Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 8/2023, có 17,228 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 91,9% kế hoạch và tăng 251,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc có 15,81 triệu người, đạt 93,4% kế hoạch và tăng 167,5 nghìn người so cùng kỳ năm 2022. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có 1,418 triệu người, đạt 77,7% kế hoạch và tăng 84,4 nghìn người so cùng kỳ năm 2022. Bảo hiểm y tế có 91,438 triệu người, tăng 4,335 triệu người so với cùng kỳ năm 2022. Thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt 38.450 tỷ đồng, tăng 3.043 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 61,7% kế hoạch được giao.
Bảo đảm các nhiệm vụ an sinh xã hội
Tại Hội nghị giao ban cơ quan tháng 9/2023, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo chi tiết tình hình triển khai ở một số lĩnh vực nghiệp vụ trong tám tháng của năm 2023, cũng như giải pháp những tháng cuối năm.
Theo đó, về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế Lê Văn Phúc cho biết: Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp tích cực với Bộ Y tế trong việc sửa Luật Bảo hiểm y tế, làm rõ, đề xuất những nội dung mới liên quan đến các danh mục thuốc, danh mục bệnh như: Khám, chữa bệnh sàng lọc, bệnh dự phòng. Về công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tại một số địa phương diễn ra tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh, như: Việc người bệnh không đi khám vẫn được cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, bác sĩ không đi làm tại phòng khám nhưng vẫn ký cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội… Đây chính là hạn chế, bất cập trong việc không kiểm tra, rà soát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Đồng thời, số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng mạnh, chỉ trong tháng 8 so với tháng 7 tăng 1.000 tỷ đồng; một số địa phương gia tăng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế lớn như: Hà Nội (16,8%), cao nhất là Khánh Hòa với số chi 18%. Trưởng ban Lê Văn Phúc nhận định, việc gia tăng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế những tháng cuối năm là rất lớn, ước tính cả năm 2023 dự kiến chi hơn 120.000 tỷ đồng, dự kiến vượt từ 18-22%..., gây áp lực lớn đối với Quỹ Bảo hiểm y tế.
Đối với tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn xảy ra ở một số địa phương như: Đà Nẵng, Tây Ninh, Trưởng ban Lê Văn Phúc cho biết, đã đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các địa phương có phương án đấu thầu, mua sắm thiết bị vật tư y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm bảo đảm kịp thời quyền lợi cho người đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Về công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ-thẻ Dương Văn Hào cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia, đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Phối hợp chặt chẽ cơ quan thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành liên quan nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, việc sử dụng lao động, chi trả tiền lương và các khoản bổ sung khác để xác định hoạt động của doanh nghiệp, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra yêu cầu đơn vị đăng ký tham gia và nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra đã phát huy tác dụng, có hiệu quả rõ rệt. Trong tháng 8, toàn ngành rà soát, đôn đốc gần 5.000 đơn vị, xử phạt 188 đơn vị, đạt 60% kế hoạch. Các địa phương đã chủ động hơn trong công tác thanh tra, kiểm tra, chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng, phối hợp kiểm tra, chấn chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
“Tăng tốc” hoàn thành nhiệm vụ
Tại hội nghị giao ban, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Trong tám tháng vừa qua, toàn ngành đã triển khai nhiều hoạt động, đánh giá các kết quả đạt được trong thời gian qua; đồng thời đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao năm 2023. Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các tháng cuối năm vẫn là hoàn thành nhiệm vụ thu và phát triển người tham gia, vì vậy, các đơn vị cần đề xuất các phương án, giải pháp cụ thể trong quản lý, tổ chức thực hiện… để toàn ngành quyết liệt “chạy nước rút” trong những tháng cuối năm, hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra”.
Cho ý kiến về giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những tháng cuối năm, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu yêu cầu các địa phương cần tăng cường cải cách hành chính, giao dịch điện tử, số hóa dữ liệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, chú trọng kiểm soát, ngăn chặn các hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Các địa phương cần bám sát “kịch bản” phát triển người tham gia, trong đó nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị…
Với những kết quả đạt được, cũng như nhận diện và dự báo những khó khăn, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, thời gian tới, các đơn vị nghiệp vụ cần tiếp tục chủ động phối hợp đơn vị chuyên môn của các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội các địa phương khẩn trương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ; chủ động các giải pháp tăng số người tham gia.
Trong đó, cần bám sát “kịch bản” phát triển người tham gia, giám sát chặt chẽ việc thực hiện; chủ động áp dụng các cách làm mới, sáng tạo, học tập kinh nghiệm của các địa phương có kết quả tốt trong việc phát triển người tham gia để áp dụng tại đơn vị, địa phương mình…
Đồng thời, toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các công việc theo Đề án 06, tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất, trọng tâm là các “điểm nóng” để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. Đặc biệt, trong các tháng cuối năm, toàn ngành phải tiếp tục bảo đảm thật tốt quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an sinh xã hội cho người dân...
Theo thống kê, trong tám tháng năm 2023, toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội hằng tháng cho 56.305 người và bảo hiểm thất nghiệp cho 896.686 người. Cả nước có hơn 97 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 66.184 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022.