Chậm trễ xử lý vi phạm đất đai tại thành phố Phúc Yên

NDO -

Do việc xử lý vi phạm liên quan đến đất đai của thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) chậm trễ, thiếu cương quyết, dẫn đến người vi phạm chây ì, bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ. Một số sự việc kéo dài nhiều năm khiến cho các cơ quan quản lý nhà nước mất rất nhiều thời gian để giải quyết.

Công trình xây dựng trái phép của ông Trần Ngọc Quang tại thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh.
Công trình xây dựng trái phép của ông Trần Ngọc Quang tại thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh.

Người vi phạm bất hợp tác

Những năm qua, tình trạng mua gom đất, chờ thời cơ để hợp thức giấy tờ diễn ra phổ biến tại các xã Ngọc Thanh, Cao Minh của thành phố Phúc Yên. Một số trường hợp xây dựng công trình trên đất không được phép nhằm tạo sự đã rồi. Khi chính quyền phát hiện công trình xây dựng trái phép, người vi phạm bất hợp tác với chính quyền trong việc xử lý vi phạm.

Điển hình là trường hợp ông Trần Ngọc Quang (địa chỉ tại xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội) xây dựng nhiều công trình trái phép tại xã Ngọc Thanh. Ông Quang được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CY 818242 ngày 25/12/2020 tại thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh. Diện tích đất được giao là 3.096 m2 đất, trong đó có 400 m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, ông Quang tự ý lấn, chiếm thêm khoảng 1,5 ha đất liền kề, xây dựng tường bao quanh khu đất này. Trên diện tích đất đã xây dựng tường bao, ông Quang tự ý thay đổi hiện trạng đất, xây dựng nhiều công trình trái phép trên diện tích đất lấn chiếm.

Trao đổi về sự việc này, ông Lưu Tiến Chung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọc Thanh khẳng định: Khi phát hiện ông Quang xây dựng trên đất không được phép, xã đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu ông Quang dừng thi công. Tuy nhiên việc gặp trực tiếp để trao đổi với ông Quang rất khó vì ông không có mặt tại địa phương. Ủy ban nhân dân xã Ngọc Thanh đã tiến hành xác minh báo cáo thành phố về sự việc này.

Báo cáo số 137/BC-UBND ngày 26/11/2021 của Ủy ban nhân dân xã Ngọc Thanh gửi Ủy ban nhân dân thành phố Phúc Yên nêu rõ: Ông Trần Ngọc Quang xây dựng 9 công trình trên đất không được phép, gồm nhà bảo vệ rộng 9 m2 xây dựng trên đất hoang; nhà ở trên đất hoang với diện tích xây dựng 162,6 m2; bể chứa nước trên đất hoang với diện tích xây dựng 107,2 m2 và trên đất thủy lợi là 13,5 m2; đang xây dựng nhà trên đất lúa, diện tích xây dựng 90,2 m2 và trên đất hoang là 18 m2; dựng nhà tôn khung thép trên đất hoang với diện tích xây dựng 101 m2 và trên đất thủy lợi là 79 m2; xây dựng nhà ở trên trên đất hoang, diện tích xây dựng 129 m2 …

Như vậy, diện tích ông Quang lấn chiếm gồm đất nông nghiệp, đất hoang, đất lúa và đất thủy lợi. Ủy ban nhân dân xã Ngọc Thanh đã tiến hành lập biên bản vi phạm đối với ông Trần Ngọc Quang và đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Phúc Yên xem xét xử lý theo thẩm quyền. Thành phố Phúc Yên đã tiến hành xác minh và chỉ đạo xã Ngọc Thanh xử lý vi phạm. Mặc dù nhiều lần được yêu cầu tự tháo dỡ các công trình vi phạm, hoàn trả hiện trạng ban đầu, nhưng ông Quang không thực hiện.

Chậm trễ trong việc xử lý vi phạm đất đai tại thành phố Phúc Yên -0

Quả đồi bị bà Nguyễn Thị Vân Anh san ủi, xây dựng trái phép tại thôn Đồng Chằm, xã Ngọc Thanh.

Một số vụ vi phạm diễn ra đã lâu nhưng cũng không được xử lý dứt điểm. Trong đó có sự việc bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển và dịch vụ Gia Phúc (địa chỉ tại phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) tự ý cải tạo đất, xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp tại thôn Đồng Chằm, xã Ngọc Thanh từ năm 2020. Vụ vi phạm nghiêm trọng về xây dựng của Công ty TNHH Hữu Sinh tại Khu đô thị Đồng Sơn, phường Phúc Thắng từ năm 2015 đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Các công trình vi phạm của bà Vân Anh và Khu đô thị Đồng Sơn vẫn thách thức chính quyền địa phương.

Cần sự vào cuộc của địa phương  

Trong khi vụ việc cũ chưa xử lý xong, một số vụ việc vi phạm mới về đất đai, xây dựng tiếp tục phát sinh. Đầu năm 2022, chính quyền phường Đồng Xuân phát hiện ông Lê Hoan xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trên đất rừng phòng hộ tại tổ 7, phường Đồng Xuân. Khi sự việc được phát hiện thì ông Lê Hoan đã cơ bản xây xong công trình nhà 2 tầng kiên cố. Ngày 14/1/2022, Ủy ban nhân dân phường Đồng Xuân lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Lê Hoan.

Chậm trễ trong việc xử lý vi phạm đất đai tại thành phố Phúc Yên -0

Ngôi nhà ông Lê Hoan xây dựng trên đất rừng phòng hộ tại phường Đồng Xuân.

Sau đó, phường Đồng Xuân đề nghị Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên xác định ranh giới đất của ông Lê Hoan. Trong Công văn số 05/HKL-KT ngày 14/2/2022, Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên khẳng định rõ: Toàn bộ công trình có diện tích khoảng 250 m2 nằm trong lô 20C, khoảnh 1C quy hoạch rừng phòng hộ. Nhưng đến ngày 25/3/2022, có mặt tại hiện trường, chúng tôi thấy thợ xây vẫn đang hoàn thiện công trình.

Có thể thấy, các xã, phường đã làm việc có trách nhiệm, song việc phát hiện vi phạm và tổ chức cưỡng chế, xử lý chưa kịp thời, nhiều nơi chưa thực hiện được. Có nơi tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép nhưng không đạt yêu cầu, như trường hợp như Khu đô thị Đồng Sơn.

Trao đổi với phóng viên về việc xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn, ông Hoàng Trọng Lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phúc Yên cho biết: Vi phạm tại Khu đô thị Đồng Sơn diễn ra từ lâu, tỉnh đã chỉ đạo cưỡng chế tháo dỡ từ tháng 2/2021. Thành phố Phúc Yên đã giao các cơ quan chuyên môn rà soát hiện trạng, xây dựng dự toán kinh phí cưỡng chế, tổ chức họp triển khai rất nhiều lần. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện rất vướng do chủ đầu tư bán đất quy hoạch cây xanh cho các doanh nghiệp và doanh nghiệp xây nhà trên đất không đúng mục đích. Hiện nay, thành phố đang chờ Sở Xây dựng hướng dẫn thêm để việc tổ chức tháo dỡ diễn ra chặt chẽ.

Đối với vi phạm trên đất lâm nghiệp của bà Nguyễn Thị Vân Anh, ông Lợi cho biết: Thành phố Phúc Yên đã ban hành quyết định cưỡng chế, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Bà Vân Anh đã khiếu nại và thành phố đã giải quyết khiếu nại, có thông báo yêu cầu tháo dỡ lần 2 xong trước ngày 31/3/2022. Đối với trường hợp ông Lê Hoan xây dựng công trình nhà ở trên đất rừng phòng hộ, thành phố giao phường Đồng Xuân tổ chức cưỡng chế tháo dỡ trong tháng 4 tới.

Việc thành phố Phúc Yên chỉ đạo cấp xã tổ chức cưỡng chế không có gì sai, nhưng thực tế là cấp xã thiếu lực lượng, kinh phí để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, những người vi phạm thuê luật sư bảo vệ, ngăn cản cán bộ xã thực hiện nhiệm vụ. Để xử lý dứt điểm các vụ vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, thành phố Phúc Yên cần xác định rõ trách nhiệm tổ chức cưỡng chế là của cấp thành phố; cần huy động lực lượng tổ chức cưỡng chế một cách kiên quyết, nghiêm minh, đúng pháp luật.