Châu Á đang dẫn đầu thế giới về số ca mắc mới Covid-19 theo ngày

NDO -

Theo số liệu cập nhật đến 9 giờ, sáng 8/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 185.821.773 ca mắc và 4.017.198 ca tử vong do Covid-19. Khu vực châu Á đang dẫn đầu thế giới về số ca mắc mới Covid-19 theo ngày. Trong đó, đáng chú ý, Indonesia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc theo ngày, chỉ sau Brazil và Ấn Độ.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 10/5/2021. (Ảnh: Xinhua)
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 10/5/2021. (Ảnh: Xinhua)

Cụ thể, trong một ngày qua, thế giới ghi nhận thêm tổng cộng 453.878 ca mắc và 8.269 ca tử vong do Covid-19. Trong đó, khu vực châu Á chiếm tới hơn một phần ba số ca mắc và tử vong mới do Covid-19 trong một ngày qua với 172.336 ca mắc và 3.001 ca tử vong.

Brazil dẫn đầu thế giới về số ca mắc mới theo ngày với 54.022 ca, theo sau là: Ấn Độ (45.674 ca), Indonesia (34.379 ca), Anh (32.548 ca), Colombia (24.229 ca), Nga (23.962 ca), Nam Phi (21.427 ca),…

Về số ca tử vong theo ngày, Brazil (1.595 ca), Indonesia (1.040 ca), Ấn Độ (817 ca), Nga (725 ca) là các quốc gia ghi nhận nhiều nhất trên thế giới.

Tại khu vực Đông Nam Á, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Indonesia ngày 7/7 ghi nhận thêm 1.040 ca tử vong, cao hơn 300 ca so với ngày 6/7 và gần gấp đôi so với hai ngày trước đó. Đây là số ca tử vong trong vòng một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này vào tháng 3/2020.

Trong khi đó, số ca mắc mới theo ngày cũng ở mức cao kỷ lục với 34.379 ca, ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới tại Indonesia vượt mức 30.000 ca/ngày.

Trước bối cảnh làn sóng dịch bệnh thứ hai diễn biến phức tạp, Indonesia đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại 43 thành phố, và quận, huyện, bên ngoài đảo Java và Bali.

Tổng thống Joko Widodo tuyên bố, nếu các cơ sở y tế tại những khu vực trên bị quá tải vì dịch bệnh, các biện pháp hạn chế mới được áp đặt sẽ được nâng cấp lên "khẩn cấp" như đang được áp dụng hiện nay tại hai đảo Java và Bali.

Cũng trong ngày 7/7, Campuchia ghi nhận 981 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh kể từ đầu mùa dịch đến nay lên 57.103 ca. Đây là mức tăng gần gấp đôi con số khoảng 500 ca/ngày trong hai lần bùng dịch trước “sự cố cộng đồng ngày 20/2” vừa qua.

Lào cũng lo ngại nguy cơ xâm nhập của biến thể Delta từ người nhập cảnh bất hợp pháp. Bộ Y tế Lào cho biết, số ca mắc Covid-19 là lao động nước này trở về từ Thái Lan tiếp tục tăng cao trong bối cảnh quốc gia láng giềng này đang ghi nhận diễn biến dịch phức tạp với sự lây lan nhanh của các biến thể mới nguy hiểm hơn. Ngày 7/7, Lào ghi nhận 44 ca mắc mới, trong đó 42 ca là người lao động trở về từ Thái Lan được cách ly ngay và chỉ có hai ca cộng đồng tại tỉnh Vientiane.

Thái Lan cho biết, số bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng ở nước này đang gia tăng trong bối cảnh biến thể Delta lây lan ra nhiều tỉnh và được cho là sớm vượt qua biến thể Alpha để trở thành biển thể gây lây nhiễm chính. Trong ngày 7/7, nước này ghi nhận thêm 6.519 ca mới và 54 ca tử vong. Thủ đô Bangkok là địa phương có số ca mắc mới và số ca tử vong cao nhất nước, với 1.549 ca mắc mới và 30 ca tử vong.

Malaysia, Philippines, Myanmar cũng là các quốc gia trong khu vực ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 trong một ngày qua ở mức cao, với lần lượt 7.097 ca, 4.289 ca và 3.947 ca.

Ngày 7/7 cũng chứng kiến số ca mắc kỷ lục tại Cuba và Hàn Quốc kể từ khi bùng phát dịch. Cuba ghi nhận thêm 3.664 ca mắc mới và 18 ca tử vong do Covid-19 trong ngày. Phần lớn số ca mắc mới ở Cuba là ca lây nhiễm cộng đồng.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) của nước này công bố thêm 1.275 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất từ trước đến nay. Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cảnh báo, làn sóng lây nhiễm thứ tư đang lây lan nhanh, đặc biệt ở những người từ 20-30 tuổi chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, trong khi số ca nhiễm biến thể Delta cũng đang gia tăng đáng lo ngại.

Còn tại Nhật Bản, số ca mắc mới Covid-19 ở thủ đô Tokyo cũng đang tăng nhanh, với 920 ca mắc mới trong ngày 7/7. Chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm tại các địa phương khác, dự kiến kéo dài đến 22/8.

Bộ Y tế Bỉ đã cho phép tiêm vaccine phòng Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi, trên cơ sở tự nguyện và được sự cho phép của bố mẹ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ em và thanh thiếu niên thường mắc Covid-19 nhẹ hơn so với người lớn. Do đó, việc tiêm phòng cho nhóm đối tượng này không cấp bách bằng người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính hay hộ lý. Tuy nhiên, tiêm chủng cho thanh thiếu niên giúp tăng tỷ lệ bao phủ và bảo vệ người dân.

Trong khi đó, ngày 7/7, Bộ trưởng Y tế Brazil Marcolo Queiroga bày tỏ lo ngại trước tình trạng hơn 3,5 triệu người dân nước này không tới các điểm tiêm chủng theo lịch hẹn để được tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 thứ hai, cho rằng hành động này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới chiến lược miễn dịch cộng đồng.

Theo thống kê chính thức, 37% dân số Brazil đã được tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 đầu tiên nhưng mới chỉ có 13% hoàn tất mũi thứ hai. Chính phủ Brazil dự kiến hoàn thành kế hoạch tiêm chủng cho tất cả người dân ít nhất một mũi vaccine phòng Covid-19 vào tháng 9 và kết thúc mũi thứ hai vào cuối năm nay.

Trong khi đó, Ấn Độ dự kiến sẽ nhận được những liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên do nước ngoài sản xuất thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, với 3-4 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna có thể sẽ được chuyển đến quốc gia Nam Á này từ nay đến tháng 8 tới.

Là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Ấn Độ ban đầu đóng vai trò là nguồn cung chính cho COVAX, song đã buộc phải tạm dừng xuất khẩu vào tháng 4 năm nay do làn sóng lây nhiễm thứ hai, sau khi đã bán hoặc tặng 66 triệu liều.

Dưới đây là thống kê cụ thể về số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại một số khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới theo Worldometers, tính đến 9 giờ, sáng 8/7 (giờ Việt Nam).

Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

  1. Mỹ: 34.643.138 ca mắc, 621.863 ca tử vong
  2. Ấn Độ: 30.708.570 ca mắc, 405.057 ca tử vong
  3. Brazil: 18.909.037 ca mắc, 528.611 ca tử vong
  4. Pháp: 5.794.665 ca mắc, 111.259 ca tử vong
  5. Nga: 5.682.634 ca mắc, 140.041 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia Đông Nam Á:

  1. Indonesia: 2.379.397 ca mắc, 62.908 ca tử vong
  2. Philippines: 1.450.110 ca mắc, 25.459 ca tử vong
  3. Malaysia: 799.790 ca mắc, 5.768 ca tử vong
  4. Thái Lan: 301.172 ca mắc, 2.387 ca tử vong
  5. Myanmar: 175.923 ca mắc, 3.570 ca tử vong
  6. Singapore: 62.652 ca mắc, 36 ca tử vong
  7. Campuchia: 57.103 ca mắc, 798 ca tử vong
  8. Việt Nam: 23.071 ca mắc, 102 ca tử vong
  9. Timor-Leste: 9.594 ca mắc, 25 ca tử vong
  10. Lào: 2.400 ca mắc, 03 ca tử vong
  11. Brunei: 266 ca mắc, 03 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:

  1. Châu Á: 56.915.836 ca mắc, 809.153 ca tử vong
  2. Châu Âu: 48.529.055 ca mắc, 1.109.349 ca tử vong
  3. Bắc Mỹ: 40.823.092 ca mắc, 922.130 tử vong
  4. Nam Mỹ: 33.648.178 ca mắc, 1.026.124 ca tử vong
  5. Châu Phi: 5.826.407 ca mắc, 149.120 ca tử vong
  6. Châu Đại Dương: 78.484 ca mắc, 1.307 ca tử vong