"Chạy đua" cho Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc 2022

Ngày 25/8 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố điều lệ Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc 2022 trong đó quy định các đơn vị có vận động viên (VĐV) thi đấu phải ký hợp đồng trước ngày 1/9/2022 khiến cuộc đua chuẩn bị nhân sự của các đoàn trở nên gấp rút.
0:00 / 0:00
0:00
Vận động viên thi đấu môn bóng bàn tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Vân Ngọc/baogialai.com.vn)
Vận động viên thi đấu môn bóng bàn tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Vân Ngọc/baogialai.com.vn)

Điều lệ Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc năm 2022 quy định mỗi VĐV chỉ được đăng ký thi đấu một môn thể thao. VĐV được quyền đăng ký thi đấu cho địa phương, ngành khi có một trong các điều kiện: có hợp đồng sử dụng VĐV hoặc hợp đồng chuyển nhượng VĐV hợp pháp được ký kết trước ngày 1/9/2022.

Đối với các môn mà Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia đã ban hành quy chế chuyển nhượng thực hiện theo quy chế chuyển nhượng VĐV; có hộ khẩu thường trú, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân xác nhận nơi cư trú của VĐV; Có giấy xác nhận là VĐV của ngành do Cục Quân huấn (Bộ Quốc phòng) hoặc Tổng cục Chính trị Công an nhân dân (Bộ Công an) cấp.

Nếu VĐV không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, không có giấy xác nhận của ngành hoặc khi xảy ra tranh chấp VĐV giữa các đoàn thì Ban tổ chức Đại hội sẽ căn cứ vào hợp đồng sử dụng VĐV hoặc hợp đồng chuyển nhượng VĐV để xem xét, giải quyết...

Tuy nhiên, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy định quá sát ngày "chốt" hợp đồng nhân sự VĐV khiến nhiều đơn vị gặp khó. Thực tế, Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc là dịp đánh giá trình độ thể thao của các tỉnh, thành phố, ngành, là cơ hội khẳng định thế mạnh cho các đoàn thể thao có truyền thống như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quân đội, Bộ Công an… nhưng không ít địa phương, vì nhiều lý do khác nhau, sẽ rất khó để giành dù chỉ một Huy chương vàng, cho nên buộc phải "thuê" VĐV nhằm cố gắng có tên trên bảng xếp hạng đại hội.

Việc chuyển nhượng VĐV tham dự Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc có mặt tích cực tạo sự cạnh tranh lành mạnh, giúp các VĐV nhất là các VĐV trẻ được tạo cơ hội thi đấu và hoàn toàn có thể tạo nên những đột phá bất ngờ về mặt thành tích, thậm chí lật đổ các VĐV đỉnh cao đi trước.

Sau quãng thời gian quá dài dành cho các thủ tục, quy định, Ban tổ chức Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc mới công bố lễ khai mạc vào ngày 9/12 và bế mạc ngày 21/12 tới với 941 nội dung của 43 môn thể thao. Quảng Ninh là đơn vị đăng cai, nhưng nhiều môn thi đấu sẽ được tổ chức tại: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và Vĩnh Phúc.

Hầu hết các nội dung thi đấu nằm trong chương trình Olympic, song cũng có không ít nội dung bị đánh giá là quá ưu tiên cho các đơn vị có kinh phí và khả năng đầu tư như wushu khi có tới 46 nội dung thi đấu, chỉ kém chút ít so với môn bơi có 50 nội dung.

Quảng Ninh sẽ tổ chức thi đấu tại các địa điểm quen thuộc như Trung tâm Thể thao tỉnh, Nhà thi đấu thị xã Đông Triều, Nhà thi đấu thành phố Cẩm Phả, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Trung tâm Triển lãm Quảng Ninh, sân vận động Cẩm Phả và sân vận động Cửa Ông cùng các công trình do doanh nghiệp quản lý: Khu Du lịch Tuần Châu (Hạ Long), Khu du lịch Quảng Ninh Gate (thị xã Đông Triều), Nhà thi đấu Công ty than Hà Lầm (Hạ Long), Công ty than Dương Huy (Cẩm Phả), Công ty than Đèo Nai (Cẩm Phả), Nhà thi đấu Công ty than Núi Béo (Hạ Long)…