“Phao cứu sinh” cho học sinh, sinh viên nghèo
Ông Nguyễn Văn Thân là thương, bệnh binh ở xóm Thọ Phú, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu. Từ năm 2009 đến năm 2012, 4 con trai của ông liên tiếp đậu vào các trường đại học, trong đó 3 con đậu vào Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, một con Đại học Nha Trang. Gia đình ông Thân làm nghề nông, thu nhập bấp bênh, rất khó khăn để các con bước vào cổng trường đại học. Được chương trình tín dụng học sinh, sinh viên do Ngân hàng chính sách xã hội Nghệ An cho vay vốn, gia đình ông đã đỡ được gánh nặng về tài chính để các con thực hiện ước mơ. Hiện nay, các con ông Thân đã tốt nghiệp đại học, có việc làm thu nhập ổn định, giúp gia đình trả món nợ hơn 100 triệu đồng đúng thời hạn đã vay của Ngân hàng chính sách xã hội.
Gia đình bà Hồ Thị Thanh Vân, xóm 2, xã Quỳnh Đôi có hai người con đậu đại học. Bà Vân là giáo viên nhưng bệnh tật ốm yếu, chồng không có việc làm ổn định. Năm 2018 con trai đậu Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, tiếp theo, cô con gái thi đậu Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhờ có chính sách tín dụng ưu đãi cho vay học sinh, sinh viên dư nợ đến nay 47,5 triệu đồng đã giúp các con của bà Vân thực hiện ước mơ của mình.
Hay như gia đình diêm dân Nguyễn Văn Đồng, xóm Tân Thịnh, xã An Hòa (Quỳnh Lưu) cũng hết sức khó khăn. Năm 2015, cùng một lúc hai con trai sinh đôi của ông thi đậu vào các trường đại học ở Hà Nội và Đà Nẵng. Nhờ chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên đã giúp 2 con của gia đình diêm dân nghèo khó ăn học thành tài, nay đã có việc làm thu nhập ổn định giúp gia đình ông trả trước hạn hai năm nợ vay ngân hàng. Ông Đồng xúc động nói: “Nếu không có nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội thì gia đình tui cùng với hàng chục gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xóm Tân Thịnh khó lòng nuôi được các cháu học hết đại học”.
Chị Vũ Thị Thanh, làm nông ở thôn 2, xã Quỳnh Hoa, là mẹ đơn thân của 3 con. Năm 2008 con đầu của chị thi đậu trường Cao đẳng Y khoa Nghệ An, năm 2010, 2012, hai con tiếp theo thi đậu vào Đại học Kinh tế Nghệ An, Đại học Thủy sản Nha Trang. Thu nhập từ việc ruộng, chăn nuôi của chị cộng với tín dụng vay ưu đãi từ chương trình học sinh, sinh viên của Ngân hàng chính sách xã hội đã giúp các con chị tốt nghiệp ra trường.
Khi hỏi chuyện, chị Thanh rưng rưng: “Với tổng số tiền được vay cho ba con ăn học 90 triệu đồng, hiện còn món vay 37 triệu đồng cho con thứ ba đã được gia hạn, do cháu mới ra trường đi làm thì xảy ra dịch Covid-19, thu nhập không ổn định. Gia đình tôi rất biết ơn chính sách của Ngân hàng chính sách xã hội!”.
Quỳnh Lưu là huyện có truyền thống hiếu học bao đời nay, trong những năm qua chương trình tín dụng học sinh, sinh viên của Ngân hàng chính sách xã hội đã giúp nhiều gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn chắp cánh ước mơ cho hàng nghìn con em của mình vượt qua khó khăn, thực hiện ước vọng của tuổi trẻ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và đất nước.
Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Quý Thái cho biết, Quỳnh Lưu là một trong những huyện có dư nợ chương trình tín dụng học sinh, sinh viên cao tại tỉnh Nghệ An. Phong trào học tập đã lan tỏa khắp toàn huyện, từ miền núi đến vùng nghèo bãi ngang ven biển. Dù địa bàn rộng, nhưng Ngân hàng chính sách xã hội huyện vẫn hoàn thành tốt khối lượng công việc lớn với hàng trăm nghìn món vay. Trong đó, đã chuyển tải nguồn tín dụng chính sách đến với những gia đình nghèo, hiếu học.
Chỉ tính doanh số vay cho riêng chương trình học sinh, sinh viên từ năm 2015 đến nay mà Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quỳnh Lưu đã thực hiện là 36.510 triệu đồng cho 2.525 học sinh. Năm 2015 số tiền cho vay đạt cao nhất, là 17.845 triệu đồng cho 2.087 học sinh được vay vốn. Vốn vay đã giải quyết cho các hộ gia đình có đủ chi phí cho con được học tập đầy đủ và ra trường cơ bản có việc làm ổn định.
Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ
Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Vinh cho biết, thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, tính đến hết tháng 9/2021, chi nhánh đã giải ngân 4.425 tỷ đồng với 480.044 học sinh, sinh viên được vay vốn. Hầu hết số học sinh, sinh viên sau khi ra trường đã cùng với gia đình trả nợ vốn vay theo đúng cam kết. Tính đến nay doanh số thu nợ đạt 4.110 tỷ đồng (tỷ lệ thu hồi 92,9%).
Để đạt được kết quả tốt chương trình này, các sở, ban, ngành, UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường kiểm tra công tác bình xét cho vay học sinh, sinh viên theo đúng quy trình. Bên cạnh đó, Ngân hàng chính sách xã hội Nghệ An còn phối hợp các trường, cơ sở đào tạo, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc giám sát, quản lý sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng. Ngân hàng cũng thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, duy trì lịch giao dịch, tổ chức giao dịch cố định hàng tháng tại xã, phường, thị trấn để thu hồi nợ, xử lý nợ đến hạn theo quy định, cải tiến hồ sơ, thủ tục vay vốn bảo đảm thuận lợi, nhanh chóng, chính xác cho các đối tượng được thụ hưởng.
Những năm qua, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, nhất là cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tốt hơn để theo học đại học, cao đẳng, trung cấp và học nghề. Nhờ nguồn vốn vay được triển khai kịp thời mà nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Nghệ An được chia sẻ, giảm bớt gánh nặng vào mỗi đầu năm học mới. Thông qua đó, khuyến khích phong trào hiếu học, lập nghiệp cho giới trẻ và giúp các em có cơ hội tạo việc làm ổn định trong tương lai.
Tính đến ngày 28/10/2021, Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh Nghệ An đã được bổ sung 756,3 tỷ đồng (trong đó: Ngân sách địa phương 30,1 tỷ đồng; nguồn vốn Trung ương 726,2 tỷ đồng). Tổng nguồn vốn đạt 9.672 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 7,16%. Doanh số cho vay 9 tháng đầu năm hơn 2.433 tỷ đồng với 56.891 lượt hộ vay vốn, trong đó chủ yếu tập trung vào các hộ mới thoát nghèo, cận nghèo, hỗ trợ tạo việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.