Chấn chỉnh, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển

NDO - Từ năm 2018 đến nay đã chứng kiến sự phát triển của những phương thức cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình mới mà quy định cũ chưa theo kịp. Nghị định số 71/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/1/2023, giúp chấn chỉnh, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển theo đúng khuôn khổ pháp lý.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Ngày 13/10, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo phổ biến các điểm mới, điểm chính của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Truyền hình trả tiền phát triển rầm rộ

Tại Hội thảo, chia sẻ về thực trạng thị trường truyền hình Việt Nam, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện Việt Nam có tổng cộng 16,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, trong đó có 3,9 triệu thuê bao dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua Internet (OTT). Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đã tăng 29,7% so với năm 2016 (13,1 triệu thuê bao).

Doanh thu truyền hình trả tiền tại Việt Nam năm 2021 là 9.200 tỷ đồng, trong đó doanh thu dịch vụ truyền hình OTT là 709 tỷ đồng, số liệu cập nhật tính đến tháng 9/2022 là khoảng 1.000 tỷ đồng. Doanh thu toàn thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đã tăng 22,7% so với năm 2016.

Hiện Việt Nam có 198 kênh truyền hình trong nước, 78 kênh phát thanh, 59 kênh truyền hình nước ngoài. Các kho nội dung nội dung theo yêu cầu (VOD) cũng ngày càng phong phú, đa dạng.

Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, việc ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP là nỗ lực lớn của Chính phủ, trong đó có sự đóng góp của Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp, đặc biệt là Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam nhằm điều chỉnh chính sách pháp luật sao cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Chấn chỉnh, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển ảnh 1

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội thảo.

Từ năm 2018 đến nay đã chứng kiến sự phát triển của những phương thức cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình mới mà Nghị định số 06/2016/NĐ-CP trước đây chưa có đầy đủ khung pháp lý để điều chỉnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng nhắc đến tình trạng “bảo hộ ngược”, khi các doanh nghiệp truyền hình trong nước tuân thủ đầy đủ quy định nhưng các doanh nghiệp xuyên biên giới gần như không phải chịu một sự kiểm soát gì.

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP có 8 quy định lớn nổi bật. Theo đó, dịch vụ truyền hình xuyên biên giới sẽ được quản lý theo các quy định của Nghị định này. Nghị định số 71/2022/NĐ-CP cho phép duy trì dịch vụ truyền hình cáp tương tự theo nhu cầu của thị trường.

Nghị định mới đã bổ sung quy định về quản lý biên tập, biên dịch nội dung theo yêu cầu thích ứng với tính chất, đặc điểm của loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP còn bao gồm quy định cho phép dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet được cung cấp cho người Việt Nam mà không buộc phải cung cấp kênh chương trình như các dịch vụ truyền thống.

Nghị định mới đã bổ sung quy định về quản lý biên tập, biên dịch nội dung theo yêu cầu thích ứng với tính chất, đặc điểm của loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet.

Nghị định cũng điều chỉnh một số điều về quản lý biên dịch, bổ sung các quy định nêu cao trách nhiệm của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình trong việc liên kết sản xuất chương trình.

Đồng thời, Nghị định số 71/2022/NĐ-CP còn giao một số cơ quan có thẩm quyền triển khai ngăn chặn nội dung truyền hình theo yêu cầu không thực hiện biên tập theo quy định, bổ sung các quy định để giảm thủ tục hành chính, trực tuyến hóa các thành phần hồ sơ để giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, các quy định mới được bổ sung trong Nghị định số 71/2022/NĐ-CP là những nội dung rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước và hoạt động cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet, bao gồm cả dịch vụ xuyên biên giới trên mạng vào Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông có kế hoạch hỗ trợ các hệ sinh thái phát thanh, truyền hình và nội dung số tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật.

Tiếp tục rà soát giấy phép đối với các kênh có hoạt động liên kết

Về hoạt động liên kết, theo đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện nay có 27 kênh trong số 194 kênh truyền hình có hoạt động liên kết, gồm các kênh về giải trí tổng hợp, phim truyện, bán hàng trên truyền hình, thiếu nhi...

Hoạt động liên kết giúp có thêm nhiều chương trình, nội dung phong phú, đáp ứng nhu cầu giải trí của khán, thính giả; tạo thương hiệu cho đài. Trong khi đó, đài không mất chi phí sản xuất chương trình, lại có thêm nguồn thu. Có đài doanh thu liên kết chiếm tỷ lệ khoảng gần 50% tổng doanh thu quảng cáo.

Liên kết cũng phát huy tính năng động, sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự. Hoạt động liên kết giúp các đài có tư duy và cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại.

Tuy nhiên, hoạt động liên kết vẫn còn thực hiện không đúng giấy phép về: Tôn chỉ mục đích, nội dung, biểu tượng kênh; để lọt nội dung phản cảm, không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Liên kết vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều 37 Luật Báo chí.

Giám đốc đài chưa thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu, chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý như: không phê duyệt kế hoạch sản xuất các chương trình liên kết; chưa ban hành các quy định phân công, phân nhiệm...

Hợp đồng liên kết sử dụng các từ ngữ tạo ra nhận thức “mua kênh, bán sóng” như: phí liên kết, dịch vụ biên tập, dịch vụ phát sóng...

Đài không kiểm soát được hoạt động của đối tác; không nắm được bản quyền; nguồn thu quảng cáo.... Hợp đồng liên kết có nội dung vượt thẩm quyền; chưa quy định cụ thể và trách nhiệm của đài đối với hoạt động liên kết, quyền quyết định của Đài đối với sản phẩm liên kết, đặc biệt là bản quyền; không căn cứ pháp luật về báo chí..

Hợp đồng liên kết sử dụng các từ ngữ tạo ra nhận thức “mua kênh, bán sóng” như: phí liên kết, dịch vụ biên tập, dịch vụ phát sóng...

Hoạt động liên kết cũng đã có những ảnh hưởng tiêu cực: Đối tác đăng tải chương trình liên kết có nội dung phản cảm, thô tục (không qua đài phát thanh, truyền hình biên tập, kiểm duyệt) lên mạng xã hội, nền tảng số. Đối tác lợi dụng hoạt động báo chí không phép, chẳng hạn như cử nhân sự lấy danh nghĩa là phóng viên để đi làm tin, phỏng vấn; sản xuất tin tức về mọi lĩnh vực để phát trên kênh truyền thông của đối tác trên internet, trên mạng xã hội.

Đại diện Cục cho biết, từ năm 2020 đến 9 tháng đầu 2022 đã kiểm tra tại 15 đài phát thanh, truyền hình, trong đó có gần 20 lượt văn bản (cấp Bộ và cấp Cục) nhắc nhở, chấn chỉnh hoạt động liên kết; thu hồi giấy phép 9 kênh liên kết; yêu cầu dừng phát sóng 1 kênh liên kết do hết giấy phép và đối tác liên kết để xảy ra sai phạm. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục rà soát giấy phép đối với các kênh có hoạt động liên kết.

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sẽ giúp kiểm soát và chịu trách nhiệm về nội dung để bảo đảm các chương trình liên kết được biên tập, phân loại trước khi phát sóng hoặc cung cấp đến các nền tảng truyền thông số khác. Kiểm soát và chịu trách nhiệm về hoạt động của đối tác liên kết trong quá trình tổ chức sản xuất chương trình, kênh chương trình liên kết.

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 sẽ bảo đảm quản lý phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn chỉnh văn bản hợp nhất Nghị định số 71/2022/NĐ-CP và Nghị định số 06/2016/NĐ-CP để thống nhất áp dụng các quy định, tạo thuận lợi trong quản lý thực hiện từ ngày 1/1/2023.