Với chủ đề: “AFCFTA: Kiến tạo không gian tài chính để đa dạng hóa việc làm và kinh tế”, hội nghị tập trung thảo luận một loạt vấn đề chung của châu Phi gồm nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, các nguồn tài chính và một chiến lược thống nhất đối với khu vực Sahel.
* Bộ trưởng Tài chính, Kế hoạch và Phát triển kinh tế các nước châu Phi kêu gọi thay đổi hành động để hiện thực hóa việc thông qua AFCFTA; nhấn mạnh triển vọng của AFCFTA thúc đẩy công nghiệp hóa, đa dạng hóa kinh tế và phát triển hướng tới sự thịnh vượng chung của tất cả các nước ở “lục địa đen”. Các nhà lãnh đạo châu Phi hối thúc các nước cần có những chính sách và đầu tư nhằm thu được những lợi ích kinh tế từ AFCFTA.
* Thủ tướng Ethiopia A.Ahmed cho biết, nước này sẽ phê chuẩn AFCFTA nhằm tạo một động lực lớn cho sáng kiến kinh tế của châu lục. Theo ông Ahmed, Hiệp định này sẽ thúc đẩy thương mại nội khối và tăng cơ hội việc làm cho dân số trẻ của châu Phi. Khối AFCFTA có thể tạo ra một thị trường chung châu Phi 1,2 tỷ người với GDP hơn 3.000 tỷ USD và tạo ra hai triệu việc làm.
* Kenya đang xem xét đưa ra một loạt ưu đãi nhằm đẩy mạnh nguồn thu xuất khẩu, trong bối cảnh xuất khẩu của nước này giảm trong 5 năm qua. Giám đốc điều hành Hội đồng xúc tiến xuất khẩu Kenya cho biết, để đảo ngược xu hướng tăng trưởng chậm của nguồn thu xuất khẩu, nước này sẽ đưa ra những ưu đãi cho phép các nhà sản xuất trong nước tiếp cận thị trường quốc tế. Quỹ xuất khẩu sẽ giúp Kenya tiếp cận thị trường châu Phi.
* AFCFTA đã được 44 nước châu Phi ký kết nhưng mới chỉ có Kenya và Ghana phê chuẩn. Thỏa thuận này cần ít nhất 22 nước thông qua để chính thức có hiệu lực. Với thỏa thuận này, châu Phi trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia kể từ khi thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).