Tuy nhiên, Bloomberg dẫn dữ liệu mới nhất cho thấy, lượng khí đốt dự trữ tại các cơ sở dưới lòng đất ở châu Âu lần đầu giảm vào giữa tháng 4 vừa qua, với mức giảm 1%. Hãng nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie dự báo, nếu dự án Dòng chảy phương Bắc bị đóng cửa hoàn toàn, Liên minh châu Âu (EU) không thể đạt mục tiêu tích lũy khí đốt; khí đốt dự trữ của châu Âu có thể cạn kiệt vào tháng 1/2023.
Ngày 19/6, Bộ Kinh tế Đức công bố sẽ áp dụng các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước sau khi nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh. Theo cơ quan nêu trên, để giảm lượng tiêu thụ khí đốt, phải sử dụng ít khí đốt hơn để tạo ra điện, trong trường hợp này, các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá sẽ được huy động. Hãng tin Đức DPA cho biết, Chính phủ Đức sẽ cấp hạn mức tín dụng bổ sung 15 tỷ euro cho việc mua khí đốt để lấp đầy các cơ sở lưu trữ. Mục tiêu là bảo đảm Đức có thể vượt qua mùa đông nếu nguồn cung của Nga ngừng hoàn toàn.
Trong khi đó, Italia tuyên bố vẫn đủ khả năng vượt qua mùa đông tới dù chưa chuẩn bị cho tình huống nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt đột ngột. Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho phép các công ty dầu mỏ ENI SpA (Italia) và Repsol SA (Tây Ban Nha) mua dầu thô của Venezuela, để giải quyết khoản nợ hàng tỷ USD chưa thanh toán. Thông qua việc cho phép Venezuela trả nợ bằng dầu, Mỹ kỳ vọng dầu thô của Venezuela có thể giúp châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga.
Ngày 18/6, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo tạm ngừng cấp khí đốt qua cả hai nhánh của tuyến đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, từ ngày 21 đến 28/6 vì lý do bảo trì thường kỳ. Tuyến đường ống chảy qua Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp khí đốt cho các nước ở Nam và Đông Âu. Trước đó, Gazprom cũng thông báo giảm nguồn cung khí đốt qua Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố, việc Nga giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu không phải được lên kế hoạch từ trước, mà do các vấn đề liên quan bảo trì ■