Trước đây, lực lượng này còn ra tay xử phạt tất tần tật các vi phạm trong công tác quản lý đô thị như xây dựng trái phép, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè... và xử lý cả người vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy quyền hành như vậy nhưng lĩnh vực trật tự đô thị vẫn rất lộn xộn. Mới đây, nhất là vụ sáu nhân viên trật tự đô thị phường 25, quận Bình Thạnh và ba bảo vệ dân phố đã khống chế, đánh đập dã man một người bán hàng rong khiến dư luận hết sức bức xúc về cách hành xử coi thường tính mạng người dân và đề nghị phải củng cố, chấn chỉnh lại hoạt động của các đội quản lý trật tự đô thị. Ðây là một đòi hỏi rất chính đáng. Bởi lẽ, thành phố đang hướng tới một đô thị văn minh, nên rất cần tạo dựng những người tham gia công tác quản lý trật tự đô thị được trang bị đầy đủ kiến thức, nghiệp vụ về quản lý đô thị, các việc quản lý hành chính để ngày càng thân thiện và văn minh hơn.
Ðể đạt được mục đích đó, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các quận, huyện phối hợp các cơ sở đào tạo trên địa bàn tiến hành đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý đô thị cho thành viên các đội quản lý trật tự đô thị. Bao gồm các kiến thức cơ bản kèm theo đặc trưng vùng về quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý dân số đô thị, kiến trúc, cảnh quan, không gian công cộng và cộng đồng đô thị, quản lý môi trường, đất và nhà ở, các vấn đề về bất động sản, kinh tế, dịch vụ công, phát triển bền vững... Ði cùng với đó là phải có những quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ để tránh việc làm bừa, làm ẩu. Ðược biết, UBND thành phố vừa ban hành Quy chế mẫu tổ chức và hoạt động của đội quản lý trật tự đô thị quận, huyện. Theo đó, đội quản lý trật tự đô thị quận, huyện do UBND quận, huyện thành lập nhằm giúp UBND quận, huyện thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, tổ chức thi hành các quyết định hành chính và thực hiện các nhiệm vụ khác do chủ tịch UBND quận, huyện giao. Ðội quản lý trật tự đô thị quận, huyện trực thuộc phòng quản lý đô thị quận, huyện; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của trưởng phòng quản lý đô thị quận, huyện, đồng thời chịu sự hướng dẫn kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các sở, ngành liên quan; sử dụng con dấu và tài khoản của phòng quản lý đô thị quận, huyện để hoạt động, được trang bị phương tiện làm việc cần thiết theo quy định của pháp luật. Ðội quản lý trật tự đô thị quận, huyện có nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn, tham mưu trưởng phòng quản lý đô thị trình chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND quận, huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện; tham mưu cho UBND quận, huyện kế hoạch tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân đình chỉ ngay các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực về trật tự lòng, lề đường, nơi công cộng trên địa bàn quận, huyện. Tham mưu, đề xuất về các hình thức xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực phụ trách theo quy định của pháp luật... Theo dõi việc thực hiện các quyết định hành chính đã ban hành, đôn đốc thực hiện các quyết định đã có hiệu lực thi hành; đề xuất biện pháp cưỡng chế và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận, huyện không tự giác chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tuần tra, phát hiện và thông báo kịp thời đến đội thanh tra xây dựng địa bàn thuộc Sở Xây dựng, chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn; tham mưu, kiến nghị UBND quận, huyện giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của đội... Như vậy, với quy chế này, đội quản lý trật tự đô thị chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, phát hiện và tham mưu xử lý các sai phạm trong lĩnh vực đô thị chứ không được quyền xử phạt. Và nếu các đội quản lý trật tự đô thị làm đúng và tốt chức năng, nhiệm vụ của mình được giao như trong quy chế nêu trên, thì sẽ đưa công tác quản lý đô thị ở quận, huyện đi vào quy củ, ngày một trật tự và bài bản hơn.