Châu Âu tìm cách tự chủ về năng lượng

Cuộc xung đột tại Ukraine đang đặt các nước phương Tây, nhất là các quốc gia châu Âu, vào tình thế khó khăn khi họ muốn cấm vận kinh tế Nga, nhưng lại đang phụ thuộc lớn vào “bầu sữa năng lượng” của Moskva. Tự chủ và gia tăng nguồn cung đang là cách các nước phương Tây đi tìm lời giải cho bài toán năng lượng.

Cơ sở lưu trữ khí đốt WINGAS gần thị trấn Rehden, miền bắc nước Đức. (Ảnh: REUTERS)
Cơ sở lưu trữ khí đốt WINGAS gần thị trấn Rehden, miền bắc nước Đức. (Ảnh: REUTERS)

Tổng thống Nga V.Putin cuối tuần qua đã ban hành sắc lệnh quy định tất cả các hợp đồng cung cấp khí đốt với công ty của những quốc gia “không thân thiện” phải được thanh toán bằng đồng ruble. “Tối hậu thư” của ông Putin đã buộc các nước châu Âu phải chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản Nga cắt khí đốt. 

Theo đó, Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh vừa thông báo, Anh có thể xây dựng thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân như một phần của chiến lược mở rộng năng lượng trong nước. Anh sẽ công bố chiến lược an ninh năng lượng mới vào ngày 7/4 tới  và theo kế hoạch này, “xứ sở sương mù” dự kiến có từ 6-7 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2050.

Trong khi đó, Đức-quốc gia phụ thuộc rất lớn vào năng lượng của Nga-cũng đang nỗ lực tự chủ về năng lượng. Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck (R.Ha-bếch) vừa cho biết, Berlin đã sẵn sàng cho mọi khả năng và cân nhắc kỹ, thậm chí cả “những kịch bản khó xảy ra nhất”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo RP của Đức hôm 2/4, ông Habeck nêu rõ, hiện tại nguồn cung khí đốt vẫn tiếp tục được bảo đảm. 

Tuy nhiên, một “gói phục sinh” sẽ được đưa ra thảo luận tại nội các Đức vào tuần tới, bao gồm nhiều thay đổi về luật pháp để mở rộng nguồn năng lượng tái tạo. Về bản chất “gói phục sinh” là gói năng lượng tái tạo hướng tới sự độc lập và an ninh năng lượng cho Đức. 

Bộ trưởng Habeck tin tưởng vào mùa thu hoặc mùa đông tới, Đức sẽ sẵn sàng độc lập với nguồn cung cấp nguyên liệu thô của Nga. Trước đó, ông đã cảnh báo sớm trước khả năng Nga cắt nguồn cung khí đốt vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Cùng với việc Anh, Đức nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung và tự chủ năng lượng, các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ, đang tìm mọi cách để gia tăng nguồn cung dầu mỏ, khí đốt để giảm giá năng lượng đang gây ra “bão lạm phát” trên toàn cầu. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) vừa công bố quyết định xuất kho khoảng một triệu thùng dầu/ngày từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) trong 180 ngày, nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu. Động thái mới nhất của chính quyền Mỹ diễn ra sau các đợt giải phóng dự trữ dầu trước đó của SPR, bao gồm 30 triệu thùng hồi đầu tháng 3. 

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói rằng, những thùng dầu này sẽ đóng vai trò cầu nối cho tới khi Mỹ bổ sung sản lượng và các hoạt động sản xuất khác mà chính quyền mong đợi vào cuối năm nay.

Hưởng ứng động thái của Mỹ, hơn 30 nước trên khắp thế giới đã nhóm họp trong một hội nghị đặc biệt và nhất trí xuất kho thêm hàng chục triệu thùng dầu cho thị trường. 

Báo chí Mỹ cho biết, các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Vương quốc Anh cũng đã triển khai biện pháp giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược để góp phần bình ổn thị trường. 

Đến nay, biện pháp táo bạo này đã giúp hạ nhiệt thị trường dầu mỏ toàn cầu đang quá nóng và xoa dịu những đợt lạm phát nghiêm trọng gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ cũng như nhiều nước. 

Giới phân tích nhận định rằng, giải phóng kho dự trữ chính là “lời giải” cho sự thiếu hụt dầu từ Nga. Nhóm OPEC+ gồm 32 quốc gia sản xuất dầu mỏ do Saudi Arabia dẫn đầu, trong tháng 3 vừa qua, cũng đã thông qua biện pháp tăng sản lượng thêm 432.000 thùng dầu/ngày.