Nhìn lại năm 2022

Châu Âu đối phó mùa đông giá lạnh

Cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài nhiều tháng qua đẩy các nước châu Âu vào một mùa đông lạnh giá. Tuy nhiên, các nước thành viên Liên minh châu Âu đang nỗ lực tự chủ, thu hẹp bất đồng về chính sách năng lượng, khôi phục tinh thần đoàn kết vốn là niềm tự hào của khối.
0:00 / 0:00
0:00
Ðức xây dựng kho cảng LNG nổi đầu tiên ở cảng phía bắc Wilhelmshaven.
Ðức xây dựng kho cảng LNG nổi đầu tiên ở cảng phía bắc Wilhelmshaven.

Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine bắt đầu từ 10 tháng trước kéo theo nhiều biện pháp trừng phạt và trả đũa lẫn nhau giữa Moskva và phương Tây đã đẩy châu Âu lâm vào cuộc khủng hoảng năng lượng lịch sử. Vượt qua những bối rối và tranh cãi ban đầu, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra nhiều biện pháp khẩn cấp và từng bước vượt qua khủng hoảng.

Hành động để vượt qua khủng hoảng

Trong một thông điệp cuối năm gửi tới người dân Ðức, Thủ tướng Olaf Scholz kêu gọi người dân cùng chung tay để vượt qua khủng hoảng năng lượng. Ông nêu rõ Berlin đã chuẩn bị các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga, như xây dựng các cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) ở bờ biển phía bắc nước Ðức để nhập khẩu khí lỏng; tích cực triển khai các biện pháp tiết kiệm khí đốt; kéo dài hoạt động của các nhà máy điện than; nghiên cứu kéo dài hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân còn lại nếu cần thiết; cung cấp các gói hỗ trợ toàn diện cho người dân và doanh nghiệp. Ðức đã đạt mục tiêu dự trữ đủ lượng khí đốt cần thiết từ giữa tháng 10. Ðồng thời, Ðức khánh thành kho cảng LNG nổi đầu tiên ở cảng phía bắc Wilhelmshaven, được coi là một bước đi quan trọng để bù đắp một số lượng hàng nhập khẩu thiếu hụt từ Nga.

Chính phủ Ðức dự kiến áp đặt giá trần khí đốt từ tháng 1/2023, sớm hơn hai tháng so với kế hoạch ban đầu. Trang tin Spiegel dẫn nguồn tin từ chính phủ Ðức, người tiêu dùng sẽ được mua khí đốt với mức giá bằng mức giá trần trong tháng 1 và 2/2023. Như vậy, các hộ gia đình và các công ty nhỏ sẽ được hưởng lợi từ giá trần trong cả năm 2023 cho đến cuối tháng 4/2024. Ngân sách chi cho biện pháp này được lấy từ chương trình "lá chắn phòng thủ" trị giá 200 tỷ euro của Chính phủ nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng.

Dù phải tuyên bố "tình trạng nguy hiểm" vì khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột ở Ukraine từ hồi tháng bảy, Hungary đã thông qua kế hoạch 7 điểm nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này. Theo đó, chính phủ tăng sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước từ mức 1,5 tỷ m3 hiện nay lên mức 2 tỷ m3, đồng thời tìm kiếm thêm các nguồn khí đốt khác. Hungary cũng áp đặt lệnh cấm xuất khẩu các nguồn năng lượng như củi và thúc đẩy khai thác than nâu (than non) trong nước. Quốc gia Trung Âu này dự kiến sẽ khởi động lại một nhà máy điện tại Matra và mở rộng hoạt động tại nhà máy điện nguyên tử Paks gần Budapest.

Trong khi đó, tại Pháp, Thủ tướng Elisabeth Borne bày tỏ tin tưởng nước này có thể vượt qua mùa đông giá lạnh mà không cần phải cắt điện nếu cả nước cùng thực hiện nỗ lực chung nhằm tiết kiệm năng lượng. Chính phủ Pháp đã soạn thảo dự luật nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính cấp phép xây các nhà máy hạt nhân mới, với mục tiêu tăng gấp đôi số nhà máy năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo tại nước này.

Một thành viên EU khác là Bỉ cũng đưa ra nhiều biện pháp cấp bách ứng phó khủng hoảng năng lượng và sự bùng nổ của các hóa đơn hộ gia đình và doanh nghiệp. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thông báo, Chính phủ quyết định duy trì thuế xã hội và thuế VAT ở mức 6% đối với điện và khí đốt cho đến cuối tháng 3/2023. Việc giảm thuế VAT 6% trong lĩnh vực xây dựng và hỗ trợ đầu tư vào các tấm pin mặt trời, lò hơi và máy bơm nhiệt cũng được gia hạn cho đến cuối năm sau. Liên quan lợi nhuận siêu ngạch của các nhà sản xuất điện ước tính từ 750 đến 838 triệu euro, chính phủ sẽ nỗ lực để dành khoản này cho các công ty khác trong lĩnh vực năng lượng đang tạo ra lợi nhuận rất cao.

Thực tế cho thấy, dù đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng bằng những cách khác nhau, nhưng các thành viên trong "đại gia đình EU" đã cùng đi đến đích chung là từng bước tự chủ nguồn cung nhằm vượt qua khủng hoảng năng lượng.

Thu hẹp bất đồng và chuyển đổi xanh

Những ngày cuối năm 2022, các nước thành viên EU tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao con thoi nhằm hẹp bất đồng về chính sách năng lượng. Trong cuộc họp vào trung tuần tháng 12 do Séc (nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU) chủ trì, các bộ trưởng EU đã đồng ý về việc mua chung khí đốt và đẩy nhanh tiến trình cấp phép cho hoạt động lắp đặt năng lượng tái tạo nhằm giảm tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Tuy nhiên, việc thông qua các biện pháp này còn phụ thuộc vào việc giải quyết mức trần giá khí đốt. Hồi tháng 11, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất mức giá trần 275 euro/megawatt giờ (MWh) sẽ được áp dụng, nhưng chỉ được kích hoạt nếu giới hạn này bị vượt qua liên tục trong vòng ít nhất hai tuần, đồng thời giá khí tự nhiên hóa lỏng tăng hơn 58 euro trong 10 ngày trong cùng thời gian đó.

Ngoài ra, để chung tay ứng phó khủng hoảng năng lượng, EU kêu gọi thiết lập cơ chế vay chung của 27 nước thành viên. Ủy viên EU phụ trách vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni và Ủy viên EU phụ trách vấn đề công nghiệp Thierry Breton khẳng định khoản vay mới này có thể dựa trên mô hình nợ chung trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ việc làm. Hai quan chức này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh để thị trường nội khối bị chia rẽ, khi tạo ra cuộc đua về các gói hỗ trợ, cũng như gây hoài nghi về các nguyên tắc đoàn kết và thống nhất, vốn là nền tảng trong dự án của EU. Theo ông Gentiloni, các nước EU có quyền đưa ra các biện pháp ở cấp quốc gia để củng cố nền kinh tế, song cũng cần tăng cường đoàn kết để tránh gây chia rẽ. Các đề xuất nêu trên được đưa ra trong bối cảnh Ðức công bố gói hỗ trợ trị giá 200 tỷ euro cho các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của giá năng lượng tăng vọt. Mức hỗ trợ của Ðức cao hơn nhiều so với mức hỗ trợ 67-68 tỷ euro của Pháp và Italia, khiến một số nước thành viên EU quan ngại sẽ gây ảnh hưởng đến tính cạnh tranh công bằng ở thị trường chung.

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu cho thấy, dù bất đồng song các nước thành viên EU đều hướng tới mục tiêu tìm tiếng nói chung và duy trì đoàn kết-yếu tố then chốt bảo đảm cho liên minh vững mạnh. Một tín hiệu tích cực là cuộc khủng hoảng năng lượng đã thúc đẩy khu vực đẩy nhanh triến trình chuyển đổi xanh và tiết kiệm năng lượng. Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic cho biết, điều này là cần thiết để các tập đoàn công nghiệp không chuyển sản xuất ra khỏi châu Âu. Theo ông Sefcovic, đối với việc giá năng lượng ngày càng tăng, điều quan trọng là phải tránh cuộc khủng hoảng năng lượng dẫn đến việc phi công nghiệp hóa và dịch chuyển các nhà máy công nghiệp khỏi châu Âu. Phó Chủ tịch EC cho biết quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh cần được xem xét nhiều hơn về mặt địa chính trị. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu các nguyên liệu cần thiết phục vụ chuyển đổi xanh thậm chí còn khắc nghiệt hơn sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, bởi trong một số trường hợp, sự phụ thuộc lên đến 99%.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đang góp phần đẩy nhanh việc triển khai sử dụng năng lượng tái tạo, mở ra hy vọng cho những nỗ lực nhằm đạt các mục tiêu tham vọng về khí hậu toàn cầu. Báo cáo của IEA nhận định tổng công suất năng lượng tái tạo toàn thế giới sẽ tăng gần gấp đôi trong 5 năm tới và vượt qua than đá để trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất vào năm 2025. IEA dự báo công suất năng lượng tái tạo bổ sung tại châu Âu trong giai đoạn 2022-2027 sẽ cao gấp đôi công suất bổ sung trong 5 năm trước. Các nước thành viên EU có thể triển khai năng lượng gió và mặt trời nhanh hơn nếu đẩy nhanh việc hợp thức hóa quy trình cấp phép. IEA nhận định đây là thí dụ rõ ràng cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể trở thành một bước ngoặt lịch sử để hướng tới một tương lai năng lượng sạch hơn, bền vững hơn.

Thực tế cho thấy EU đang từng bước giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Theo một thỏa thuận chính trị đạt được giữa tháng 12, EU sẽ huy động thêm 20 tỷ euro từ thị trường carbon để giúp tài trợ cho kế hoạch này. Các nhà đàm phán của các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu đã nhất trí 60% kinh phí nêu trên được huy động từ Quỹ Ðổi mới EU - một nguồn thu của thị trường carbon hiện được chi cho các công nghệ "xanh" mang tính đột phá. Trong khi đó, 40% còn lại sẽ được huy động từ việc bán giấy phép phát thải CO2 được cấp trước khi kế hoạch được triển khai. Ðây là trọng tâm trong mục tiêu của EU nhằm đến năm 2030 giảm 55% lượng khí thải ròng gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990 ■