Chấp nhận bấp bênh vì Covid-19, ngành du lịch bảo đảm an toàn cho du khách dịp Tết Nguyên đán

NDO -

Dịch Covid-19 tái bùng phát những ngày cận Tết Tân Sửu khiến các địa phương trên cả nước bị giảm mạnh lượng du khách trong đợt nghỉ Tết do tâm lý lo ngại dịch bệnh. Mặc dù vậy, các địa phương vẫn nỗ lực chủ động phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho du khách ở mức cao nhất và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho ngành du lịch. 

Du khách vẫn lựa chọn nghỉ Tết tại khu vực phía nam không có dịch.
Du khách vẫn lựa chọn nghỉ Tết tại khu vực phía nam không có dịch.

Du lịch phía bắc trầm lắng

Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa hôm 1-2 thông tin, ngay trước đợt nghỉ Tết Nguyên đán, số khách hủy, hoãn đặt phòng tại các khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn thị xã vào khoảng 50% trong số 70.000 khách dự định đến Sa Pa dịp nghỉ Tết. Trong đó, chủ yếu là các khách đoàn hủy tour, và các khách ở vùng dịch đã đặt phòng trước khi xảy ra dịch bệnh.

Chị Hà Linh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình chị lên kế hoạch thăm quan Sapa vào ngày mùng 2,3,4 Tết Nguyên đán. Tại thời điểm đặt phòng hôm 25-1, gia đình chị chỉ đặt được một phòng nghỉ cho một đêm mùng 2 Tết tại khu nghỉ dưỡng Topas Eco Lodge, và dự định chuyển sang một khách sạn trong thành phố cho các đêm nghỉ còn lại ở Sa Pa.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 tái bùng phát làm nhiều khách hoãn, hủy đặt phòng trong dịp Tết, khiến khu nghỉ dưỡng còn nhiều phòng trống. Vì vậy gia đình chị đã ở lại Topas Eco Lodge cả dịp nghỉ Tết ở Sapa với mức giá ưu đãi giảm 50% so với giá ngày thường. Theo chị Hà Linh, dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, dù các biện pháp phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt, nhưng các khu nghỉ dưỡng vắng ở Sapa đều khá vắng, chủ yếu chỉ có một số khách ở Hà Nội đi theo nhóm nhỏ, gia đình bằng xe cá nhân như gia đình chị.

Chấp nhận bấp bênh vì Covid-19, ngành du lịch bảo đảm an toàn cho du khách dịp Tết Nguyên đán -0
Hoạt động du lịch tại Hà Giang vẫn khả quan hơn so với nhiều địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu (Ảnh: dongvangeopark.com)

Tại Hà Giang, báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, lượng khách du lịch đến địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu (từ ngày 10-02-16-02-2021) ước đạt 12.000 lượt, khách lưu trú chiếm 30%, giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 12 tỷ đồng.

Khách tới Hà Giang du lịch trong dịp này chủ yếu đi theo hình thức tự túc, sử dụng phương tiện cá nhân như ô-tô, xe máy để đề phòng lây nhiễm dịch bệnh. Loại hình du lịch được du khách ưa thích là du lịch tâm linh, thăm thân, khám phá các khu điểm du lịch, danh lam thắng cảnh đẹp tại Thành phố Hà Giang (Km0), Vị Xuyên và các huyện thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Sở VHTTDL Hà Giang đánh giá, dù lượng khách giảm mạnh so với mọi năm, nhưng so với tình hình hoạt động chung của cả nước thì các hoạt động du lịch tại Hà Giang vẫn khả quan hơn. Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang đã tiến hành triển khai tới các thành viên của Hiệp hội tiếp tục thực hiện Chương trình kích cầu du lịch đợt 2, giảm giá dịch vụ từ 10-20%. Đồng thời tăng cường thời gian phục vụ trong các ngày Tết Nguyên đán. Nhờ đó đã có 380 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại Hà Giang mở cửa phục vụ khách trong suốt dịp Tết Nguyên đán 2021. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đều tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Tại Quảng Bình, báo cáo ngày 18-2 của Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu (từ ngày 10-02 đến ngày 16-02-2021), tổng số lượt khách đến với Quảng Bình ước đạt 25.000 lượt khách, giảm khoảng 75% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Quảng Bình đón lượng khách quốc tế ước đạt 200 lượt, giảm khoảng 96%, tất cả đều người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, du khách vẫn ưa chuộng các điểm đến nổi tiếng như động Phong Nha, động Thiên Đường, Chùa Hoằng Phúc, Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, núi Thần Đinh, hang Tám Thanh niên xung phong... Khách đến các điểm tham quan trong dịp Tết chủ yếu là khách nội tỉnh và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị... Khách lẻ chiếm chủ yếu và đi đường bộ bằng phương tiện cá nhân.

Giống như các địa phương, khách tới TP Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay cũng là khách lẻ, đi theo nhóm gia đình và tự túc. Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, thống kê cho thấy, từ ngày 10-2 (từ 29 Tết) đến 16-2 (mùng 5 Tết), tổng số khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 30,8 nghìn lượt khách, trong đó chủ yếu là khách nội địa.

Thời tiết tương đối thuận lợi nên đa số khách lựa chọn tham quan trong ngày tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng. Có thể kể tới Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn đón hơn 5,1 nghìn lượt khách, Sun World Bà Nà Hills đón hơn 6,5 nghìn lượt khách, Sun World Danang Wonders đón hơn 30 nghìn lượt khách, bán đảo Sơn Trà đón hơn 8 nghìn lượt khách, Công viên nước Mikazuki Water Park 365 đón hơn 1,1 nghìn lượt.

Du lịch phía nam sôi động hơn

Trái với không khí trầm lắng tại các điểm du lịch phía bắc và miền trung, du lịch tại một số tỉnh phía nam có phần sôi động hơn.

Trong khi du khách phía nam phải hủy nhiều tour tuyến tại các điểm như Sapa, Quảng Ninh, Ninh Bình do những lo ngại trước bệnh dịch tái bùng phát, nhiều du khách vẫn lựa chọn các điểm đến phía nam an toàn như Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Quốc, Cần Thơ.

Gia đình anh Nguyễn Nam sống tại TP Hồ Chí Minh vẫn quyết định tận hưởng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Phú Quốc từ ngày mùng 2 đến sáng mùng 5 Tết. Anh Nam chia sẻ, mặc dù có chút lo ngại dịch bệnh nhưng Phú Quốc chưa có dịch, cả năm chỉ có Tết là dịp trẻ con được nghỉ dài cùng bố mẹ nên gia đình anh vẫn lựa chọn đi du lịch trong dịp này. “Phú Quốc chưa có dịch, khách sạn cũng bố trí phòng, bàn ăn bảo đảm giãn cách, các điểm vui chơi vắng vẻ nên gia đình mình vẫn có kỳ nghỉ Tết an toàn”, anh Nam nói.

Chấp nhận bấp bênh vì Covid-19, ngành du lịch bảo đảm an toàn cho du khách dịp Tết Nguyên đán -0
Dịp Tết Nguyên đán, Kiên Giang đón lượng khách giảm 57,4% so với cùng kỳ năm ngoái

Báo cáo của Sở Du lịch Kiên Giang ngày 18-2 cho biết, từ ngày 10-2 (29 Tết) đến 15-2 (mùng 4 Tết), Kiên Giang đón 130.535 lượt khách tới du lịch trên địa bàn tỉnh, giảm 57,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế là 4.759 lượt (giảm 81,5% so với cùng kỳ, đều là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam). Các điểm lưu trú đón 25.415 lượt, giảm 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Doanh thu du lịch trong dịp Tết Nguyên đán đạt 85,6 tỷ đồng, giảm 64,3% so với cùng kỳ.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, chủ một khu nghỉ dưỡng cho hay, trước Tết, khi dịch Covid-19 bùng phát, khách ồ ạt hủy dịch vụ đã đặt. Nhưng từ mùng 2 Tết trở đi, lượng khách tăng trở lại, đặc biệt mùng 3 và 4 Tết, các phòng tại khu nghỉ dưỡng này phục vụ hết công suất.

Riêng tại khu du lịch sinh thái Minera Bình Châu, trong năm ngày Tết, công suất phòng trung bình đạt hơn 80%, riêng ngày mùng 3 và 4, công suất hoạt động tại đây đạt 100%. Du khách tới các điểm tham quan, nghỉ dưỡng tại Bà Rịa- Vũng Tàu chủ yếu là khách địa phương và các tỉnh lân cận, đi theo nhóm nhỏ gia đình bằng phương tiện cá nhân. Khách chuộng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn ven biển như Oceanami Villas & Beach Club (huyện Đất Đỏ); The Grand Ho Tram Resort & Casino, Carmelina Beach Resort, Hương Phong - Hồ Cốc Beach Resort (huyện Xuyên Mộc); Imperial, Green, Pullman, Marina Bay Vung Tau Resort (TP Vũng Tàu).

Sở VHTTDL Cần Thơ cho hay, trong dịp Tết Nguyên đán 2021, Cần Thơ đón và phục vụ 230.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú ước đạt 25.000 lượt, doanh thu từ khách du lịch ước đạt 32 tỷ đồng.

Công tác đón và phục vụ khách du lịch diễn ra tốt, bảo đảm an ninh an toàn. Các cơ sở lưu trú đảm bảo cơ sở vật chất, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Các doanh nghiệp lữ hành vẫn vượt khó, tổ chức nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá tour, giảm giá vé máy bay, chương trình khuyến mại, tặng quà… cho du khách.

Là trung tâm du lịch của miền Tây, nổi tiếng với những sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng biệt như chợ nổi Cái Răng, nhà cổ Bình Thủy, bến Ninh Kiều, làng du lịch Mỹ Khánh, vườn cò Bằng Lăng, miệt vườn trái cây…, cùng với quyết tâm chủ động phòng, chống dịch, du lịch Cần Thơ được kỳ vọng sẽ sớm lấy lại đà phát triển, đóng góp vào kinh tế - xã hội của địa phương.