ vẫn còn chưa chắc chắn do mùa vụ vẫn còn đứng trước nhiều rủi ro giúp giá đậu tương sẽ được hỗ trợ ở vùng dưới mức 1700.
Trong báo cáo mới nhất, hãng tư vấn IHS Markit đã cắt giảm dự báo diện tích gieo trồng đậu tương năm nay của Mỹ xuống còn 88,74 triệu mẫu, thấp hơn so mức 90,96 triệu mẫu trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Sản lượng đậu tương Mỹ, theo IHS, cũng thấp hơn khoảng 2 triệu tấn so ước tính của USDA. Không chỉ có diện tích, năng suất đậu tương cũng là yếu tố đáng lưu ý và có khả năng sẽ làm thiệt hại tới sản lượng thu hoạch. Dự báo nắng nóng có thể kéo dài sang tháng 7 làm dấy lên nhiều lo ngại vụ mùa đậu tương có thể bị ảnh hưởng trong giai đoạn phát triển sớm. Những lo ngại về nguồn cung tại Mỹ thắt chặt hơn đã hỗ trợ cho giá đậu tương bật tăng trở lại.
Bên cạnh đó, trong Báo cáo Xuất khẩu của USDA, mặc dù khối lượng bán đậu tương của Mỹ trong tuần vừa qua giảm xuống nhưng lũy kế bán hàng niên vụ 21/22 đã đạt 60,28 triệu tấn, cao hơn so dự báo của USDA ở mức 59,06 triệu tấn. Khối lượng giao hàng đạt 708.669 tấn, cải thiện đáng kể so mức 476.544 tấn của tuần trước đó. Ngoài ra, theo Refinitiv, 1 triệu tấn đậu tương Mỹ sẽ đến Trung Quốc trong tháng 6 này, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Những số liệu này này càng củng cố khả năng USDA sẽ tăng dự báo xuất khẩu đậu tương niên vụ 21/22 của Mỹ và từ đó tác động “bullish” lên giá trong phiên hôm qua.
Trong khi đó, khô đậu tương đã có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp và là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất trong nhóm. Ngược lại, dầu đậu tiếp tục kéo dài chuỗi suy yếu trong 6 phiên liên tiếp do chịu sức ép bởi diễn biến giá dầu cọ. Bộ Thương mại Indonesia cho biết, tính tới hôm qua nước này đã cấp phép vận chuyển dầu cọ ra nước ngoài cho 602.142 tấn theo chương trình Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO) và 219.782 tấn khác trong kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu. Nguồn cung dầu cọ tiếp tục được nới lỏng đã gián tiếp tác động “bearish” lên giá dầu đậu.
Giá lúa mì bật tăng mạnh mẽ trước sức ép từ nguồn cung Mỹ
Đối với mặt hàng ngô và lúa mì, trong khi giá ngô tiếp tục bật tăng mạnh với mức tăng gần 2% thì triển vọng về bán hàng tích cực hơn của Mỹ cùng với đà tăng từ giá lúa mì là yếu tố tác động “bullish” mạnh lên giá trong phiên hôm qua.
Cụ thể, cũng theo số liệu của Báo cáo Xuất khẩu được USDA phát hành vào tối qua, mặc dù bán hàng ngô niên vụ 21/22 của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 09/06 giảm xuống nhưng khối lượng trong niên vụ niên vụ 22/23 đã đạt mức 138,866 tấn, tăng gần 90% so tuần trước đó. Nhu cầu của các nước mua hàng đang dần chuyển sang niên vụ mới cho thấy kỳ vọng về việc giá tăng lên trong dài hạn và từ đó hỗ trợ cho đà tăng của giá ngô.
Tương tự với ngô, giá lúa mì cũng ghi nhận mức tăng gần 3% trong phiên ngày hôm qua và hướng lên vùng 1080 như dự đoán. Đây cũng là phiên tăng mạnh, chấm dứt chuỗi giằng co đi ngang liên tiếp trước đó. Lực mua được duy trì ở ngay từ đầu phiên và được đẩy mạnh vào trong phiên tối do những số liệu tiêu cực về dự báo diện tích gieo trồng lúa mì tại Mỹ.
Theo đó, trong báo cáo gần đây của hãng tư vấn IHS Markit, diện tích gieo trồng lúa mì của Mỹ năm 2022 được dự báo ở mức 46,44 triệu mẫu, thấp hơn mức 47,35 triệu mẫu của USDA. Trong đó, diện tích gieo trồng lúa mì Durum năm 2022 của nước này cũng được IHS hạ dự báo từ 1,75 triệu mẫu trong tháng trước xuống còn 1,71 triệu mẫu. Điều này làm gia tăng lo ngại về sản lượng bị cắt giảm trong báo cáo cuối tháng 6 của USDA. Đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung từ Biển Đen khó được nối lại như hiện nay, đây càng là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của giá lúa mì.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá heo hơi toàn quốc tiếp tục đi ngang, dao động trong khoảng 53.000-58.000 đồng/kg và vẫn chưa thể vượt mức 60.000 đồng. Mặc dù giá nông sản thế giới vẫn duy trì ở mức cao gây áp lực lên nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp, nhà máy thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên giá sản phẩm đầu ra không thể tăng cùng chiều khiến ngành chăn nuôi trong nước đối mặt nhiều khó khăn.