Ma Cường, nghệ sĩ của quê hương Việt Bắc

Ma Cường, nghệ sĩ của quê hương Việt Bắc

Là người con của vùng đất Võ Nhai, Thái Nguyên, theo cách mạng từ năm 16 tuổi, tuy đảm nhiệm các công việc khác nhau: dạy bình dân học vụ, làm thư ký xã đội, cán bộ văn phòng, cán bộ tổ chức, v.v. nhưng nghệ sĩ Ma Cường chưa bao giờ hình dung và biết đến một ngành nghề cao quý, đầy thú vị như điện ảnh. Năm 1956, khi vừa kết thúc đợt công tác cùng đoàn cán bộ khu Việt Bắc đi làm nhiệm vụ củng cố tổ chức ở tỉnh Cao Bằng về, ông được giao nhiệm vụ tìm người đi học lớp quay phim do Bộ Văn hóa mở. Với tiêu chí quy định cán bộ được chọn đi học phải là người dân tộc  thiểu số thì công việc tuyển người quả là điều khó khăn đối với Ma Cường. Hơn ai hết, ông hiểu, những người con đến từ vùng núi rừng xa xôi như ông, nhờ Ðảng, nhờ Bác Hồ được thoát ly gia đình đi công tác, làm cán bộ đã là điều đáng quý rồi, nói chi đến làm nghệ thuật.

Lớp học phóng viên quay phim đầu tiên hệ trung cấp có khoảng 40 người đến từ nhiều vùng quê, không ít người trong lớp vừa tốt nghiệp trung học phổ thông. Ðặc biệt, rất nhiều người là học sinh miền nam tập kết ra bắc. Ðây thật sự là môi trường nhiều thách thức đối với Ma Cường, người cán bộ trẻ dân tộc Tày.

Vốn có suy nghĩ từ đầu, đây sẽ là ngành học khó nên ông luôn tâm niệm, xác định phải tập trung hết sức. Bộ phim đầu tiên cũng là tác phẩm đầu tay của Ma Cường sau khi hoàn thành khóa học, kể về công cuộc đắp đê ngăn lũ của nhân dân Mai Lâm ven sông Ðuống. Là tổ trưởng một tổ của lớp quay, vai vác máy, ông đạp xe sang Mai Lâm, ở đó hơn một tuần để làm bài thi tốt nghiệp. Ông đi làm cùng người dân địa phương, ngủ ở nhà dân và học được nhiều kinh nghiệm đắp đê. Bài tốt nghiệp được chấm loại khá, ông về nhận công tác tại Xưởng phim thời sự, phóng sự nay là Hãng phim Tài liệu - Khoa học T.Ư.

Luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ: từ vùng cao Việt Bắc, Tây Bắc đến trung du Thanh Hóa và tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, Ma Cường được anh em đồng nghiệp đặt cho biệt danh đại sứ lưu động. Và vùng đất được mệnh danh là túi bom Quảng Bình - Vĩnh Linh đã để lại cho ông nhiều kỷ niệm nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật. Ba năm trời với một chiếc xe đạp, đài bán dẫn, máy quay, ắc-quy, phim và ba-lô quần áo, tổng cộng trên người lúc nào cũng phải mang tới 10- 15 kg, ông đã tới nhiều làng mạc, qua biết bao địa đạo để ghi lại những hình ảnh chân thực và xúc động nhất về con người nơi đây.

Những buổi chiếu phim dưới lòng địa đạo Vĩnh Giang, cảnh người dân thả hàng chục nôi trẻ em xuống hầm máy bay ở Vĩnh Hòa cùng những hình ảnh xúc động về cái chết thương tâm của bao người dân khi bị bom B52 làm sập hầm...vẫn như một cuốn phim quay chậm trong ký ức ông hơn 30 năm sau.

Nhắc đến phim tài liệu Việt Nam không mấy ai không nhớ Lũy thép Vĩnh Linh, như dấu son mãi mãi sáng ngời, được bạn bè năm châu ngưỡng mộ. Lũy thép Vĩnh Linh nổi tiếng vì nhiều lẽ. Và một trong số những lý do khiến cho tác phẩm này sống mãi vì nó được thực hiện bởi những nhà làm phim gan dạ dũng cảm.

Ma Cường vinh dự được góp một phần công sức của mình vào thành công này. Ông là một trong những quay phim chính của đoàn làm phim dưới sự chỉ đạo của đạo diễn - NSND Ngọc Quỳnh.

Khi bộ phim gần hoàn thành thì đoàn làm phim được gọi về Hà Nội. Nhận được chỉ thị, đoàn họp và quyết định cử ba người đem những thước phim quay được ra Hà Nội. Thật không may, ô-tô bị trúng bom, người và phim không còn. Ma Cường và các đồng nghiệp phải bắt tay lại từ đầu. Hơn một tháng trời sau đó, phim quay được quá nửa thì ông trúng đạn rốc-két của máy bay địch. Thoát chết trong gang tấc càng khiến ông không thể quên những ngày tháng làm phim đầy gian nan, thử thách. Ðứng trên bục vinh quang nhận giải thưởng tại LHP quốc tế Lai-xích, Cộng hòa Dân chủ Ðức, Ma Cường càng biết ơn những người đồng đội đã ngã xuống. Ông cũng không quên những người dân vùng địa đạo đã cưu mang, giúp đỡ đoàn làm phim với những kinh nghiệm quý giá đó để có thể sống chung với bom đạn, chiến đấu cho tới ngày thống nhất đất nước.

Tạm biệt Vĩnh Linh, Ma Cường nhận nhiệm vụ mới. Ông được giao trọng trách đi theo các bậc tiền bối Phạm Trọng Quỳ, Tô Phương để quay hình ảnh của Bác đón các đoàn khách nước ngoài tới Việt Nam cũng như ghi lại hình ảnh về chuyến viếng thăm của Người tới các quốc gia khác. Một lần nữa Ma Cường lại có vinh dự được làm việc gần Bác Hồ.

Trước đây, ông đã từng ghi lại hình ảnh Bác về Thái Nguyên thăm cánh đồng lúa Ðại Từ và từng theo chân Người về thăm quê Cao Bằng... Những hình ảnh đó được Ma Cường ghi lại không chỉ bằng cảm xúc chân thực của người làm nghệ thuật mà còn vì tình yêu, sự ngưỡng mộ đối với Bác Hồ kính yêu. Và lần này cũng vậy, nhiều hình ảnh đáng nhớ đã in sâu vào tâm trí ông. Ðó là cảnh Bác đón đoàn chiến sĩ thi đua miền nam ra thăm miền bắc năm 1968. Chị Út Tịch ngồi bên cạnh, vừa nói "đồng bào miền nam rất mong Bác vào thăm", vừa đưa tay vuốt chòm râu trắng phau của Người vừa bật khóc.

Trong thời điểm đất nước đang có chiến tranh, những người lính, người nghệ sĩ quay phim chiến trường như Ma Cường có rất ít thời gian để chăm lo cho gia đình. Ông luôn biết ơn sự hy sinh thầm lặng của những người thân yêu mà hơn hết thảy là người vợ trẻ. Bà là người phụ nữ Tày nhẫn nại, chịu thương chịu khó, thay luôn trọng trách của chồng để chăm lo cho gia đình, xứng đáng là một hậu phương vững chắc.

Mãi sau này, khi ông về hưu, ông và bà mới chính thức đoàn tụ trong ngôi nhà tại phố Hoàng Hoa Thám - con đường có Hãng phim Tài liệu Khoa học T.Ư - nơi ông gắn bó nhiều năm, từng giữ cương vị phó giám đốc (năm 1985) rồi giám đốc 5 năm sau đó (1990) cho đến khi về hưu. Riêng với quê hương Thái Nguyên, ông đã gửi lòng tri ân của mình qua hai bộ phim tài liệu: Bắc Thái tuổi 20 và Thái Nguyên tuổi 40.