Theo Bộ Y tế Đức, chỉ riêng ngày thứ ba vừa qua, khoảng 436 nghìn người đã được tiêm phòng Covid-19, trong đó bao gồm 300 nghìn mũi tăng cường, con số cao nhất trong khoảng 3 tháng gần đây. Hàng dài người dân Đức xếp hàng chờ để được tiêm ngừa Covid-19 tại các trung tâm tiêm chủng trên khắp cả nước.
Người phát ngôn Chính phủ Đức, ông Steffen Seibert cho biết, đây là dấu hiệu cho thấy người dân Đức đã nhận thức được sự cần thiết phải tiêm phòng. Nhưng ông cũng nói thêm rằng tỷ lệ tiêm chủng tại nước này vẫn chưa đủ cao.
Đức và Áo hiện có tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 thấp nhất ở Tây Âu và cũng đang là tâm điểm của làn sóng lây nhiễm mới khi mùa đông đang đến gần. Hiện khoảng 65% dân số Áo được tiêm phòng đầy đủ trong khi con số này ở Đức cao hơn 1 chút, đạt 68%, xếp sau Hà Lan và các quốc gia khác như Italia và Tây Ban Nha, những nước vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều trong những làn sóng lây nhiễm đầu tiên.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ tư đã mô tả tình trạng lây nhiễm Covid-19 ở Đức là “rất nghiêm trọng”.
Đức ghi nhận 52.826 ca nhiễm mới trong ngày 17/11, tăng 1/3 so với 1 tuần trước và cũng đạt cột mốc kỷ lục mới. Trong ngày, có thêm 294 người không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 lên 98.274 ca.
Phát biểu tại hội nghị các thị trưởng thành phố của Đức, bà Merkel nhấn mạnh: “Vẫn còn chưa quá muộn để tiêm liều vaccine đầu tiên. Mọi người dân nên đi tiêm chủng để bảo vệ chính bản thân mình và những người chung quanh. Và khi chúng ta đạt đủ số lượng người được tiêm ngừa Covid-19, khi đó chúng ta sẽ vượt qua được đại dịch".
Bà Sabine Dittmar, chuyên gia y tế của Đảng Dân chủ Xã hội Đức cho biết, số người được tiêm mỗi ngày có thể lên đến 1,4 triệu người nếu tiêm chủng được tiến hành tại các công ty, tại nhà bởi các bác sĩ gia đình và thông qua tiêm chủng lưu động, cũng như tại các trung tâm tiêm chủng.
Hiện, tại nhiều địa phương của Đức bao gồm cả thủ đô Berlin, giới chức địa phương yêu cầu người dân xuất trình chứng nhận đã tiêm phòng hoặc đã khỏi Covid-19 để được tham dự các hoạt động giải trí trong không gian kín.
Bên cạnh đó, Đức cũng lên kế hoạch buộc người sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc lao động tại nơi làm việc phải có kết quả xét nghiệm âm tính, hoặc cung cấp chứng nhận đã hồi phục hoặc đã được tiêm chủng.
Trong khi đó, ở Áo, tỷ lệ tiêm vaccine cũng đã tăng mạnh lên khoảng trung bình 73 nghìn liều mỗi ngày trong tuần trước, so với chỉ khoảng 20 nghìn liều/ngày hồi tháng 10, mặc dù phần lớn trong số này là các mũi tiêm tăng cường chứ không phải liều đầu tiên.
Áo cũng đặt ra các hạn chế đối với khoảng 2 triệu người dân hiện vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ. Nước này hiện ghi nhận một trong những tỷ lệ lây nhiễm cao nhất châu Âu, với tỷ lệ mắc trong 7 ngày qua là 925 ca trên 100 nghìn dân, so với 320 ở Đức. Tổng số người chết vì đại dịch tại Áo đã lên đến 11.848 người.
Ở nước láng giềng Thụy Sĩ, dù không áp đặt các hạn chế đối với những người chưa được tiêm chủng, số người được tiêm trong đợt tiêm chủng mới được triển khai chỉ vào khoảng 35 nghìn người trong tuần trước.
Tại Cộng hòa Séc, Thủ tướng Andrej Babis cho biết, nước này sẽ áp dụng lệnh cấm những người chưa được tiêm chủng đến các sự kiện ở nơi công cộng cũng như sử dụng các dịch vụ công cộng bắt đầu từ ngày 22/11. Các giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính cũng sẽ không còn được công nhận.
Lệnh hạn chế mới này được ban hành sau khi số ca nhiễm mới ở Cộng hòa Séc tăng đột biến lên mức kỷ lục 22.479 vào thứ ba.
Slovakia cũng ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục vào thứ tư, trong khi Hungary và Ba Lan đều đạt cột mốc ca nhiễm cao nhất trong hơn 6 tháng, cho thấy tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp tại châu Âu.