Lê Lợi, một ngôi sao càng nhìn càng thấy sáng

NDO -

NDĐT- Ngày mai, 26-9, Lễ hội Lam Sơn mở tại Thanh Hóa kỷ niệm 595 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 580 năm Ngày mất Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi và đón Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt cho Khu Di tích lịch sử - nghệ thuật Lam Kinh. Với độ lùi gần sáu thế kỷ, võ công và văn trị của vị Anh hùng biết trọng nhân tài, dựa vào nhân dân và tôn vinh văn hóa dân tộc như là cội nguồn sức mạnh, vẫn là tấm gương cho hậu thế noi theo.

Khu di tích Lam Kinh-Thanh Hóa luôn là điểm đến lịch sử-văn hóa nhắc nhớ một trang sử oanh liệt của dân tộc với tên tuổi Lê Lợi-Nguyễn Trãi trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống giặc Minh.
Khu di tích Lam Kinh-Thanh Hóa luôn là điểm đến lịch sử-văn hóa nhắc nhớ một trang sử oanh liệt của dân tộc với tên tuổi Lê Lợi-Nguyễn Trãi trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống giặc Minh.

Năm 1047, vua thứ ba nhà Minh là Minh Thành Tổ Chu Đệ sai hơn 20 vạn quân, phao lên 80 vạn, sang cướp nước ta. Cha con Hồ Quý Ly bị bắt, nước ta rên xiết dưới gót giày xâm lược của đám quân man rợ: Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn. Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Bại nhân nghĩa nát cả đất trời. Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.

Chúng vơ vét của cải, tàn sát không thương tiếc con dân Đại Việt. Chúng còn hòng hủy diệt cả tương lai trong chính sách phần thư khanh nho, tức là đốt sách, chém trí thức. Nhà Minh dưới triều đại Minh Thành Tổ là một triều đại có thế lực quân đội mạnh, khoa học kỹ thuật phát triển mà Hạm đội Trịnh Hòa (1371- 1433) từng đến được nhiều châu lục ngoài phạm vi châu Á. Vậy mà, như những đạo quân bành trướng của tiền nhân xâm phạm bờ cõi Việt Nam, cuối cùng chúng đã chuốc phải thất bại ê chề.

Khi quân đội nhà Hồ thất bại, năm 1418, từ núi rừng Thanh Hóa, một ngọn cờ khởi nghĩa của nhân dân được phất lên dưới sự chỉ huy của Lê Lợi, khi ấy vừa tròn 33 tuổi. Người ấy đã tập hợp được những người yêu nước nhất, kiên trung nhất không chỉ anh em, bà con trong dòng họ, xóm mạc mà cả những trí thức lớn như Nguyễn Trãi.

Cuộc kháng chiến chống quân Minh không có thế cân bằng trong tương quan lực lượng, vị thế như Nhà Trần chống quân Nguyên Mông. Có thể nói, Lê Lợi là người đầu tiên đề ra chủ trương trường kỳ kháng chiến và vận dụng thành công chiến thuật lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều; một đóng góp vô giá cho nghệ thuật quân sự Việt Nam. Nhìn ra và tin dùng Nguyễn Trãi, đọc ra và hoàn thiện Bình Ngô sách, đã thể hiện được tầm nhìn của một vị đại vương ngay từ khi còn áo vải. Trong 10 năm kháng chiến, để bảo đảm chiến thắng, ông đã phát huy tối đa sức mạnh của chiến tranh nhân dân, kết hợp tài tình các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao binh vận.

Cuộc kháng chiến chống quân Minh chính là bài học trực tiếp, một hình ảnh kỳ vĩ được tái hiện trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta sau này: Khi sức yếu thì nuôi giấu, bảo toàn lực lượng; khi đủ mạnh thì tiến công thần tốc: Đánh một trận sạch không kình ngạc, Đánh hai trận tan tác chim muông, Cơn gió to trút sạch lá khô, Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ… Và khi toàn thắng trong tay, đã mở lượng khoan hồng, tạo điều kiện cho kẻ thù về nước để giữ hòa hiếu lâu dài, thái bình muôn thở cho đất nước.

Võ công của Lê Lợi đã tỏa sáng trong mọi trang sử.

Nhưng điều quan trọng, chúng ta cần thấy rõ hơn tính văn hóa, con người văn hóa của Lê Lợi.

Biết dùng và coi trọng hiền tài như ta nói ở trên là một phẩm cách. Một phẩm cách khác là lối sống, lối ứng xử, “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Là lãnh tụ, nhưng cầm gươm ra trận, bao giờ ông cũng ở hàng đầu, tạo nên tinh thần xả thân trong mọi tướng lĩnh. Đó chính là nội lực. Và ông biết, nếu ông ngã xuống, sẽ có người lãnh đạo khác mang nội lực ấy cùng nghĩa quân đi đến thắng lợi cuối cùng.

Ngay cả khi làm vua, một công việc khó khăn, nguy hiểm là đánh dẹp tù trưởng Đèo Cát Hãn ở Tây Bắc. Ông đã sai con cả là Thái tử Lê Tư Tề đi năm trước, năm sau mình lại thân chinh cầm quân và giành chiến thắng. Giả sử ông không thắng; giả sử quân triều đình thắng mà ông bị chết thì ngôi vua không còn, ông không còn tọa hưởng kỳ thành công lao kháng chiến, con cháu chắc cũng chẳng còn được nối dõi. Vậy mà ông đã lựa chọn việc có thể phải hy sinh, việc đặt lợi ích quốc gia lên trên hết; hành xử ấy thật sự vĩ đại; đáng để cho hậu thế soi rọi mà học tập. Đời nhà Lê bền được là nhờ ở công lao, ở phúc lớn của vị Thái Tổ này.

Lê Lợi là người anh hùng hào kiệt trong trận mạc, lại là một nhà văn trị lỗi lạc.

Trước hết ông là nhà tư tưởng lớn, hiểu rõ và đề cao văn hiến nước nhà. Ông biết, “mất nước” do xâm lược chỉ là tạm thời. Mất văn hiến mới là mất nước thật sự. Thắng giặc Minh, giành được hòa bình, lên ngôi năm 1428, ông liền sai Nguyễn Trãi soạn Bình Ngô đại cáo để toàn dân được biết về cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ đã chiến thắng và quan trọng hơn, là nguyên nhân của chiến thắng và cùng thống nhất nhận thức để bảo vệ độc lập và xây dựng đất nước phát triển lâu dài. Bình Ngô đại cáo vì thế được coi là một Tuyên ngôn Độc lập. Mở đầu Tuyên ngôn ấy là tư tưởng đề cao và độc lập về văn hiến, độc lập và tự chủ về lãnh thổ:

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc – Nam cũng khác.

Chúng ta đều biết rằng, tác phẩm này là của Nguyễn Trãi. Nhưng do Lê Lợi sai soạn. Và hiển nhiên, Lê Lợi phải nêu vấn đề, chỉnh lý. Những tư tưởng trong tác phẩm này, do đó, hiển nhiên cũng là những tư tưởng của Lê Lợi. Tiếp theo tư tưởng độc lập là tư tưởng nhân dân (Nhân dân bốn cõi một nhà); tư tưởng nhân nghĩa (Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo) và nhiều tư tưởng lớn khác về quân sự, về quan hệ con người với tổ tông, xã tắc...

Khi đuổi được giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi với một đất nước bị tàn phá nặng nề, bốn bề hoang hóa. Ông liền cho sưu tầm lễ nhạc (lại sai Nguyễn Trãi, biết dùng đúng người, đúng việc), xây dựng pháp luật, mở mang trường học, cho con em dân thường vào học Quốc Tử Giám, mở khoa thi Minh kinh để chọn người hiền tài, cắt đặt lại quan chức và địa giới hành chính… Chính sự sửa sang văn trị này, là cội nguồn làm cho nhà Lê thịnh trị, có một nền kinh tế phát triển, một nền văn học với những tên tuổi rực rỡ nhất: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Lê Quý Đôn, Lê Thánh Tông…

Chính Lê Lợi cũng là một tác gia.

Mùa xuân năm 1432, sau khi dẹp xong Đèo Cát Hãn, ông cảm khái làm bài thơ Thân chinh Phục Lễ Châu Đèo Cát Hãn khắc trên vách đá Pú Huổi Chỏ (Sìn Hồ, Lai Châu):

Cuồng tặc cảm bô tru

Biên dân cửu hệ tô

Bạn thần tòng cổ hữu

Hiểm địa tự kim vô

Thảo mộc kinh phong hạc

Sơn xuyên nhập bản đồ.

Đề thi khắc nham thạch

Trấn ngã Việt Tây ngung.

Tạm dịch:

Giặc loạn tránh sao đòn phạt tội

Biên dân mong cứu đã từ lâu

Bầy tôi làm phản xưa nay vẫn

Đất ác bình xong đã sạch làu

Gió hạc thổi kinh cây cỏ dại

Núi sông bờ cõi một miền thâu

Tạc một bài thơ lên vách đá

Làm quân Tây trấn vững kim âu!

(Nguyễn Sĩ Đại dịch)

Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh của con sông Đà, đường chiến thắng trở về đã thênh thênh. Qua vùng Chợ Bờ, Hòa Bình, nhà vua lại làm bài thơ Chinh Đèo Cát Hãn, quá Long Thủy đê (Đi đánh Đèo Cát Hãn trở về, qua đường đê Long Thủy).

Kỳ khu hiểm lộ bất từ nan,

Lão ngã do tồn thiết thạch can.

Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ,

Tráng tâm di tận vạn trùng san.

Biên phòng vị hảo trù phương lược,

Xã tắc ưng tu kế cửu an.

Hư đạo nguy than tam bách khúc,

Như kim chỉ tác thuận lưu khan.

Xưa, cụ Nguyễn Văn Trình dịch:

Hiểm nghèo bao quản đường non

Già này sắt đá vẫn còn bền gan

Khí ngay quét sạch mù ngàn

Tấm lòng mạnh dạn trùng son thảy bừa

Ngoài lo bờ cõi ngăn ngừa

Trong lo xã tắc căn cơ lâu dài

Ba trăm ghềnh thác chẳng nài

Mừng nay gió thuận buồm xuôi giữa dòng.

Và bản dịch của Trần Lê Văn:

Ngại gì hiểm trở đường xa

Gan già vẫn sắt, lòng già vẫn son

Chí này san phẳng núi non

Nghĩa này quét sạch ngàn cơn mây mù

Biên phòng năm liệu mười lo

Sao cho xã tắc muôn thu thái hòa

Ba trăm ghềnh thác bắc qua

Nay nhìn sông nước hóa ra thuận dòng.

Hai bản dịch đều diễn được ý chính, có câu hay nhưng so với nguyên bản thì còn nhẹ, nhất là bốn câu: Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ,Tráng tâm di tận vạn trùng san, Biên phòng vị hảo trù phương lược, Xã tắc ưng tu kế cửu an- bốn câu Lê Lợi tự nói về mình và cũng làm cho ta hiểu con người tầm vóc, khí phách của ông. Đó là một con người nghĩa khí quét sạch nghìn cơn mây mù làm sạch tầng không; tráng tâm dời chuyển được vạn vạn núi đèo; một người luôn lo biên phòng cẩn mật và kế cửu an cho xã tắc.

Hình ảnh một anh hùng lẫm liệt, nhìn xa trông rộng, một vị vua sáng hiện lên trong bốn câu thơ ấy!