Truyền hình trả tiền sẽ bán gì?

Tuần rồi, VTVcab đã công bố thông tin về việc sẽ đấu giá cổ phần (CP) lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 17-4 tới đây. Theo đó, sẽ có gần 42,3 triệu CP của VTVcab, tương đương 47,8% vốn điều lệ (dự kiến 884 tỷ đồng) được bán ra với giá khởi điểm lên đến gần 141.000 đồng/CP.

Truyền hình trả tiền sẽ bán gì?

Giả định lượng CP này được bán hết với giá khởi điểm thì số tiền thu về trong đợt đấu giá này rơi vào tầm 6.000 tỷ đồng. Điều dễ thấy là việc IPO sẽ giúp cho VTVcab huy động được nguồn vốn từ xã hội và mục tiêu hướng đến có lẽ là việc nâng cao năng lực cạnh tranh trên một thị trường (TT) truyền hình trả tiền đang rất sôi động nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt. Một thống kê của dân trong ngành chỉ ra rằng, trong năm 2017, hiếm có nhà đài nào vượt được chỉ tiêu thuê bao trong nội bộ đã đề ra mà phần lớn là vừa đạt hoặc dưới kế hoạch. Bên cạnh đó, mức giá thuê bao truyền hình số dù qua ứng dụng (app) di động hay cáp, vệ tinh, internet hiện cũng dao động quanh mốc 120.000 đồng/tháng. Nghĩa là muốn tăng thu thì chỉ có cách tăng số lượng thuê bao chứ không thể tính đến chuyện tăng giá cước.

Hồi đầu tháng 3, Kplus (K+) đã tiến hành phát sóng độc quyền hai giải bóng đá danh giá của châu Âu là Champions League và Europa League giúp cho hệ sinh thái các kênh thể thao của nhà đài này dày thêm. Ngoài thể thao, phim ảnh cũng được xem là trận địa quan trọng trong việc thu hút khán giả của các kênh truyền hình trả tiền và đang được chia thành hai nhóm chính: Nhóm thứ nhất, một số nhà đài tập trung khai thác các phim điện ảnh, truyền hình có tính chọn lọc cao. Nhóm thứ hai, các dòng phim truyền hình nhiều tập.

Một người đã có nhiều năm làm trong lĩnh vực sản xuất truyền hình chia sẻ, nhóm thứ nhất giống như làn gió mới trên TT nhưng trong thực tế nhóm thứ hai luôn chiếm được ưu thế trong nhiều năm nay và sắp tới cũng khó lòng thay đổi. Minh chứng là việc số lượng nhà đài chọn lựa dòng phim truyền hình để phát sóng vẫn áp đảo.

Trong khoảng ba năm qua, hầu như các nhà đài đều phát triển cả hai mảng phim ảnh, thể thao để có thể cùng lúc thu hút được nhiều khán giả hơn. Nhưng cuộc đua sắp tới có thể sẽ rất khác bởi nhiều nguyên nhân cả về chủ quan lẫn khách quan. Đơn cử như tiền bản quyền của các giải bóng đá hàng đầu nhiều khả năng sẽ tăng và thường các kênh truyền hình sẽ muốn độc quyền để có nhiều lợi thế trong việc thu hút khán giả. Lúc này, việc cân đối nguồn lực giữa thể thao và phim ảnh sẽ phải được tính lại vì nếu làm dàn trải thì sẽ mất đi sức nặng và lãng phí nguồn lực.

Kênh nào không có lợi thế về thể thao sẽ phải đẩy mạnh phát triển mảng phim ảnh. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực đã được khai thác từ rất lâu và nhiều nên tìm được lợi thế cạnh tranh không dễ. Chính vì vậy, các nhà đài đã và đang hướng đến việc đa dạng hóa các kênh phát sóng, không chỉ thông qua cáp, vệ tinh, internet mà còn cả trên ứng dụng di động. Có thể nói năm 2018 sẽ ghi nhận một cuộc cạnh tranh cực kỳ sôi động trên TT truyền hình trả tiền với hai át chủ bài là phim ảnh và thể thao.