Trong một tuyên bố đưa ra ngày 18/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen cho biết, những liều vaccine này đã được chuyển tới hơn 150 quốc gia, trong khi số lượng tương đương cũng được EU phân phối cho công dân của khối.
EU bắt đầu xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 từ cuối năm ngoái, thời điểm thế giới bắt đầu triển khai tiêm phòng, trong bối cảnh các nhà sản xuất lớn khác như Mỹ tập trung xây dựng nguồn cung riêng và hạn chế xuất khẩu vaccine.
Tuy nhiên, điểm đến của các lô vaccine xuất khẩu từ EU chủ yếu là đến các nền kinh tế lớn, trong đó có Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh, những nước đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất vaccine đặt nhà máy ở EU.
Theo người đứng đầu EC, số lượng vaccine xuất khẩu hoặc quyên góp cho các nước nghèo hơn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng xuất khẩu, nhưng bà Von der Leyen cũng cho biết, khối này đang có kế hoạch phân phối ít nhất 500 triệu liều cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong những tháng tới.
Một nửa trong số này sẽ được cung cấp từ một hợp đồng mới mà EU ký với một nhà sản xuất vaccine Covid-19 công nghệ mRNA. Một nửa còn lại sẽ được quyên góp từ các quốc gia thành viên EU đã mua vaccine trước đó.
Khối này đã ký hợp đồng cung cấp với hai nhà sản xuất vaccine mRNA là Pfizer-BioNTech với tổng số lượng lên đến 2,4 tỷ liều cho đến năm 2023, cũng như với hãng Moderna với tổng 460 triệu liều.
Hiện EU cũng đã thiết lập một cơ chế kiểm soát xuất khẩu vaccine vào cuối tháng 1 vừa qua, cho phép khối này tạm dừng xuất khẩu trong trường hợp không đủ nguồn cung nội khối. Nhưng cơ chế này mới chỉ được kích hoạt một lần để tạm dừng lô hàng 250 nghìn liều vaccine AstraZeneca đến Australia vào tháng 3, khi xảy ra tranh chấp giữa EU với hãng dược này, liên quan đến nguồn cung cho khối.