Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau.
Cụ thể, Bộ luật Lao động năm 2012 (khoản 2 Điều 187) quy định người lao động làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 54) quy định người lao động có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên có thể được hưởng lương hưu sớm hơn 05 năm so với người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Bộ luật Lao động năm 2019 (khoản 3 Điều 169 và khoản 1 Điều 219) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã sửa đổi các quy định nêu trên của Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Theo đó, người lao động có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021 có thể nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Căn cứ các quy định nêu trên, khi xem xét, giải quyết chế độ hưu trí đối với người lao động có thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì chỉ tính thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ ngày 1/1/2021 trở đi, thời gian trước ngày 1/1/2021 không tính theo vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà tính theo nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4/6/2021 đã phê duyệt danh sách 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó, có 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II (xã còn khó khăn) và 1.551 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn).