Châu Âu nặng gánh lạm phát

Lạm phát tăng cao đang trở thành gánh nặng đối với nhiều người dân châu Âu. Mặc dù chính phủ các nước liên tiếp triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, song sức tàn phá của "cơn bão giá" vẫn chưa có dấu hiệu dịu bớt.

Lạm phát leo thang ảnh hưởng cuộc sống của người dân tại châu Âu. (Ảnh: REUTERS)
Lạm phát leo thang ảnh hưởng cuộc sống của người dân tại châu Âu. (Ảnh: REUTERS)

Gánh nặng lạm phát đang ngày càng đè nặng lên vai doanh nghiệp và người dân châu Âu. Trả lời phỏng vấn Euronews, Marius, chủ một công ty xây dựng tại Litva chia sẻ, công ty của ông không chỉ đối mặt tình trạng giá nguyên, vật liệu tăng cao mà việc thuê người lao động cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều công nhân yêu cầu điều chỉnh lương hằng tuần căn cứ sự thay đổi của giá cả. Tại Đức, theo một cuộc khảo sát do Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) công bố mới đây, khoảng một nửa số đô thị ở Đức gặp khó khăn do giá năng lượng tăng. Chuyên gia kinh tế hàng đầu của KfW, Tiến sĩ Fritzi Koehler-Geib nhấn mạnh, đối với nhiều người dân, đây là một gánh nặng đáng kể.

Nền kinh tế Litva, Đức cùng nhiều nước châu Âu đang bị phủ bóng bởi tình trạng giá cả không ngừng leo thang thời gian qua. Litva là một trong những nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có tỷ lệ lạm phát hai con số, lên đến 16,6%. Trong khi đó, theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong tháng 4, tỷ lệ lạm phát của Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu, đã tăng 7,8% so cùng kỳ năm trước, chạm mức cao nhất trong 40 năm qua. Tại Khu vực đồng euro (Eurozone), tỷ lệ lạm phát 7,5% trong tháng 4 cũng xô đổ các kỷ lục trước đó.

Andrew Kenningham, nhà kinh tế tại Capital Economics, nhận định, lạm phát tăng cao khiến nhiều gia đình bị cuốn vào cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Những gia đình thu nhập thấp là đối tượng chịu tác động nặng nề hơn cả.

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), khoảng 40% số hộ gia đình tại nước này đang gặp khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn điện, ga và phải cắt giảm chi phí mua thực phẩm. Những người trong độ tuổi lao động chính (từ 30-49 tuổi) là nhóm đang thắt lưng buộc bụng nhiều nhất. Phần lớn số người tham gia khảo sát cho biết, họ phải vay tiền, cắt giảm chi tiêu và không đủ khả năng trả những khoản chi lớn bất thường.

Để hỗ trợ người dân vượt qua cơn bão giá, chính phủ các nước châu Âu đã tung ra nhiều gói hỗ trợ tài chính. Mới đây, Italia công bố gói kích thích mới trị giá 14 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp và người tiêu dùng trước tác động của giá năng lượng tăng cao. Trong khi đó, Chính phủ Đức vừa thông qua gói cứu trợ mở rộng trị giá 30 tỷ euro, trong đó có khoản trợ cấp năng lượng một lần cho người lao động. Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ô.Sôn) thừa nhận, tình trạng giá cả ngày càng leo thang đang tạo ra gánh nặng cho người dân. Do đó, việc thông qua gói cứu trợ mở rộng sẽ hỗ trợ những người gặp khó khăn, nhất là người có thu nhập thấp.

Ở cấp độ khu vực, lạm phát đang gây áp lực không nhỏ lên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) liên quan quyết định có tăng lãi suất, vốn đang được duy trì ở mức thấp kỷ lục hay không. Nâng lãi suất có thể kìm đà tăng của lạm phát, song cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực sự phục hồi của nền kinh tế EU, vốn đã suy yếu trong quý I/2022. Hơn nữa, giá năng lượng tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lạm phát phi mã tại châu Âu. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lạm phát tăng cao đến từ các yếu tố bên ngoài. Vì vậy, việc ECB tăng lãi suất có thể không mang đến nhiều tác dụng trong việc giảm sức ép của giá cả. ECB dự báo, lạm phát có thể tiếp tục tăng cao trong những tháng tới, do giá năng lượng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Lạm phát tăng cao không chỉ là gánh nặng đè trên vai nhiều người dân trong khu vực, mà còn là bài toán khó khiến các nhà lãnh đạo châu Âu trăn trở tìm lời giải. Việc cân bằng giữa hai mục tiêu giảm lạm phát và bảo đảm đà phục hồi kinh tế sẽ tiếp tục là thách thức lớn đối với khu vực này trong thời gian tới.