Chấn chỉnh công tác quản lý đất đai ở phường Tam Sơn (Bắc Ninh)

Thời gian qua, nhiều bạn đọc phản ánh về những bất cập trong công tác quản lý đất đai ở xã (nay là phường) Tam Sơn (TP Từ Sơn, Bắc Ninh). Trong đó, có nhiều cá nhân, hộ gia đình xây dựng, chuyển mục đích sử dụng trái phép đất nông nghiệp; lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất công; tổ chức giải phóng mặt bằng khi dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường; lập dự án phân lô, bán nền trái quy định...
0:00 / 0:00
0:00
Người dân bức xúc phản ánh bất cập trong quản lý đất đai ở phường Tam Sơn.
Người dân bức xúc phản ánh bất cập trong quản lý đất đai ở phường Tam Sơn.

Khu vực đồng Bãi Pháo là đất công đã được quy hoạch làm khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp, bị bỏ hoang nhiều năm. Năm 2019, một cá nhân san lấp và sử dụng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, gỗ nguyên liệu nhưng chính quyền địa phương không xử lý. Theo phản ánh của người dân, diện tích đất công cá nhân này san lấp, sử dụng trái phép lên tới hàng nghìn mét vuông. Người này còn tự bỏ tiền đền bù cho các hộ dân có đất nông nghiệp nhưng không sử dụng tại các khu vực lân cận để san lấp trên diện tích khoảng 4,5ha.

Dự án xây dựng 3 nhà văn hóa của các thôn Tam Sơn, Dương Sơn, Phúc Tinh được chính quyền “bật đèn xanh” cho nhà thầu tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tự đưa phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và cố tình triển khai thi công khi chưa có sự đồng thuận của đa số nhân dân. Chính quyền địa phương cũng tự ý lựa chọn nhà thầu thi công mà không thông qua đấu thầu hoặc được phê duyệt từ cơ quan chức năng cấp trên...

Tại khu vực cống Ðông, xóm Núi, bạn đọc cho rằng chính quyền phường tự ý lập hồ sơ, tổ chức đấu giá 3 dự án gồm 26 lô đất ở trị giá nhiều tỷ đồng trên diện tích gần 3.700m2 đất nông nghiệp, đất thùng vũng. Ðáng nói là, việc đấu giá thiếu công khai, minh bạch dẫn đến người dân địa phương không mua được đất, trong khi một số cá nhân khác đã mua được hàng chục lô với giá thấp hơn thực tế. Những người này sau đó bán lại cho người dân có nhu cầu thu lợi hàng chục tỷ đồng.

Ðáng chú ý, từ nhiều năm nay, chính quyền phường Tam Sơn đã buông lỏng quản lý để cho nhiều hộ dân tự ý lấn chiếm đất công, xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép hàng chục nghìn mét vuông ở các khu Dọc Cuối xóm Tây; bãi Bồ Cát xóm Ðông; ao Quà xóm Chúc; ao Ðình thôn Thọ Trai; ao Chùa xóm Ô; ao Ðình thôn Phúc Tinh; ao Cầu Mới xóm Tây... Nhiều hộ dân vi phạm sau đó được chính quyền hợp thức hóa bằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, bạn đọc còn cho rằng chính quyền phường “ưu ái” cho một hộ cá nhân có “họ hàng” với lãnh đạo cấp trên được sử dụng gần 20m2 đất công làm đường đi cho ngôi nhà được xây dựng trên diện tích 152m2 đất lấn chiếm tại khu vực giáp khuôn viên dự án công viên cây xanh ở xóm Núi.

Ðể làm rõ những nội dung bạn đọc phản ánh, chúng tôi đã có các buổi làm việc với lãnh đạo UBND phường Tam Sơn và UBND thành phố Từ Sơn.

Tại UBND phường Tam Sơn, ông Trần Viết Tạo, Bí thư Ðảng ủy; ông Nguyễn Khắc Tuấn, Chủ tịch UBND phường đều khẳng định phản ánh của bạn đọc là có cơ sở hoặc có cơ sở một phần. Ðó là vấn đề tồn tại từ trước những năm 2000. Phường Tam Sơn là nơi có nghề chế biến gỗ truyền thống. Sau này làng nghề phát triển mạnh dẫn đến có thêm nhiều hộ bỏ hoang ruộng đất không sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, địa bàn còn nhiều ao, hồ, thùng vũng hoặc diện tích đất công, bờ bãi bỏ hoang. Trong khi đó, công tác quản lý về đất đai chưa sâu sát, thiếu kiên quyết cho nên việc lấn chiếm đất công, chuyển mục đích sử dụng trái phép đất nông nghiệp diễn ra khá phổ biến. Ðáng chú ý ở khu vực Dọc Cuối có hơn 30 hộ lấn chiếm đất công và tự ý chuyển mục đích sử dụng trái phép hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp để làm lán trại sản xuất gỗ.

Ðến nay, chính quyền địa phương đã di dời và vận động được 10 hộ hoàn trả lại nguyên trạng đất. Còn lại 21 lán trại do chưa có chủ trương thu hồi hay sử dụng đất nên vẫn để các hộ sử dụng làm nơi tập kết, chế biến gỗ. Tuy nhiên, phường đã quán triệt các hộ giữ nguyên hiện trạng và cử người thường xuyên kiểm tra để ngăn chặn việc cải tạo, cơi nới, mở rộng trái phép.

Chính quyền địa phương đã xử lý một số trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp như trường hợp dòng họ Nguyễn Ðức ở thôn Thọ Trai; trường hợp ông Ngô Thế Hanh tự ý đổ vật liệu, san lấp tại đồng Bãi Pháo khoảng 2.000m2 cũng đã bị lập biên bản yêu cầu cá nhân vi phạm hoàn trả mặt bằng.

Theo ông Nguyễn Khắc Tuấn, diện tích tại đồng Bãi Pháo đã được lập quy hoạch xây dựng khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp và đã được Chủ tịch UBND tỉnh cho chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng từ năm 2010. Tuy nhiên, do chưa hoàn thiện thủ tục cũng như nguồn kinh phí nên khu vực này bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.

Ngoài ra, qua kiểm tra, phường cũng phát hiện nhiều hộ tự ý xây dựng lán xưởng trên đất thổ cư hoặc đất lấn chiếm từ trước năm 2008. Tuy nhiên, hầu hết diện tích nêu trên đều phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Theo quy định tại Nghị định số 43/2014/NÐ-CP ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, đối với diện tích này các hộ có thể đề nghị xem xét để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ðối với 3 dự án xây dựng nhà văn hóa của các khu phố Dương Sơn, Tam Sơn và Phúc Tinh, ông Trần Viết Tạo cho biết, cả 3 dự án đã được Chủ tịch UBND thị xã (nay là thành phố) Từ Sơn phê duyệt quy hoạch trong đồ án xây dựng tổng thể số 1043/QÐ-UBND ngày 29/12/2016; Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi theo hình thức xây dựng - chuyển giao tại Quyết định số 807/QÐ-UBND ngày 23/6/2017.

Ông Tạo cũng khẳng định, nhà thầu Công ty Cao Ðức - Cao Nguyên có đủ năng lực để thực hiện dự án. Hiện nay 126 hộ dân (100% các hộ có đất bị thu hồi) đã đồng thuận nên nhà thầu tạm ứng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi “chờ” các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án.

Tại 3 dự án khu dân cư ở khu vực cống Ðông, theo ông Trần Viết Tạo, việc thẩm định, thông báo và tổ chức đấu giá đất là quyết định của các phòng, ban chức năng cấp trên, UBND phường chỉ phối hợp và tổ chức địa điểm, lực lượng. Ông Tạo khẳng định mọi thủ tục, trình tự đều công khai, minh bạch nhưng việc một người có thể mua được nhiều lô đất là chuyện bình thường do họ trả giá cao nhất. “Tất cả các lô đất do khoảng 10 cá nhân đều có hộ khẩu tại Ðình Bảng (TP Từ Sơn) mua được mà không có ai là người địa phương cũng không phải là lạ”, ông Tạo cho biết.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Từ Sơn Nguyễn Mạnh Cường cho biết, UBND thành phố cũng đã nhận được những thông tin phản ánh của người dân về công tác quản lý đất đai ở Tam Sơn. Theo ông Cường, có một số việc có từ thời kỳ trước đã được xem xét giải quyết. Những việc xảy ra gần đây qua thanh, kiểm tra cho thấy có sự buông lỏng quản lý đất đai của cán bộ chính quyền phường Tam Sơn, để xảy ra nhiều vụ việc người dân lấn chiếm đất công, tự ý chuyển đổi mục đích, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

UBND thành phố Từ Sơn đã yêu cầu UBND phường Tam Sơn xử lý triệt để, kiểm điểm trách nhiệm và tăng cường công tác quản lý về đất đai, trật tự xây dựng. Lý giải về việc UBND phường Tam Sơn “vội vàng” đồng ý cho nhà thầu 3 dự án nhà văn hóa ứng tiền bồi thường, ông Cường cho biết tỉnh chưa ban hành kế hoạch sử dụng đất, nhưng vì đây là các dự án công trình công cộng, cần thiết trong quá trình chuyển từ xã thành phường, thôn thành tổ dân phố và đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân, kể cả người có đất bị thu hồi, nên cũng là việc có thể chấp nhận. Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu lãnh đạo các phòng chức năng và UBND phường Tam Sơn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ đề nghị bổ sung kế hoạch sử dụng đất trình UBND tỉnh.