Châu Mỹ đẩy mạnh giải quyết vấn đề người di cư

Vấn đề người di cư là một trong những trọng tâm của chương trình nghị sự Hội nghị cấp cao Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) được tổ chức tại thành phố Los Angeles, Mỹ. Các nước châu Mỹ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cam kết nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề người di cư vốn dai dẳng suốt nhiều năm.

Người di cư trong hành trình tới Mỹ tại khu vực Mapastepec, bang Chiapas, Mexico, ngày 1/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người di cư trong hành trình tới Mỹ tại khu vực Mapastepec, bang Chiapas, Mexico, ngày 1/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đúng vào thời điểm bắt đầu Hội nghị cấp cao OAS diễn ra tại thành phố Los Angeles, ngày 6/6, một đoàn di cư khoảng 6.000 người, chủ yếu là từ các nước ở khu vực Trung Mỹ, đã xuất phát từ thành phố Tapachula, bang Chiapas của Mexico, giáp biên giới với Guatemala, để tìm đường tới Mỹ. Ðây là đoàn người di cư thứ bảy và có số lượng người lớn nhất được hình thành kể từ đầu năm 2022 đến nay từ biên giới phía nam của Mexico.

Người di cư vẫn là vấn đề tồn đọng suốt nhiều năm qua tại khu vực Trung Mỹ. Mỗi năm hàng trăm nghìn người bất chấp hành trình dài, đầy nguy hiểm, để tìm đường tới Mỹ. Theo thống kê của lực lượng hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ, năm 2021, các lực lượng chức năng của Mỹ đã bắt giữ khoảng 1,7 triệu người di cư trái phép từ biên giới phía nam. Cũng trong năm ngoái, Mexico đã ghi nhận hơn 300.000 trường hợp người di cư bất hợp pháp.

Ðáng chú ý, theo Bộ Nội vụ Mexico, số lượng trẻ em di cư trung chuyển qua nước này gia tăng đột biến. Các nhà chức trách Mexico cho biết, năm 2021 đã phát hiện gần 60.000 trẻ vị thành niên xuất phát từ các nước Trung Mỹ, di chuyển qua Mexico để tìm đường đến Mỹ, là con số cao nhất được ghi nhận trong 10 năm qua. Trong khi đó, theo số liệu do Cơ quan Tuần tra biên giới Mỹ công bố, số trẻ vị thành niên nhập cảnh qua biên giới phía nam nước Mỹ cao gấp 6 lần con số thống kê của Mexico.

Tổng thống Mexico Lopez Obrador cho rằng, dòng người di cư từ khu vực Mỹ Latin là hệ quả của những điều kiện khó khăn tại các nước trong khu vực. Tổng thống Mexico kêu gọi các nước châu Mỹ hợp tác để xử lý vấn đề này, đặc biệt kêu gọi Mỹ hỗ trợ các dự án tạo việc làm. Tổng thống Obrador nhiều lần hối thúc Mỹ triển khai kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trị giá 4 tỷ USD như đã cam kết tại khu vực Trung Mỹ và miền nam Mexico.

Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) hồi tháng 5 đã công bố một chương trình kinh tế-xã hội giúp mang lại vốn đầu tư hơn 250 triệu USD ở Ðông Nam Mexico nhằm giảm tình trạng di cư trong khu vực. Cuối năm 2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng đã công bố các cam kết đầu tư tư nhân mới vào khu vực Trung Mỹ trị giá 1,2 tỷ USD, trong đó có sự tham gia của các tập đoàn lớn như PepsiCo, Microsoft, Nespresso và Mastercard.

Lần thứ hai Mỹ đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao OAS, Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu tái gắn kết với các nước láng giềng khu vực phía nam, sau nhiều năm Mỹ và khu vực Mỹ Latin không có nhiều tương tác. Vấn đề người di cư được Tổng thống Biden khẳng định là một trong những ưu tiên của Nhà trắng ở khu vực Mỹ Latin. Mỹ tìm kiếm các cam kết từ các quốc gia trong khu vực, đồng thời tái khẳng định cam kết của Washington trong các chương trình thúc đẩy kinh tế-xã hội, nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề người di cư.